Trước đó, Taliban đã tiếp tục cuộc tấn công, đánh chiếm Jalalabad, một thành phố lớn ở phía đông thủ đô Kabul mà không gặp phải bất cứ sự kháng cự nào. Cho đến nay, thành phố lớn duy nhất còn nằm trong tay chính phủ Afghanistan là thủ đô Kabul.
Theo Reuters cùng ngày 15/8, Đại sứ quán Mỹ đã bắt đầu sơ tán các nhà ngoại giao; Tổng thống Joe Biden tuyên bố sẽ tăng số lượng binh sĩ tới bảo vệ việc sơ tán dân chúng Mỹ và các đồng minh khỏi Afghanistan lên 5.000 người, đồng thời đảm bảo rằng các binh sĩ Mỹ đang rút khỏi Afghanistan "một cách có trật tự và an toàn". Máy bay trực thăng "Chinook" của quân đội Mỹ đã bay đến Đại sứ quán Mỹ ở Kabul và sơ tán các nhân viên Mỹ. Một số nhân viên sứ quán đang vội vã “giải quyết hậu sự”, đốt tài liệu mật, các làn khói đã bốc lên trong khuôn viên sứ quán.
Các chiến binh Taliban tiến vào thành phố Herat hôm 14/8 (Ảnh: AP). |
Một đoạn video lưu hành trên mạng xã hội cho thấy tiếng súng đã rền vang ở Kabul. Mới tuần trước, cơ quan tình báo Mỹ còn dự đoán rằng Kabul vẫn có thể "cầm cự trong ba tháng", nhưng tình hình hiện nay đã vượt xa mọi suy đoán.
Ngày 15/8, Mujahid, người phát ngôn của Taliban Afghanistan thông báo trên mạng xã hội rằng Taliban đã nắm quyền kiểm soát Jalalabad, thủ phủ của tỉnh Nangarhar. Trước đó, Mazar Sharif, thành phố lớn thứ 4 ở Afghanistan và là đô thị quan trọng ở phía bắc, cũng đã rơi vào tay Taliban. Cho đến nay, thành phố lớn duy nhất nằm trong tay chính phủ Afghanistan là thủ đô Kabul. Một quan chức Afghanistan khác cho rằng quân Taliban đã có mặt cách thủ đô Kabul 11 km.
Mazar Sharif là thủ phủ của tỉnh Balkh, thành phố lớn thứ tư trong cả nước và là trung tâm kinh tế. Hãng tin AP ngày 14/8 đưa tin, một quan chức ở tỉnh Balkh tuyên bố rằng lực lượng quân chính phủ đầu hàng trước, khiến dân quân ủng hộ chính phủ và các lực lượng vũ trang khác mất tinh thần và từ bỏ sự kháng cự trước cuộc tấn công dữ dội của Taliban vào ngày hôm đó. Quan chức này cũng tuyên bố rằng hai lãnh chúa với hàng nghìn binh sĩ đã chạy khỏi tỉnh Balkh không rõ hiện ở đâu. Một trong những lãnh chúa đã lên mạng xã hội cáo buộc quân chính phủ Afghanistan giao nộp vũ khí và trang thiết bị cho Taliban.
Cảnh giết chóc tái diễn: các chiến binh Taliban và dân chúng vây quanh thi thể một nhân viên an ninh chính phủ bị Taliban sát hại (Ảnh: AP). |
Jalalabad là một thị trấn quan trọng trên tuyến giao thông giữa Kabul và Pakistan. Một quan chức địa phương nói với Reuters: “Hiện không có xung đột ở Jalalabad vì thống đốc đã đầu hàng Taliban".
Cùng ngày, một quan chức Mỹ nói với Reuters: “Khi chúng ta đang nói chuyện, chúng tôi có một nhóm nhỏ nhân viên (ở Afghanistan) đang rời đi, những người khác cũng chuẩn bị rời đi, nhưng đại sứ quán sẽ tiếp tục hoạt động”.
Đài CBS ngày 14/8 cũng đưa tin rằng, ngoại trừ một số nhân sự chủ chốt, các nhân viên khác của Đại sứ quán Mỹ tại Afghanistan sẽ được rút khỏi Afghanistan trong vòng 36 giờ, và tất cả các nhà ngoại giao Mỹ dự định sẽ rời Afghanistan trước ngày 31/8.
Tin cho biết, các nhân viên Cục An ninh Ngoại giao của Mỹ và những người ra quyết định cấp cao bao gồm Đại sứ sẽ ở lại Đại sứ quán, và các kỹ sư an ninh sẽ ở lại để tiếp tục phá hủy các ổ cứng chứa thông tin nhạy cảm, tháo dỡ camera và thiết bị báo động.
Hình ảnh trực thăng hạ cánh ban đêm xuống sứ quán Mỹ để di tản nhân viên (Ảnh: Reuters). |
Các nhân viên khác của Đại sứ quán và những người đang chờ cấp thị thực nhập cư đặc biệt sẽ được đưa đến Sân bay Quốc tế Kabul. Mỹ sẽ thiết lập một đại sứ quán tạm thời khẩn cấp tại nhà chứa máy bay của Sân bay Quốc tế để xử lý các vấn đề về thị thực và sơ tán nhân sự.
Hình ảnh về việc Mỹ rút quân đã bắt đầu lan truyền trên Twitter. Một trong những đoạn video cho thấy chiếc trực thăng Chinook đã hạ cánh xuống sân bay Kabul và việc sơ tán Đại sứ quán Mỹ đã bắt đầu.
Hãng tin AP cho biết sáng ngày 15/8, các xe việt dã bọc thép của Bộ Ngoại giao bắt đầu rời khu vực gần đại sứ quán, các chuyến bay trực thăng trở nên dày đặc. Theo hai quan chức quân đội Mỹ đề nghị giấu tên, có thể nhìn thấy những luồng khói trên nóc đại sứ quán và các nhà ngoại giao đang khẩn trương tiêu hủy các tài liệu nhạy cảm.
Hình ảnh lửa đạn trên bầu trời Kabul đêm 14/8 (Ảnh; Guancha). |
Phóng viên Richard Engel của CBS nói rằng có rất nhiều trực thăng "bay qua bay lại" trên bầu trời Kabul, và các nhân viên Mỹ và các nước khác đã bắt đầu di tản. Một video khác trên mạng xã hội cho thấy tiếng súng đã vang lên ở Kabul và lửa xuất hiện trên bầu trời.
Một phóng viên của tờ The Guardian thường trú ở Afghanistan đã mô tả tình hình ở Kabul: Vào tối thứ Bảy, Kabul bị mất điện và Internet dường như cũng trục trặc. Nhiều người xếp hàng dài bên ngoài ngân hàng để rút tiền, một số ngân hàng không còn tiền mặt. Những người dân ở gần nhà tù Pul-e-charkhi ngoại ô Kabul cho biết họ nghe thấy tiếng súng trong nhà tù, có thể các tù nhân đã bắt đầu một cuộc nổi dậy.
Phóng viên Richard Engel của CBS mô tả rất nhiều trực thăng "bay qua bay lại" trên bầu trời Kabul, và các nhân viên Mỹ và các nước khác bắt đầu di tản. (Ảnh: Guancha). |
Kể từ ngày 12/8, trang Twitter chính thức của Đại sứ quán Mỹ tại Kabul đã không cập nhật bất kỳ nội dung nào, tuy nhiên vào sáng ngày 15/8, tài khoản này bất ngờ đăng một số dòng tweet cho biết chính quyền Biden đã ủy quyền cho khoảng 5.000 binh sĩ giúp đỡ Đại sứ quán Mỹ và các nhân viên liên quan khác sơ tán "an toàn và có trật tự". Cuộc di tản này cũng sẽ bao gồm những người Afghanistan đã hợp tác với Mỹ nhưng hiện đang bị Taliban đe dọa.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nói chuyện với Tổng thống đương nhiệm của Afghanistan Ashraf Ghani, để tìm kiếm một "giải pháp chính trị" cho tình hình hiện tại. Đồng thời, Mỹ đã nói với đại diện của Taliban trong cuộc đàm phán về tình hình ở Doha, Qatar, rằng: bất kỳ hành động nào khiến nhân viên Mỹ rơi vào tình huống nguy hiểm sẽ phải gánh chịu "phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ" từ Bộ Quốc phòng Mỹ.
Các nước phương Tây khác cũng đang đẩy nhanh việc sơ tán nhân viên đại sứ quán, công dân và người Afghanistan từng làm việc cho họ. Theo thông tin từ báo chí Anh, Đại sứ Anh sẽ rời Kabul vào tối ngày 15/8.
Lính Taliban tuần tra trên đường phố Farah hôm 13/8 (Ảnh: AP). |
Theo Reuters, một quan chức Iran nói rằng đại sứ quán của họ ở Kabul sẽ được sơ tán vào thứ Hai.
Tuy nhiên, những người đã xin sơ tán khỏi Afghanistan vẫn gặp vô vàn khó khăn. Theo tin mới nhất từ The Wall Street Journal, khoảng 18.000 người Afghanistan đã nộp đơn xin thị thực nhập cư đặc biệt vào Mỹ trong khi gia đình của họ vẫn ở Afghanistan, khoảng một nửa trong số này đang ở các khu vực bên ngoài Kabul, vốn đã thuộc sự kiểm soát của Taliban hoặc có thể sớm bị Taliban kiểm soát.
Bộ Ngoại giao Mỹ trong tháng này từng cho biết hàng chục nghìn người Afghanistan sẽ đủ điều kiện để được cấp thị thực ưu tiên theo Chương trình Tái định cư Người tị nạn của Mỹ, nhưng Mỹ vẫn chưa thiết lập các tiêu chuẩn rõ ràng, cũng như chưa xác định liệu những nhân viên kiêm chức và hợp đồng với các cơ quan của Mỹ có đủ điều kiện hay không. Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố rằng những người tị nạn tương lai phải rời khỏi Afghanistan và đến một nước thứ ba bằng tiền riêng của mình.
Các nước phương Tây khác, như Áo, Bỉ, Hà Lan và Đan Mạch, trong tuần này kêu gọi tiếp tục trục xuất những người Afghanistan đã bị từ chối tị nạn khỏi châu Âu. Các nhóm nhân quyền đã lên án động thái này là một "tín hiệu thô thiển" gửi đến người Afghanistan rằng họ không nên xin tị nạn ở châu Âu.
Sau đó, Đức và Hà Lan nhanh chóng thay đổi lập trường và đình chỉ việc trục xuất. Tuy nhiên, nhiều quốc gia vẫn giữ nguyên lập trường trước đây.
Lính Taliban tuần tra tại thành phố Farah hôm 11/8 trên chiếc xe mang hình chim ưng, logo của lực lượng an ninh chính phủ Afghanistan (Ảnh: AP). |
Về tình hình hiện tại ở Afghanistan, các nhà phân tích cho rằng mặc dù chính phủ Mỹ đã cố gắng rũ bỏ, tuyên bố rằng an ninh của Afghanistan nên được người Afghanistan bảo vệ, nhưng điều này không thể lẩn tránh trách nhiệm không thể thoái thác của Mỹ đối với tình trạng hỗn loạn hiện nay ở Afghanistan.
Chuyên gia quân sự Veda Mehran của Đại học Exeter Anh Quốc mới đây nhận định rằng việc rút quân của Mỹ, đặc biệt là các cuộc di tản trong đêm khỏi Căn cứ Không quân Bagram, đã giáng một đòn nặng nề vào tinh thần của lực lượng an ninh Afghanistan.
George Lefevre, một nhà nghiên cứu tại Viện Chiến lược và Quan hệ Quốc tế Pháp, cho rằng, theo các báo cáo liên quan của Liên Hợp Quốc, trong những năm gần đây, các cuộc không kích do liên quân do Mỹ đứng đầu hỗ trợ lực lượng an ninh Afghanistan đã gây ra số lượng lớn thương vong cho dân thường, điều này đã làm cho lực lượng an ninh Afghanistan mất đi sự ủng hộ của dân chúng ở nhiều nơi. Đây cũng là lý do quan trọng khiến cuộc tấn công gần đây của Taliban không bị ngăn chặn.