Tại sao Quốc hội Mỹ bác bỏ đề xuất viện trợ 24 tỷ USD cho Ukraine?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã không nhận được sự chấp thuận của Quốc hội về khoản ngân sách bổ sung 24 tỷ USD trong thời gian cuối nhiệm kỳ để tăng cường viện trợ cho Ukraine.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson tuyên bố đã bác bỏ kế hoạch viện trợ thêm 24 tỷ USD cho Ukraine. Ảnh: Guancha.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson tuyên bố đã bác bỏ kế hoạch viện trợ thêm 24 tỷ USD cho Ukraine. Ảnh: Guancha.

Hạ viện Mỹ bác bỏ yêu cầu của Tổng thống Biden

Trang The Hill của Mỹ ngày 5/12 theo giờ địa phương cho biết, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson đã bác bỏ yêu cầu này của Nhà Trắng.

"Tình hình ở Ukraine đang thay đổi nhanh chóng và ông Biden không có quyền đưa ra quyết định này...Chúng tôi sẽ chờ chỉ thị từ 'tổng tư lệnh' mới", ông nói.

Mặc dù Tổng thống đắc cử Donald Trump lâu nay vẫn chỉ trích ông Biden “quá hào phóng trong viện trợ cho Ukraine", nhưng một số nhà phân tích cho rằng sau khi nhậm chức, ông Trump có thể sẽ không kiên quyết từ chối kế hoạch viện trợ cho Ukraine như ông từng tuyên bố trong chiến dịch tranh cử.

Chính phủ Mỹ hiện nay đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt ngân sách và buộc phải đóng cửa. Vì vậy hai đảng trong Quốc hội đang đấu tranh quyết liệt về dự toán ngân sách của chính phủ, và ngày 20/12 là hạn chót để thông qua dự luật ngân sách. Chính quyền Biden muốn đưa ngân sách viện trợ 24 tỷ USD cho Ukraine vào dự toán nhưng bị ông Johnson từ chối.

Khi được giới truyền thông hỏi liệu ông có đưa ra Hạ viện bỏ phiếu về viện trợ cho Ukraine hay không, ông Johnson cho biết "sẽ tuân theo chỉ đạo của Tổng thống đắc cử".

Ukraine thua nhan dua hon 80 phan tram vien tro.png
Bộ Quốc phòng Ukraine thừa nhận 80% dựa vào viện trợ bên ngoài để chiến đấu chống lại Nga. Ảnh: Sputnik.

Theo truyền thông Mỹ, ông Johnson lâu nay là người ủng hộ ông Trump. Ngay từ mùa Thu năm ngoái, ông đã từ chối bỏ phiếu về dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 61 tỷ USD, điều này trực tiếp dẫn đến sự chậm trễ sau đó trong viện trợ của Mỹ cho Ukraine. Nhưng do áp lực của các bên, cuối cùng ông đã đạt được thỏa thuận với các bên liên quan và dự luật đã được thông qua.

Hai ông Trump và Biden có những bất đồng khá lớn trong việc ủng hộ Ukraine. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump liên tục tuyên bố rằng ông sẽ "chấm dứt xung đột ở Ukraine trong vòng 24 giờ sau khi nhậm chức". Ông đã nhiều lần chỉ trích sự viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine là "quá hào phóng" và cho rằng việc cung cấp số lượng lớn hỗ trợ cho Ukraine là lãng phí và đi chệch khỏi ưu tiên "chống lại Trung Quốc" của Mỹ.

Gần như trái ngược với ông Trump, ủng hộ và cung cấp viện trợ cho Ukraine là phương châm kiên định của chính quyền Biden. Ngày 2/12 theo giờ địa phương, chính quyền Biden vừa công bố kế hoạch viện trợ cho Ukraine trị giá 725 triệu USD, bao gồm cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không, đạn tên lửa, đạn pháo và vũ khí chống tăng. Ngay từ ngày 17/11, ông Biden đã cho phép Ukraine sử dụng Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân tầm xa (ATACMS) do Mỹ sản xuất để tấn công các mục tiêu ở lãnh thổ Nga.

Biden cho phep Ukraine su dung ATACMS.png
Tổng thống Mỹ Biden hôm 17/11 cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS để tấn công vào lãnh thổ Nga. Ảnh: Singtao.

Trước đó, truyền thông Mỹ đưa tin chính quyền Biden dự định nhanh chóng giải ngân số viện trợ còn lại cho Ukraine do lo ngại ông Trump sẽ cắt bỏ chúng.

Ông Trump sẽ hành động ra sao?

Theo The Hill, chính quyền Biden hiện vẫn còn có 6 tỷ USD trong quỹ viện trợ cho Ukraine. Tuy nhiên, do kho vũ khí của Mỹ tiếp tục giảm nên 6 tỷ USD còn lại này khó được chuyển thành dự toán ngân sách để mua sắm thực tế và do đó "không thể chi tiêu".

Theo Politico, trong số ngân sách 24 tỷ USD mà chính quyền Biden đang cố gắng thông qua Quốc hội, chỉ có 8 tỷ USD được sử dụng cho “Kế hoạch viện trợ an ninh Ukraine” để trực tiếp cung cấp vũ khí, thiết bị cho Ukraine.

Truyền thông Ukraine Ukraine Pravda nêu trong bài viết rằng hợp đồng trị giá 8 tỷ USD này cũng sẽ được trao cho các công ty Mỹ. 16 tỷ USD còn lại trong ngân sách viện trợ được chính quyền Biden sử dụng để "bổ sung kho vũ khí của Mỹ" vì viện trợ lâu dài cho Ukraine đã để lại chỗ trống lớn trong kho vũ khí của Mỹ cần lấp đầy.

Trump khong man ma voi Zelensky.jpg
Trong thời gian tranh cử, ông Trump nhiều lần bày tỏ không mặn mà với việc viện trợ cho Ukraine. Ảnh: Singtao.

Một số nhà phân tích cho rằng, điều này có nghĩa là ngành công nghiệp quân sự của Mỹ sẽ nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn. Mặt khác, nó cũng có thể giúp hồi sinh 6 tỷ USD còn lại trong quỹ viện trợ cho Ukraine để có thể tiếp tục sử dụng "chuyên dùng" mua vũ khí viện trợ cho Ukraine.

Vì các đơn đặt hàng và hợp đồng liên quan ở Mỹ sẽ được chuyển giao cho các công ty vũ khí trong nước, nên về cơ bản thì chúng cũng là tiền chính phủ Mỹ “túi trái bỏ sang túi phải” và chiếc bánh cuối cùng được chia cho tổ hợp công nghiệp quân sự Mỹ. Vì vậy, “ngân sách viện trợ cho Ukraine” của Mỹ không thể đơn giản được coi là “tiêu tiền cho nước ngoài”, mà chỉ là “chiếc dành riêng cho ngành công nghiệp quân sự”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin từng bày tỏ quan điểm rằng "việc viện trợ Ukraine đã giúp hiện đại hóa ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ".

Bởi vậy, sau khi nhậm chức Tổng thống, ông Trump chưa chắc chắn sẽ từ bỏ dòng đơn đặt hàng ổn định mà "viện trợ cho Ukraine" đã mang lại cho ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ.

Theo Guancha