Theo trang Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức), hôm thứ Ba (28/3) Tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Trung Quốc Alibaba đã tuyên bố có kế hoạch tái cơ cấu tách ra thành 6 thực thể độc lập, hầu hết trong số này đều huy động vốn hoặc xúc tiến niêm yết chứng khoán (IPO). Đây là một cuộc cải cách lớn của tập đoàn và giới đầu tư cho rằng nó liên quan đến việc quay trở về của người sáng lập Alibaba Jack Ma (Mã Vân).
Theo hãng tin AFP, ông Trương Dũng (Zhang Yong), Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của Alibaba, cho biết trong một tuyên bố rằng việc tái cơ cấu sẽ cho phép mỗi đơn vị kinh doanh độc lập có thể thực hiện các kế hoạch huy động vốn và niêm yết công khai của riêng mình.
Alibaba tuyên bố động thái này nhằm mục đích "mở khóa giá trị cho cổ đông và thúc đẩy sức cạnh tranh của thị trường".
Tập đoàn Alibaba sẽ tái cơ cấu thành 6 Công ty hoạt động và niêm yết độc lập (Ảnh: Deutsche Welle). |
Theo Reuters, đây là cuộc cải cách lớn nhất trong lịch sử 24 năm của tập đoàn Alibaba. Theo cách sắp xếp mới, mỗi đơn vị mới được thành lập sẽ được quản lý bởi Giám đốc điều hành (CEO) và Hội đồng quản trị riêng. 6 đơn vị mới là Cloud Intelligence Group (Tập đoàn Vân Trí Năng), Taobao Tmall Business Group (Tập đoàn Thương mại Thiên Miêu Đào Bảo), Local Service Group (Tập đoàn dịch vụ Bản Địa), Cainiao Smart Logistics Group (Tập đoàn dịch vụ vận tải Thái Điểu), Global Digital Business Group (Tập đoàn Thương mại số hóa Toàn Cầu) và Digital Media Entertainment Group (Tập đoàn giải trí truyền thông số hóa).
Trong số đó, Taobao Tmall Business Group, một trong những nền tảng thương mại điện tử trực tuyến hàng đầu tại Trung Quốc, vẫn sẽ thuộc sở hữu hoàn toàn của Tập đoàn Alibaba. Ông Trương Dũng sẽ tiếp tục giữ chức CEO của Alibaba, nhưng hoạt động hàng ngày của các đơn vị kinh doanh khác nhau sẽ được giao cho cơ quan quản lý mới.
Các nhà đầu tư chấp nhận động thái
Cuộc cải cách này diễn ra một ngày sau khi người sáng lập Alibaba Jack Ma trở về Trung Quốc sau một năm sống ở nước ngoài; động thái này phù hợp với quyết định tái kích thích nền kinh tế của chính phủ Trung Quốc sau hai năm áp chế kinh tế tư nhân.
Hoạt động kinh doanh rộng lớn của Alibaba từng luôn là mục tiêu của các cơ quan quản lý giám sát. Trong ảnh các shipper của Alibaba (Ảnh: AP). |
Hãng CNBC đưa tin rằng sau khi giá cổ phiếu của Alibaba đạt đỉnh vào tháng 10/2020, giá trị thị trường của nó đã bốc hơi mất khoảng 600 tỉ USD. Nhưng thông tin về cuộc cải cách này đã khiến cổ phiếu của Alibaba tăng vọt hơn 9% trước khi thị trường Mỹ mở cửa vào ngày thứ Hai (27/3) theo giờ Mỹ.
Reuters đưa tin, các nhà phân tích cho biết việc chia tách này có thể giảm bớt sự giám sát của chính phủ đối với Alibaba, hoạt động kinh doanh rộng lớn của công ty đã bị các cơ quan quản lý nhắm đến trong nhiều năm qua.
Tara Hariharan, giám đốc điều hành của Global Macro Research – cơ quan nghiên cứu về kinh tế vĩ mô toàn cầu, cho biết quyết định này một phần nào đó có thể là kết quả của việc Mỹ giám sát các công ty công nghệ Trung Quốc.
Hariharan nói: “Bằng cách mở đường cho các bộ phận mới của Alibaba niêm yết lên sàn, chính phủ Trung Quốc có thể đang gửi một tín hiệu trấn an tới các nhà đầu tư Mỹ và quốc tế rằng họ đã giảm bớt thù địch với những gã khổng lồ công nghệ”.
Hiện ông Jack Ma chỉ còn nắm giữ 6,2% quyền cổ phiếu của Ant Group (Ảnh: Deutsche Welle). |
Jack Ma trở về gây hiệu ứng tích cực
Theo Reuters, trong những ngày gần đây, chính phủ Trung Quốc đã có thái độ nới lỏng, mềm mỏng hơn đối với hoạt động kinh doanh tư nhân khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc cố gắng cứu vãn nền kinh tế bị vùi dập sau 3 năm phong tỏa nghiêm ngặt vì đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, các công ty tư nhân Trung Quốc vẫn do dự và riêng tư chỉ ra rằng chính phủ Trung Quốc thiếu các chính sách hỗ trợ mới và khung pháp lý mới.
Nhưng cổ phiếu của Alibaba đã tăng trở lại vào thứ Hai (27/3) ngay sau khi người sáng lập Jack Ma trở về Trung Quốc. 5 người thông thạo tình hình Trung Quốc nói với Reuters rằng, ông Lý Cường, Thủ tướng mới của Trung Quốc, đã nhận ra rằng việc Jack Ma trở về Trung Quốc đại lục sẽ giúp tăng cường niềm tin kinh doanh của các doanh nhân và ông đã yêu cầu Jack Ma về nước từ cuối năm ngoái.
Theo dữ liệu của Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc, tổng doanh thu của các công ty Internet Trung Quốc năm 2022 đã bị giảm 1% xuống còn 1,46 nghìn tỉ NDT (khoảng 212 tỉ USD), là lần giảm đầu tiên trong gần một thập kỷ qua.
Theo South China Morning Post, ông Jack Ma, người sáng lập Alibaba, đã trở về Trung Quốc và đến thăm Trường Yungu (Vân Cốc) Hàng Châu vào ngày 27/3. Bloomberg đưa tin rằng chính phủ Trung Quốc trước đó đã cố gắng thuyết phục Jack Ma về nước để thể hiện sự ủng hộ của chính phủ đối với cộng đồng doanh nghiệp, trong khi Jack Ma ban đầu muốn ở lại nước ngoài.
South China Morning Post cho biết, Jack Ma đã trở lại Trung Quốc trong vài ngày và đã đến thăm Trường Yungu Hàng Châu do ông thành lập, gặp gỡ các giáo viên và sinh viên. Trước khi về nước, Jack Ma đã dừng chân một thời gian ngắn ở Hong Kong để tham quan Art Basel.
Việc ông Jack Ma trở về Trung Quốc được cho là sẽ đem lại những tác động tích cực. Ảnh: Jack Ma gặp gỡ cán bộ giáo viên Trường Yungu hôm 27/3 (Ảnh: Sohu). |
Trường Yungu cũng đã đăng một bài viết về chuyến thăm của Jack Ma trên tài khoản WeChat công khai của trường ngày 27/3. Bài báo cho biết Jack Ma đã thảo luận với hiệu trưởng nhà trường về những thách thức và cơ hội do đợt thay đổi công nghệ mới ở Yungu mang lại. Jack Ma cho rằng những công nghệ như ChatGPT đã mang đến những thách thức cho giáo dục, nhưng đó mới chỉ là bước khởi đầu của kỷ nguyên AI. “Chúng ta cần sử dụng trí tuệ nhân tạo để giải quyết vấn đề thay vì bị trí tuệ nhân tạo kiểm soát. Tuy thể lực và trí lực con người kém hơn máy móc, nhưng máy móc chỉ có 'chip', còn con người có 'trái tim'."
Kể từ khi Ant Group bị đình chỉ niêm yết tại Thượng Hải và Hồng Kông vào đầu tháng 11/2020, Jack Ma đã biệt tích trong một thời gian dài và không xuất hiện trước công chúng.
Trong gần một năm qua, các cơ quan truyền thông đã liên tiếp đưa tin Jack Ma xuất hiện ở Mallorca Tây Ban Nha, Hà Lan, Nhật Bản, Thái Lan, Hồng Kông và các nơi khác. Đầu tháng 7/2022, Jack Ma đã đến thăm Trung tâm Wageningen University & Research ở Hà Lan. Vào tháng 11, truyền thông Anh đưa tin Jack Ma đã sống gần nửa năm ở trung tâm Tokyo và thường xuyên tới Mỹ và Israel. Vào tháng 1 năm nay, truyền thông Thái Lan đưa tin Jack Ma xuất hiện ở Bangkok xem một trận đấu Muay Thái, sau đó gặp Dhanin Chearavanont, chủ tịch Charoen Pokphand Group (Tập đoàn CP) giàu nhất Thái Lan và Suphachai Chearavanont, con trai thứ ba và Giám đốc điều hành CP ở Hồng Kông. Người ta suy đoán rằng Jack Ma có thiện chí hợp tác với Tập đoàn CP. Vào tháng 2 năm nay, trên mạng xã hội xuất hiện một bức ảnh Jack Ma ở Australia cùng gia đình Morley quen thân ông đã 43 năm; vào tháng 3, ông bị cư dân mạng chụp ảnh khi ở Fiji.
Đầu tháng 1 năm nay, Ant Group thông báo Jack Ma có ý định từ bỏ quyền kiểm soát công ty. Tuyên bố cho biết ông đã từ bỏ quyền quản lý hành chính của Alibaba vào năm 2018, nhưng vẫn "gián tiếp" kiểm soát 53,46% cổ phần của Ant Financial. Trong tương lai, Jack Ma sẽ chỉ nắm giữ 6,2% quyền biểu quyết và sẽ chia sẻ quyền kiểm soát công ty với 9 người khác.
Sau khi tin Jack Ma trở về Trung Quốc được loan báo, giá cổ phiếu của Alibaba hôm 27/3 đã tăng tới 4%.
Những người thông thạo tình hình nói với Bloomberg Ant Financial vẫn có kế hoạch phát hành cổ phiếu, nhưng không có khả năng hoàn thành IPO trong năm nay và công ty cũng tập trung vào việc cải cách toàn diện hoạt động kinh doanh của mình để xoa dịu các cơ quan quản lý. Vì vậy, khi Ant Financial quay trở lại IPO, nó sẽ không còn là gã khổng lồ trị giá 315 tỉ USD vào năm 2020, mà sẽ chuyển sang mô hình tài chính. Cuối tháng 11 năm ngoái, Fidelity Investments đã hạ mức định giá của Ant Group xuống còn khoảng 64 tỉ USD.