Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cao Bằng vừa công bố kết quả mở hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án Phát triển đô thị phường Sông Bằng (khu C), với quy mô 26ha, tổng chi phí thực hiện ở mức 1.586 tỉ đồng. Dự án này tọa lạc tại phường Sông Bằng, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng, với 456 căn shophouse, nhà ở liền kề và biệt thự.
Theo tìm hiểu của VietTimes, có 3 nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án này, gồm: Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Mê Kông (Mekong Group, Mã CK: VC3); Công ty Cổ phần Đầu tư Sông Đà - Việt Đức (Sông Đà Việt Đức); và Công ty Cổ phần Tập đoàn Đông Đô (Đông Đô Group).
Trong đó, Mekong Group tiền thân là CTCP Xây dựng số 3. Sau khi Vinaconex thoái vốn, doanh nghiệp này chứng kiến sự nổi lên của nhóm ông Kiều Xuân Nam.
Tính đến ngày 31/12/2022, Chủ tịch HĐQT Kiều Xuân Nam nắm giữ 51 triệu cổ phiếu VC3, chiếm 50,9% vốn điều lệ công ty.
Mekong Group được biết tới là chủ đầu tư các dự án Tổ hợp thương mại dịch vụ và nhà ở Đồng Hới Complex (Quảng Bình; quy mô 5,81ha); Khu đô thị Bảo Ninh 2 (tên thương mại: La CELIA City; tọa lạc tại Quảng Bình; quy mô 18,19ha); dự án The Charms (Bình Dương; diện tích: 1,31ha).
Như VietTimes từng đề cập, Mekong Group báo lãi sau thuế 77,9 tỉ đồng trong quý 4/2022, tăng 63,6% so với cùng kỳ năm trước.
Theo VC3, lợi nhuận trong quý cuối năm 2022 tăng mạnh chủ yếu là do công ty bắt đầu bàn giao và ghi nhận doanh thu, lợi nhuận từ các sản phẩm bất động sản thuộc dự án Khu đô thị Bảo Ninh 2 tại TP. Đồng Hới, Quảng Bình.
Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của VC3 đạt 3.634,6 tỉ đồng, tăng 139% so với đầu năm. Trong đó, lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của công ty đạt 444,3 tỉ đồng.
Sông Đà Việt Đức và Đông Đô Group mạnh cỡ nào
Theo dữ liệu của VietTimes, Sông Đà Việt Đức được thành lập từ tháng 1/2004, do ông Nguyễn Văn Bảy (SN 1964) làm Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật. Cập nhật đến ngày 31/7/2019, với số vốn điều lệ của công ty này đạt 599,9 tỉ đồng.
Sông Đà Việt Đức được biết tới là nhà đầu tư đề xuất xây dựng Dự án đường trục phát triển đô thị từ thành phố Tuyên Quang đi trung tâm huyện Yên Sơn theo hình thức BT. Dự án có tổng chiều dài 9,88km, tổng mức đầu tư khoảng 799 tỉ đồng.
Theo đề xuất dự án được duyệt, dự kiến giao cho nhà đầu tư 3 khu đất đối ứng gồm quỹ đất hai bên đường của dự án BT thuộc phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) và xã Trung Môn, huyện Yên Sơn, diện tích khoảng 131 ha; quỹ đất tại phường Hưng Thành diện tích 8,96 ha; quỹ đất điểm dừng chân trung tâm huyện Yên Sơn 3,34 ha.
Ngoài Sông Đà Việt Đức, ông Nguyễn Bảy còn đứng tên tại CTCP Sông Đà Việt Đức - Cao Bằng; CTCP Đầu Tư và Phát Triển Nhà CIE - CMC - Sông Đà Việt Đức; Công ty TNHH Tư Vấn Thiết Kế Xây Dựng Sông Đà Việt Đức; CTCP Bất Động Sản Việt Đức Complex.
Một số chỉ tiêu tài chính của Sông Đà Việt Đức |
Trong khi đó, Đông Đô Group thành lập từ tháng 6/1992, tiền thân là Công ty Xây dựng Đông Đô, do ông Phạm Đức Thắng (SN 1963) làm người đại diện theo pháp luật.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, ông Thắng còn đứng tên tại CTCP Du Lịch Thiên Đường Hải Đảo và CTCP Du Lịch Đô Thị Sinh Thái Cửa Ông.
Đông Đô Group hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng dân dụng; xây dựng công nghiệp; xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật; đầu tư các dự án; cho thuê đất cụm khu công nghiệp; cung cấp thang máy; dịch vụ kho bãi cảng biển và dịch vụ cho thuê văn phòng và mặt bằng kinh doanh.
Tại Hà Nội, Đông Đô Group là chủ đầu tư Khu Đô thị sinh thái Thăng Long, xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ (tổng vốn đầu tư 500 tỉ đồng); Dự án Khu nhà ở Trường Yên, huyện Chương Mỹ (141 tỉ đồng); Dự án Chợ bán buôn nông, lâm sản Đông Phương Yên (138,6 tỉ đồng).
Ngoài ra, Đông Đô Group còn liên danh với Công ty Cổ phần du lịch Thiên đường Hải đảo và Công ty Cổ phần tập đoàn Tecco thực hiện dự án Khu dịch vụ du lịch và đô thị sinh thái Cửa Ông, tỉnh Quảng Ninh. Dự án này có tổng vốn đầu tư 3.000 tỉ đồng, quy mô 30ha./.