Singapore chấn động vì bức tâm thư phụ huynh gửi Bộ trưởng Giáo dục kêu đề thi quá khó

VietTimes -- Một học sinh tiểu học ở Singapore mới đây bước ra khỏi phòng thi cuối kỳ trong tâm trạng "thất vọng và suy sụp" bởi không giải nổi các câu toán học, khiến cho mẹ của cậu gửi bức tâm thư lên Bộ trưởng Giáo dục để phàn nàn về đề toán "khó đến vô lý".
Bà Yeo và thông điệp mà bà gửi đi đang nhận được sự đồng cảm của nhiều phụ huynh ở Singapore (Ảnh: Yahoo News)
Bà Yeo và thông điệp mà bà gửi đi đang nhận được sự đồng cảm của nhiều phụ huynh ở Singapore (Ảnh: Yahoo News)

Trong một bức thư trực tuyến gửi tới Bộ trưởng Giáo dục Singapore Ong Ye Kung, bà Serene Eng-Yeo nói rằng con trai bà đã ôn luyện rất vất vả trước khi tham gia vào kỳ thi Tốt nghiệp trường Tiểu học (PSLE) và trước đó đã đạt điểm cao trong kỳ thi khảo sát.

"Lý do nào để đưa ra đề thi khó đến như vậy? Bộ trưởng có thể giải thích nguyên nhân đằng sao không?" - bà Yeo viết trên Facebook, thêm rằng con trai bà không phải là thí sinh duy nhất cảm thấy thoái chí vì đề thi toán.

Đến thời điểm hiện tại, Bộ trưởng Ong vẫn chưa đưa ra câu trả lời chính thức.

Vị phụ huynh nọ cũng đăng tải hình chụp lại những câu hỏi cực khó mà cậu con trai 11 tuổi của bà phải giải trong lúc tham dự kỳ thi chuyển cấp. Được biết những kỳ thi PSLE ở Singapore vốn nổi tiếng là đưa ra những câu hỏi "xoắn não" mà ngay cả người lớn đôi khi cũng chịu bó tay.

Một trong số những câu hỏi trong đề thi toán PSLE mà bà Yeo đăng tải có nội dung như sau: Jamie và X dùng 61,20 USD để mua bánh trứng. Jamie có phiếu giảm giá 15% nên mua nhiều hơn 6 chiếc bánh trứng so với X.

a) Jamie đã mua bao nhiêu chiếc bánh trứng?

b) Giá một chiếc bánh trứng là bao nhiêu?

Một câu hỏi khác: Cho các hình bán nguyệt giống nhau như trong hình (Hình dưới). Tìm đường kính của chúng.

Singapore chấn động vì bức tâm thư phụ huynh gửi Bộ trưởng Giáo dục kêu đề thi quá khó ảnh 1

Nhập mô tả ảnh

Vị quan chức ngành giáo dục duy nhất từng trả lời về vấn đề này là cựu Bộ trưởng Giáo dục Heng Swee Keat trong năm 2013. Thời điểm đó, ông Heng lý giải rằng Bộ của ông đưa ra những câu hỏi khó nhằm định hướng tốt hơn cho học sinh trong khi vẫn duy trì được tiêu chuẩn cao của kỳ thi.

Thế nhưng 6 năm sau, học sinh vẫn chật vật với những câu hỏi kiểu này. Theo bà Yeo, đề thi mà ngôi trường nơi con bà theo học đưa ra là "nhân đạo" hơn nếu so với đề thi mà Ủy ban Đánh giá và Kiểm tra Singapore đưa ra. Bà nói con trai mình đã "mỉm cười" và dường như rất hăng hái sau khi hoàn thành xong bài thi khảo sát ở trường, trái ngược hẳn với tâm lý "thất vọng và suy sụp" khi làm xong bài thi chuyển cấp. Cậu con trai nói với bà rằng cậu cảm thấy "chết lặng trước mọi câu hỏi ở trang 2" của bài thi.

Bà Yeo còn nói rằng đặt ra những câu hỏi quá khó như vậy trong kỳ thi sẽ chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý trẻ nhỏ, thêm rằng giờ thì bà đã hiêu lý do tại sao mà một số người trẻ tuổi tự sát khi trượt các kỳ thi.

Ở Singapore từng xảy ra nhiều trường hợp học sinh tự sát chỉ vì kết quả tồi trong thi cử, trong đó có một trường hợp một học sinh 11 tuổi nhảy lầu từ tầng 17 và tử vong vào năm 2016 sau khi không vượt qua được kỳ thi giữa kỳ - theo Strait Times.

"Có một câu nói đùa là, chả ai quan tâm tới điểm số trong trường khi mà người ta đã đi làm" - bà Yeo nói.

Thông điệp mà bà Yeo đưa ra hiện đang được chia sẻ hàng trăm lượt trên mạng xã hội, trong đó nhiều người nhất trí với quan điểm rằng, hệ thống giáo dục nên mang tới niềm vui cho học sinh thay vì khiến chúng suy sụp.

Kỳ thi PSLE của Singapore năm nay bắt đầu từ ngày 26/9 và kết thúc vào ngày hôm nay, 2/10.

(Theo Yahoo News)