Sau những kỷ lục của năm 2021, chứng khoán Việt Nam năm 2022 sẽ đi về đâu?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ông James Estaugh - Giám đốc Khối dịch vụ Chứng khoán HSBC Việt Nam vừa đưa ra những phân tích và nhận định về xu hướng thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022 sau những kỷ lục bứt phá trong năm 2021.
Ông James Estaugh - Giám đốc Khối dịch vụ Chứng khoán HSBC Việt Nam
Ông James Estaugh - Giám đốc Khối dịch vụ Chứng khoán HSBC Việt Nam

Ngôi sao sáng của khu vực trong năm 2021

Ông James Estaugh - Giám đốc Khối dịch vụ Chứng khoán HSBC Việt Nam – cho biết, dịch COVID-19 đã không thể ngăn cản thị trường chứng khoán Việt Nam có một năm tăng trưởng ngoạn mục ngoài mong đợi. Nhất là những kỷ lục liên tiếp được thiết lập trong năm 2021 ở hạng mục thanh khoản và vốn hóa thị trường.

“VN Index đạt đỉnh 1.500,81 điểm vào ngày 25/11/2021. Số lượng tài khoản mở mới tiếp tục tăng vọt. Thị trường ngày càng thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài là những kỷ lục mà thị trường chứng khoán Việt Nam đạt được trong năm 2021” – ông James Estaugh cho hay.

Không những vậy, tính đến cuối năm 2021, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam ghi nhận tổng số tài khoản chứng khoán đã đạt khoảng 4,3 triệu, tăng hơn 50% so với cuối năm 2020, trong đó số lượng tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài là hơn 39.000, tăng hơn 11% so với cuối năm 2020.

“Với những gì đã diễn ra, thị trường chứng khoán Việt Nam là ngôi sao sáng trong khu vực với chỉ số VN-Index kết thúc năm 2021 đạt 1.498 điểm, tăng 35% so với năm 2020, mức tăng trưởng mạnh nhất so với các thị trường láng giềng trong khu vực và trở thành thị trường tăng trưởng mạnh nhất khu vực ASEAN” – ông James Estaugh, Giám đốc Khối dịch vụ Chứng khoán, HSBC Việt Nam chia sẻ.

Theo đánh giá của Tập đoàn HSBC, thị trường chứng khoán Việt Nam có giá trị tương đối tốt hơn so với các thị trường mới nổi và cận biên, vì mức chênh lệch giá của thị trường Việt Nam so với các thị trường châu Á (trừ Nhật Bản) trong bộ chỉ số GEM và FM ít hơn so với mức trung bình trong quá khứ.

Bên cạnh đó, mức chênh lệch theo định giá của thị trường Việt Nam cũng cao hơn vì (các doanh nghiệp trên) thị trường đang tạo ra các mức lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) cao hơn trong quá khứ. Nhờ đó, vốn hóa của thị trường cuối năm 2021 đạt kỳ lục mới là 7.729 nghìn tỷ đồng, tăng 46% so với cuối năm 2020, tương đương 122,8% GDP.

Cũng theo chuyên gia HSBC, trong tháng 11/2021, giá trị cổ phiếu chuyển nhượng trong ngày đã lập đỉnh kỷ lục 56,3 nghìn tỷ đồng (khoảng 2,4 tỷ USD/phiên). Tính chung cả năm 2021, giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 25.960 tỷ đồng/phiên (khoảng 1,13 tỷ USD), tăng 250% so với năm 2020 (khoảng 430 triệu USD)… cao hơn các nước trong khu vực ASEAN.

“Mặc dù mọi người đều có chung nhận thức rằng thị trường cổ phiếu của Việt Nam là quá nhỏ để thu hút được các khoản đầu tư nước ngoài lớn, nhưng sự thật là giá trị giao dịch bình quân ngày của thị trường đã tăng trưởng và tiếp tục tăng trưởng ngoạn mục. Nhìn sang các thị trường khu vực, giá trị giao dịch bình quân phiên của thị trường Thái Lan là khoảng 2 tỷ USD/ngày, của Indonesia là 800 triệu USD/ngày, Singapore là 500 triệu USD/ngày và Philippines là 100 triệu USD/ngày… cho thấy thị trưởng chứng khoán Việt Nam đã xác lập kỷ lục trong năm 2021” – ông James Estaugh nhấn mạnh.

Triển vọng nào trong năm 2022?

Theo chuyên gia HSBC, nền kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi từ cuối năm 2021 và được kỳ vọng tăng trưởng mạnh trong năm 2022. Cụ thể, GDP của Việt Nam trong quý 4/2021 đã tăng trở lại và đạt 5,8% so với cùng kỳ năm trước, vượt kỳ vọng của thị trường (HSBC: 3,8%, Bloomberg: 3,9%) và củng cố nền tảng cho đà tăng tốc của nền kinh tế trong năm 2022.

Bên cạnh đó, việc Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công trong năm 2022 được xem là tiền đề nền kinh tế tăng trưởng lâu dài và tạo động lực cho phục hồi tăng trưởng trong năm 2022. “Năm 2022, đầu tư công sẽ tiếp tục là động lực quan trọng cho phục hồi tăng trưởng kinh tế đất nước. Chính phủ đã chỉ đạo việc triển khai đầu tư công rất quyết liệt và nhờ các hoạt động sản xuất cải thiện nhanh chóng, xuất khẩu đạt mức kỷ lục, khu vực dịch vụ bắt đầu hồi phục mạnh mẽ và mức tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay sẽ đạt 6,5%”- chuyên gia Tập đoàn HSBC dự báo.

Biểu đồ biến động Chỉ số giá thị trường chứng khoán ASEAN năm 2021

Biểu đồ biến động Chỉ số giá thị trường chứng khoán ASEAN năm 2021

Không chỉ là tiền đề cho phát triển, các chuyên gia HSBC cho rằng, đầu tư công của Chính phủ sẽ đóng vai trò dẫn dắt, tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư từ các khu vực kinh tế ngoài nhà nước, tạo tiền đề cho tăng trưởng kinh tế lâu dài, bền vững. Bên cạnh đó, chiến lược phát triển trung và dài hạn tập trung vào môi trường - xã hội - quản trị (ESG) và sử dụng tài chính xanh sẽ giúp doanh nghiệp phòng ngừa rủi ro, nâng cao năng lực chống chịu trước các cú sốc khủng hoảng.

Cùng gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với khoảng 350.000 tỷ đồng tập trung thực hiện trong 2 năm 2022-2023 vừa được Quốc hội phê duyệt sẽ đem lại sức bật tăng trưởng cho nền kinh tế, nhất là khôi phục chuỗi sản xuất sau dịch COVID-19.

“Chúng tôi vẫn giữ quan điểm lạc quan về tiềm năng tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2022, cũng như trong tương lai. Theo dự báo, chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022 lên mức 1.850 điểm. Trong năm 2022, bên cạnh các yếu tố vĩ mô là điểm tựa vững chắc hỗ trợ thị trường chứng khoán, còn nhiều điểm sáng của thị trường sẽ thuyết phục nhà đầu tư nước ngoài sớm tiếp tục rót vốn vào thị trường, và trên thực tế, nhà đầu tư nước ngoài đã bắt đầu mua ròng trở lại trong những tuần đầu tiên của năm 2022” – ông James Estaugh lạc quan nói.

Vẫn còn nhiều thách thức

Bên cạnh những tín hiệu tích cực, chuyên gia HSBC cũng chỉ ra những thách thức mà thị trường chứng khoán Việt Nam phải đối mặt trong năm 2022. Đó là khó khăn lớn từ đại dịch COVID-19 và khả năng làn sóng dịch mới do biến chủng Omicron.

Đặc biệt, để đạt được các kỳ vọng nói trên trong năm 2022, chuyên gia HSBC cho rằng, thị trường và cộng đồng nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, cần nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý. Trong đó, rất cần cơ chế phối hợp, đồng bộ hóa quy định pháp lý giữa các bộ ngành cho hoạt động cung cấp dịch vụ và đầu tư trên thị trường chứng khoán, nhằm tiếp tục nới lỏng các quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài (FOL) theo quy định tại Luật Đầu tư, các quy định về tài khoản, cấu trúc tài khoản, hợp pháp hóa lãnh sự hồ sơ mở tài khoản cho nhà đầu tư nước ngoài…

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần triển khai kịp thời hệ thống công nghệ mới phục vụ hoạt động giao dịch và thanh toán sau giao dịch cho thị trường chứng khoán, nhằm đảm bảo đưa các sản phẩm dịch vụ mới vào vận hành và mở ra cơ hội tháo gỡ cho vấn đề ký quỹ trước giao dịch và giới hạn sở hữu nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần nâng cao khả năng tiếp cận thông tin đầy đủ và chính thống và đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài.

“Với những thay đổi về hạ tầng và pháp lý trong thời gian tới, cùng với đà tăng trưởng mạnh mẽ của 2021 và những hỗ trợ tích cực từ Chính phủ, chắc chắn thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ trải qua một năm 2022 với những thành công mới” – ông James Estaugh nhận định.