Vào đầu năm 2020, Trung Quốc đã nổi lên trở thành một nước có khả năng quân sự được xếp vào hàng top đầu trên thế giới xét về các lĩnh vực quốc phòng, ngân sách quân sự, nghiên cứu, phát triển cũng như những chính sách mua vũ khí hợp lý giúp cho đất nước này gần như không có đối thủ cạnh tranh. Điều này đã được phản ánh trong các lĩnh vực từ khả năng của tàu sân bay đến việc họ độc quyền sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm.
Trong khi đó, một trong những cuộc đua để một đất nước khẳng định được sức mạnh quân sự của mình là cuộc đua chế tạo ra chiếc máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu đầu tiên trên thế giới. Bên cạnh đó còn có một cuộc đua khác cũng không kém phần quan trọng liên quan đến những chiếc máy bay ném bom thế kỷ 21.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, chỉ có Liên Xô và Hoa Kỳ sở hữu máy bay ném bom tầm xa liên lục địa, việc Nga trì hoãn chương trình PAK DA và tập trung vào việc khởi động lại sản xuất những chiếc Tu-160 hiện đại hóa từ thời Chiến tranh Lạnh đã khiến Trung Quốc và Mỹ "một mình một ngựa" trên đường đua phát triển máy bay ném bom.
Với Trung Quốc là chương trình H-20 và Mỹ là chương trình B-21. H-20 sẽ là máy bay ném bom tầm xa liên lục địa đầu tiên của Trung Quốc, trong khi B-21 sẽ thay thế các phi đội B-1B và B-2 đang gặp khó khăn trong biên chế của Không quân Mỹ và có thể thành lập các phi đội bổ sung để mở rộng phi đội.
Máy bay ném bom liên lục địa H-20 bắt đầu được phát triển tại Viện thiết kế máy bay 603 của Tập đoàn Máy bay Tây An vào đầu những năm 2000, ngay sau khi máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm đầu tiên của Trung Quốc là J-20 được phát triển. H-20 được cho là sẽ sử dụng động cơ WS-15 giống như tiêm kích J-20. Trong khi đó, máy bay ném bom liên lục địa B-21 của Mỹ đang được phát triển và tối ưu hóa để có thể thực hiện các cuộc tấn công ném bom nhằm vào Trung Quốc, H-20 cũng được cho là sẽ lấy Mỹ làm mục tiêu chính, điều này mang lại ý nghĩa lớn hơn cho cuộc cạnh tranh giữa hai bên.
Hình ảnh phác họa máy bay liên lục địa B-21 của Mỹ (Ảnh: Military Watch Magazine) |
Ban đầu, B-21 dự kiến thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2021, trước khi chuyến bay này bị trì hoãn đến năm 2022 và hiện đã được xác nhận là sẽ không bay trước năm 2023. Nguyên mẫu đầu tiên bắt đầu được chế tạo vào năm 2019.
Ngược lại, H-20 đã được thông báo rộng rãi trong tuần đầu tiên của tháng 7/2022 là sắp thực hiện chuyến bay đầu tiên. Tờ Global Times là một trong những nguồn tin đầu tiên cho biết máy bay ném bom liên lục địa H-20 sẽ sớm bắt đầu những chuyến bay đầu tiên. Nếu H-20 bay trước B-21, nó sẽ khiến Mỹ quan tâm hơn đến sự phát triển quân sự vượt trội của Trung Quốc. Điều này sẽ có ý nghĩa đối với một loạt các chương trình, không chỉ dừng lại ở máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu.
Máy bay ném bom không người lái GJ-11 của Trung Quốc (Ảnh: Military Watch Magazine) |
H-20 và B-21 dự kiến sẽ có khả năng tàng hình vượt trội so với các máy bay chiến đấu có người lái khác và khung máy bay của chúng được phát triển thành các biến thể để phục vụ nhiều vai trò khác ngoài ném bom, từ cảnh báo sớm trên không đến chỉ huy và kiểm soát, tiếp nhiên liệu trên không, tác chiến điện tử , và tấn công trên biển.
Cả hai dự kiến sẽ sử dụng thiết kế cánh bay, giống như B-2 của Mỹ từ những năm 1990, mặc dù các vấn đề với B-2 được cho là sẽ khiến cả hai chương trình tập trung vào việc đảm bảo và chi phí hoạt động không quá cao. Ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc gần đây có kinh nghiệm đáng kể với các thiết kế cánh bay, đáng chú ý nhất là máy bay ném bom không người lái GJ-11.
H-20 được kỳ vọng sẽ có khả năng thực hiện được nhiều vai trò khác nhau với một phần khung máy bay hoàn toàn mới. Vào tháng 1/2021, Không quân Trung Quốc hé lộ hình ảnh chính thức đầu tiên của chiếc máy bay này. Ảnh minh họa chính thức của B-21 cũng đã đưa ra với những phác họa đầu tiên về một số đặc điểm thiết kế của nó, máy bay ném bom có khả năng nhỏ hơn và mang ít hỏa lực hơn B-2 để giảm chi phí.
Cả hai máy bay ném bom liên lục địa kể trên đều chưa được công bố những thông số kỹ thuật chi tiết. Tuy nhiên, nếu H-20 được công bố vào năm 2022, nó có thể thúc đẩy Không quân Mỹ đưa ra kế hoạch công khai hình ảnh về máy bay ném bom của chính mình để tránh bị tụt hậu quá xa sau những thất bại và trì hoãn trong chương trình B-21.
Theo Military Watch Magazine