Điểm b, khoản 1, Điều 23, Luật Căn cước quy định về trình tự thủ tục cấp thẻ căn cước là "Người tiếp nhận thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ căn cước". Như vậy, việc thu nhận thông tin sinh trắc học sẽ được cơ quan quản lý căn cước tiến hành thu thập khi công dân làm thủ tục đề nghị cấp thẻ căn cước.
Do Luật Căn cước có hiệu lực từ 1/7/2024, nên từ mốc thời gian này, công dân khi làm thủ tục xin cấp thẻ căn cước sẽ được lấy dữ liệu mống mắt cùng với dữ liệu khuôn mặt và vân tay.
Cơ quan có trách nhiệm thu thập dữ liệu mống mắt và sinh trắc học của công dân là Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Cơ quan công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Công an cấp quận/huyện/thị xã thuộc tỉnh.
Theo đại tá Vũ Văn Tấn, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), dữ liệu mống mắt có độ chính xác cao, phù hợp với xu hướng chuyển đổi số trên thế giới và tại Việt Nam hiện nay khi các giao dịch điện tử ngày càng trở nên phổ biến. Dữ liệu mống mắt có thể tránh được các trường hợp giả mạo khuôn mặt, video deepfake, hạn chế tình trạng lừa đảo tài chính, giả danh nhân dạng.
Dữ liệu sinh trắc là cơ sở triển khai hiệu quả Luật Giao dịch điện tử. Trong khi chỉ các thiết bị di động cao cấp hiện nay mới được trang bị mô đun xác thực vân tay, thì việc thu thập thông tin sinh trắc bắt buộc là phù hợp với xu hướng chuyển đổi số, giao dịch số.
Cũng theo đại diện C06, việc thu thập dữ liệu mống mắt ngoài việc giúp cơ quan chức năng quản lý cơ sở dữ liệu công dân, còn giúp người dân tiện lợi trong việc thanh toán, di chuyển qua các cửa kiểm soát của máy bay, ga tàu; thực hiện các giao dịch ngân hàng, giao thông, y tế, hành chính...
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu