Rodrigo Duterte còn sốc hơn cả Donald Trump, đang cố tạo cục diện mới ở Biển Đông

VietTimes -- Trung Quốc sử dụng mọi cơ hội và thủ đoạn để lôi kéo Tân Tổng thống Philippines, gây lo ngại cho Mỹ và Nhật Bản, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc và Philippines có ý định "đàm phán song phương".
Ngày 7/9/2016, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte "bắt tay". Ảnh: News.abs-cbn.com
Ngày 7/9/2016, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte "bắt tay". Ảnh: News.abs-cbn.com

Tờ Nihon Keizai Shimbun Nhật Bản ngày 9/9 đăng bài viết "Rodrigo Duterte tạo ra cục diện mới tấn công-phòng thủ ở Biển Đông".

Bài viết cho rằng ứng cử viên Tổng thống Đảng Cộng hòa Mỹ, ông Donald Trump thường có những phát ngôn đầy tranh cãi. Nhưng so với ông này, còn có một nhà lãnh đạo có những phát biểu với mức độ gay gắt, sốc "chỉ hơn chứ không kém", đó là Tổng thống Philippines, ông được gọi là "Donald Trump châu Á".

Đến nay, Trung Quốc đang tìm cách tiếp cận ông "Donald Trump châu Á" này.

Vừa qua, báo chí các nước cho rằng trong một cuộc phỏng vấn báo chí, ông Rodrigo Duterte đã có những phát biểu khiếm nhã đối với Tổng thống Mỹ Barack Obama. Do đó, ông Obama đã hủy bỏ cuộc hội đàm đầu tiên với ông Rodrigo Duterte đã dự định tổ chức vào ngày 6/9/2016 tại Lào.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: Tin tức Tham khảo, Trung Quốc
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: Tin tức Tham khảo, Trung Quốc

Mặt khác, Trung Quốc được cho là đang lợi dụng sự "rạn nứt" trong quan hệ giữa Mỹ và Philippines, tích cực lôi kéo hơn đối với Philippines.

Từ khi bắt đầu tham gia bầu cử tranh chức Tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte đã luôn gây tranh cãi với những phát biểu thái quá. Cho dù sau khi lên làm Tổng thống, ông Duterte vẫn chưa hạn chế rõ ràng về các phát ngôn kiểu như vậy. Gần đây, một phát biểu gây tranh cãi quốc tế do ông đưa ra là "rút khỏi Liên hợp quốc".

Để phản ứng về việc tổ chức Liên hợp quốc phê phán cách thức "trị an" quá khắt khe của Philippines do ông Rodrigo Duterte lãnh đạo thực hiện, tại cuộc họp báo ngày 21/8, ông Dutertet đã đưa ra phát biểu nêu trên.

Không chỉ có vậy, ông Duterte còn đưa ra mong muốn hợp tác với Trung Quốc và các nước châu Phi, thành lập một tổ chức quốc tế để thay thế Liên hợp quốc. Nhưng sau đó lại tuyên bố rằng ông đã "nói đùa" và rút lại phát biểu này.

Ngày 8/9/2016, tại Lào, Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt tay Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Perfecto Yasay. Ảnh: Indiatimes
Ngày 8/9/2016, tại Lào, Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt tay Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Perfecto Yasay. Ảnh: Indiatimes

Theo chuyên gia ngoại giao Đông Nam Á, từ khi ông Rodrigo Duterte lên nắm quyền đến nay, Trung Quốc "sử dụng mọi thủ đoạn, tìm cách tích cực lôi kéo ông này". Trung Quốc tích cực lôi kéo Philippines là do chính quyền Rodrigo Duterte ngầm thể hiện tư thế giữ khoảng cách với Mỹ, khác với chính quyền tiền nhiệm Benigno Aquino III.

Nếu thực sự xuất hiện tình hình này, những nước cảm thấy lo ngại sẽ là Mỹ và Nhật Bản. Do cuộc hội đàm giữa ông Barack Obama và ông Rodrigo Duterte ngày 6/9/2016 bị hủy bỏ, sự lo ngại này bắt đầu ngày càng trở nên hiện thực.

Một điểm tập trung chú ý lớn nhất trong tương lai là động thái tham vấn về vấn đề Biển Đông do Philippines và Trung Quốc dự định thúc đẩy.

Philippines có kế hoạch để cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos làm đặc phái viên thúc đẩy đàm phán. Nhật Bản và Mỹ mặc dù cũng bày tỏ "hiểu" đối với bản thân đàm phán, nhưng vẫn cảm thấy lo ngại.

Trung Quốc
Trung Quốc "dùng mọi thủ đoạn" lôi kéo Philippines. Ảnh: Reuters

Báo Nhật cho rằng: "Ông Rodrigo Duterte thiếu kinh nghiệm ngoại giao, Trung Quốc nói lời đường mật, kết quả cuối cùng khó mà phán đoán". Chính phủ Nhật Bản khó có thể xóa bỏ mối lo ngại như vậy.

Kết quả phán quyết của Tòa trọng tài ở The Hague, Hà Lan đối với vụ kiện Biển Đông của Philippines đã gần 2 tháng, cuộc đối đầu (tấn công - phòng thủ) giữa các bên lại chào đón một "cục diện mới".