Quyền Tổng thống Hàn Quốc đối mặt với khả năng luận tội giữa lúc ông Yoon bị điều trần

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Quyền tổng thống Hàn Quốc phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu luận tội trong hôm 27/12, ngay trong bối cảnh Tòa án Hiến pháp họp phiên điều trần đầu tiên về lệnh thiết quân luật của Tổng thống bị đình chỉ Yoon Suk Yeol.

Thẩm phán Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc Lee Mi-son và Cheong Hyung-sik chuẩn bị cho phiên điều trần đầu tiên về việc luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol ngày 27/12. Ảnh: Reuters.
Thẩm phán Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc Lee Mi-son và Cheong Hyung-sik chuẩn bị cho phiên điều trần đầu tiên về việc luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol ngày 27/12. Ảnh: Reuters.

Nỗ lực luận tội Thủ tướng Han Duck-soo, người giữ quyền Tổng thống kể từ khi ông Yoon bị luận tội vào ngày 14/12, tiếp tục làm gia tăng cuộc khủng hoảng chính trị ở Hàn Quốc trong khi các nước đồng minh theo dõi với sự quan ngại.

Lãnh đạo phe đối lập Lee Jae-myung cho biết đảng Dân chủ của ông, hiện nắm quyền kiểm soát trong Quốc hội, sẽ tiến hành kế hoạch luận tội quyền Tổng thống, cáo buộc ông Han "hành động để nổi loạn".

“Cách duy nhất để bình thường hóa đất nước là nhanh chóng tiêu diệt tất cả các lực lượng nổi dậy”, ông Lee nói trong một bài phát biểu hùng hồn, đồng thời cho biết thêm đảng của ông đang hành động để tiêu diệt những kẻ đã khiến đất nước gặp nguy hiểm.

Theo các cuộc thăm dò dư luận được tiến hành sau nỗ lực thiết quân luật của ông Yoon, phần lớn người dân Hàn Quốc ủng hộ việc cách chức Tổng thống.

Kế hoạch bỏ phiếu luận tội ông Han đã được đảng Dân chủ đối lập công bố chính thức vào hôm 26/12 sau khi ông từ chối bổ nhiệm ngay 3 thẩm phán để lấp đầy chỗ trống tại Tòa án Hiến pháp với lý do điều này vượt quá vai trò hiện tại của ông.

Hiện vẫn chưa rõ cần bao nhiêu phiếu bầu để luận tội ông Han. Để luận tội một Thủ tướng ở Hàn Quốc, chỉ cần đủ đa số phiếu là đủ, trong khi cần tới 2/3 số phiếu để luận tội một Tổng thống. Nếu ông Han bị đình chỉ, Bộ trưởng Tài chính Choi Sang-mok sẽ đảm nhận quyền Tổng thống theo quy định của luật pháp.

Tuyên bố loại bỏ ông Han được đưa ra vài phút sau khi ông Choi cảnh báo rằng việc luận tội quyền Tổng thống sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín kinh tế của Hàn Quốc và yêu cầu các đảng phái chính trị rút lại kế hoạch này.

“Nền kinh tế và sinh kế của người dân đang đi trên lớp băng mỏng trong tình trạng khẩn cấp quốc gia và nó không thể đối phó với bất kỳ sự bất ổn chính trị nào lớn hơn”, ông nói.

Sáng ngày 27/12, đồng won Hàn Quốc đã suy yếu xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2009, do các nhà phân tích cho rằng khó có thể đảo ngược tâm lý tiêu cực xuất phát từ sự bất ổn chính trị.

Cuộc bỏ phiếu quyết định số phận của ông Han diễn ra vào khoảng thời gian Tòa án Hiến pháp tổ chức phiên điều trần đầu tiên để làm rõ liệu có nên phục hồi chức vụ Tổng thống cho ông Yoon hay loại bỏ ông vĩnh viễn. Tòa án Hiến pháp có 180 ngày để đưa ra quyết định.

Sau nhiều tuần phớt lờ yêu cầu của tòa án về việc nộp tài liệu cũng như giấy triệu tập của các nhà điều tra trong vụ án hình sự điều tra về tuyên bố thiết quân luật, luật sư của ông Yoon cho biết đại diện pháp lý của ông sẽ tham dự phiên điều trần diễn ra vào chiều 27/12.

Seok Dong-hyeon, luật sư tư vấn cho ông Yoon, đã chỉ định 2 luật sư cho nhóm pháp lý của ông, một người là cựu công tố viên và người còn lại là cựu phát ngôn viên của Tòa án Hiến pháp.

Ông Yoon không bắt buộc phải tham dự phiên điều trần này. Nếu ông bị cách chức, cuộc bầu cử Tổng thống mới sẽ được tổ chức trong vòng 60 ngày.

Cảnh sát khám xét nơi ở của ông Yoon

Trước đó trong hôm 27/12, cảnh sát Hàn Quốc bất ngờ khám xét văn phòng Tổng thống Yoon Suk Yeol, văn phòng cảnh sát thủ đô Seoul, cũng như văn phòng của lực lượng cảnh sát Quốc hội, liên quan đến lệnh thiết quân luật do ông Yoon ban hành hồi tuần trước.

Cuộc đột kích diễn ra tại một tài sản thuộc sở hữu nhà nước được sử dụng cho công việc riêng của Tổng thống Yoon. Đây cũng là nơi được cho là nơi ông Yoon tổ chức cuộc họp với các quan chức cấp cao để thảo luận về kế hoạch ban bố thiết quân luật hôm 3/12.

Mục đích của lần đột kích này nhằm thu thập thêm các đoạn camera phục vụ cho công tác điều tra. Cảnh sát muốn xác định những ai đã ra vào tòa nhà vài giờ trước khi lệnh thiết quân luật được ban hành, theo Hãng tin Yonhap.