Tờ Tin tức Liên hợp Đài Loan ngày 10/6 cho hay, Quân đội Mỹ điều 4 tàu sân bay ra nước ngoài thực hiện nhiệm vụ, trong đó 2 tàu sân bay sẽ tuần tra Biển Đông. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2012 Mỹ đồng thời triển khai 4 tàu sân bay ở nước ngoài.
Trong khi đó, vừa qua, trong thời điểm Trung-Mỹ diễn ra khẩu chiến về vấn đề Biển Đông ở Đối thoại Shangri-La, Đô đốc John Richardson, Tư lệnh Hải quân Mỹ đã lên thăm tàu sân bay USS John C. Stennis. Ông tuyên bố, sẽ bảo vệ hòa bình khu vực.
Đối với vấn đề này, chuyên gia Trung Quốc có nhận định rằng vụ kiện Biển Đông của Philippines sắp tuyên bố kết quả, Quân đội Mỹ gia tăng hành động ở Biển Đông, rõ ràng có ý định hỗ trợ, "chống lưng" cho Philippines.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 8/6 dẫn lời chuyên gia bình luận như sau: Sau khi công bố kết quả trọng tài, bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa (Việt Nam) và bãi cạn Scarborough sẽ trở thành tiêu điểm tranh chấp.
Trung Quốc sẽ tìm cách ngăn chặn Philippines dưới sự yểm trợ của tàu chiến Mỹ, triển khai hành động ở bãi cạn Scarborough và bãi Cỏ Mây. Ngoài theo dõi tàu sân bay Mỹ, còn gia tăng tần suất diễn tập, tiến hành răn đe đối với Quân đội Mỹ, để Mỹ-Philippines "không dám hành động thiếu suy nghĩ".
Nhưng chuyên gia quân sự Trung Quốc Tào Vệ Đông cho rằng Tây Thái Bình Dương hoặc Biển Đông trong tương lai có thể xuất hiện hai biên đội tàu sân bay Mỹ, nhưng Trung-Mỹ không đến mức nổ ra đối đầu và xung đột quân sự nghiêm trọng. Trung Quốc sẽ phản ứng bằng cách trinh sát, theo dõi và kiểm chứng.
Trả lời đài CCTV Trung Quốc, Tào Vệ Đông nhấn mạnh, bước tiếp theo, tàu sân bay USS Ronald Reagan có thể đến Biển Đông thực hiện nhiệm vụ tuần tra và diễn tập quân sự.
Theo sự phân chia khu vực tác chiến Thái Bình Dương của Mỹ, Biển Đông và Ấn Độ Dương đều thuộc "khu vực trực ban chiến đấu" của tàu sân bay USS Ronald Reagan.
Đối với tình hình hai cụm tấn công tàu sân bay Mỹ có thể xuất hiện ở Biển Đông trong tương lai, Tào Vệ Đông cho rằng, các cụm tấn công như vậy đã hình thành khả năng tác chiến quy mô nhỏ, mục đích chính là răn đe. Thông thường, trong tác chiến quy mô lớn ít nhất cần 3 cụm tấn công tàu sân bay trở lên.
Tào Vệ Đông cho biết, khi xảy ra khủng hoảng eo biển Đài Loan vào năm 1996, Mỹ đã từng điều 2 biên đội tàu sân bay đến khu vực eo biển Đài Loan tiến hành răn đe.
Đề cập đến cách thức ứng phó của Trung Quốc đối với khả năng Mỹ sử dụng 2 biên đội tàu sân bay, Tào Vệ Đông cho rằng, Trung Quốc chủ yếu áp dụng chính sách “phòng ngự tích cực”. Nếu biên đội tàu sân bay Mỹ hoạt động ở duyên hải Trung Quốc, Trung Quốc thường sẽ bám theo giám sát. Nếu áp sát cái gọi là "lãnh hải Trung Quốc", Trung Quốc sẽ điều máy bay hoặc tàu chiến tiến hành kiểm chứng.
Theo Tào Vệ Đông, nhìn vào quan hệ Trung-Mỹ hiện nay, hai bên không thể nổ ra đối đầu và xung đột quân sự nghiêm trọng. Vì vậy, đối với hoạt động của biên đội tàu sân bay Quân đội Mỹ, Trung Quốc vẫn sẽ triển khai do thám, theo dõi và kiểm chứng để ứng phó.