Nhiều ca F0 phải tự cách ly theo dõi tại nhà
Trong đợt dịch bùng phát nguy hiểm lần này, tính từ thời điểm trước khi thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16, TP.HCM cả tháng liền ngày nào cũng ghi nhận số ca bệnh ở mức 3 con số. Bắt đầu từ ngày 9/7 đến hôm nay, TP.HCM vọt lên mức ghi nhận mới, mỗi ngày đều có 4 con số, ca bệnh gia tăng chóng mặt. Trưa nay, ngày 13/7, ở ngày thứ 5 thực hiện cách ly xã hội, TP.HCM có hơn 16.000 ca nhiễm, đứng đầu cả nước.
Theo ý kiến từ Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Bộ Y tế sẽ sớm ban hành hướng dẫn thí điểm cách ly F0 bệnh nhẹ, không triệu chứng tại nhà ở TP.HCM.
Với quy định hiện nay của Bộ Y tế, các ca F0 không triệu chứng vẫn được đưa đi cách ly tập trung tại cơ sở y tế tối thiểu 14 ngày và lấy ít nhất hai mẫu bệnh phẩm cách nhau 48-72 giờ, xét nghiệm âm tính nCoV bằng phương pháp RT-PCR mới được ra viện. Thời gian từ khi lấy mẫu bệnh phẩm cuối cùng đến khi ra viện không quá 24 giờ. Sau khi ra viện, người bệnh được tiếp tục cách ly tại nhà thêm 14 ngày nữa.
Tuy nhiên, thực tế là hệ thống y tế của TP càng lúc càng quá tải với số bệnh nhân gia tăng chóng mặt, Bệnh viện Dã chiến nào mở ra cũng hết chỗ. TP thiếu cả nhân sự điều trị COVID-19 một cách trầm trọng.
Đoàn vận chuyển người bệnh đi cách ly điều trị bị ùn tắc, không thể nhập viện - Ảnh Hoà Bình chụp màn hình video |
Bằng chứng là, một thành viên trong đoàn đưa bệnh nhân nhập viện đã ghi hình video cho thấy Bệnh viện Dã chiến gần cầu Tham Lương vừa mở đã quá tải, xe cấp cứu, xe chở bệnh nhân xếp hàng rất dài chờ đợi vẫn không thể nhập viện. Hơn 200 F0 của huyện Bình Chánh cũng phải hai ngày sau mới được điều chuyển đến bệnh viện tiếp nhận. Nhiều cư dân trong các khu vực đang được phong toả cách ly vì có ca bệnh cũng cho biết, tại khu vực của họ, một số bệnh nhân là F0 nhưng vẫn phải cách ly tại nhà, tự theo dõi cho đến hàng tuần sau mới vừa có nơi tiếp nhận.
Trong một đoạn băng ghi âm lan truyền cho thấy, người con gọi đến số điện thoại của lực lượng chức năng năn nỉ nhưng 2 ca F0 đang ở nhà, dù “không thể tự chăm sóc bản thân” như người con lo lắng trình bày, vẫn không được đón đi điều trị vì tất cả các Bệnh viện Dã chiến đều đã quá tải.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho rằng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo bệnh nhân Covid-19 điều trị tại bệnh viện 10 ngày nếu không có triệu chứng có thể cho về nhà, để nhường chỗ cho các ca bệnh nặng. Theo đó, Bộ Y tế dự kiến, F0 sau khi được bệnh viện điều trị 10-14 ngày mà không có triệu chứng sẽ cho về tiếp tục theo dõi, cách ly tại nhà. Phương án cách ly F0 sẽ tổ chức thí điểm tại TP.HCM là thành phố đầu tiên thực hiện phương án này trên cả nước.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn. Ảnh: Phạm Thắng |
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng giải thích thêm, nhóm F0 cách ly tại nhà phải là những bệnh nhân hội tụ đủ điều kiện, chẳng hạn như nhóm nhân viên y tế, là những người có khả năng tự theo dõi sức khoẻ.
Hơn nữa, một yếu tố rất cần lưu ý là để có thể cách ly F0 tại nhà cần có hệ thống y tế kết nối trực tiếp và phản ứng hết sức linh hoạt khi có những triệu chứng báo động y tế, các F0 này phải được cấp cứu đưa ngay đến các cơ sở y tế theo đúng kế hoạch đã phân công.
Trên cơ sở đánh giá thí điểm cách ly F0 tại nhà, Bộ Y tế sẽ xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương để quyết định việc áp dụng hướng dẫn này trên phạm vi toàn quốc.
Tập trung điều trị bệnh nhân nặng
Về phía TP.HCM, trước tình trạng ngành y quá tải điều trị COVID-19 như hiện tại, chiều hôm nay 13/7 vừa đi vào hoạt động Bệnh viện Hồi sức Covid-19, được đánh giá là bệnh viện hiện đại bật nhất của cả nước. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, việc tiếp nhận, điều trị bệnh nhân trở nặng là rất quan trọng, để giảm thiểu bệnh nhân mắc Covid-19 tử vong. Thứ trưởng cũng cam kết, Bộ Y tế sẽ tăng cường bác sĩ chuyên môn và hỗ trợ trang thiết bị, phương tiện… để bệnh viện “có đầy đủ vũ khí cần thiết” cho cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh hiện nay.
Bệnh viện (BV) Hồi sức Covid-19 được đặt tại phường Tân Phú, TP Thủ Đức, TPHCM, được trang bị trang thiết bị hiện đại, phòng ốc rộng rãi, thông thoáng.
BV Hồi sức Covid-19 là BV mới được thành lập, trên cơ sở chuyển đổi công năng một phần BV Ung Bướu cơ sở 2 (vừa được Bộ Xây dựng thẩm định cho phép sử dụng), với công suất ban đầu là 1.000 giường hồi sức. Đội ngũ y bác sĩ của BV được tăng cường từ BV Chợ Rẫy, BV Nhân dân 115, BV Nhân dân Gia Định và BV Ung bướu. TS.BS Phan Văn Báu, Giám đốc BV Nhân dân 115 được phân công kiêm chức Giám đốc BV Hồi sức Covid-19.
Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên trao đổi cùng các đồng chí lãnh đạo Bộ Y Tế, lãnh đạo UBND TP.HCM, Sở Y Tế, lãnh đạo Bệnh viện hồi sức Covid-19. Ảnh: Việt Dũng |
Theo TS.BS Phan Văn Báu, ngay trong chiều 13/7, BV Hồi sức Covid-19 sẵn sàng nhận bệnh nhân. Trong tổng số công suất của BV là 1.000 giường, trước mắt đã đủ điều kiện cho 100 giường săn sóc đặc biệt sẽ thực hiện hồi sức nâng cao, hồi sức tích cực cho các bệnh nhân mắc Covid-19 nặng. Ngoài ra, 900 giường còn lại đều có hệ thống oxy trung tâm và hút trung tâm, trong đó, có 100 giường săn sóc đặc biệt có hệ thống khí nén trung tâm bên cạnh oxy và hút trung tâm.
Sau khi BV Hồi sức Covid-19 đi vào hoạt động, cấu trúc các bệnh viện và các cơ sở y tế tham gia thu dung, tiếp nhận điều trị và chăm sóc người bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.HCM theo tháp 4 tầng.
Tầng 1: Quy mô 30.000 giường thu dung điều trị F0 (không triệu chứng, bệnh nhẹ) tại các Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 (9 Bệnh viện của TPHCM, 1 của Bộ Tư lệnh và 1 của Quân khu 7).
Tầng 2: Quy mô 2.500 giường điều trị F0 có triệu chứng tại Bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh, Gò Vấp, Quân dân Y miền Đông.
Tầng 3: Quy mô 3.000 giường điều trị F0 có bệnh lý nền hoặc bệnh lý đi kèm (bệnh lý đi kèm nặng, nguy kịch) tại Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương, Phạm Ngọc Thạch, Đa khoa khu vực Thủ Đức, An Bình.
Tầng 4: Quy mô 1.200 giường hồi sức Covid-19 (Covid-19 nặng, nguy kịch) tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (100 giường), Bệnh viện Chợ Rẫy (100 giường) và Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (1.000 giường).