>> Phần 1: “Bẫy nợ” và tham nhũng – vị đắng của “trái ngọt” kinh tế với Trung Quốc
Có đủ cơ sở để tin rằng khu vực này sẽ không bị Trung Quốc chi phối hoàn toàn – Nhận định của ông Murray Hiebert, chuyên gia cao cấp về Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một think-tank hàng đầu của Mỹ.
Ông Murray Hiebert từng có nhiều năm làm việc tại Đông Nam Á và Trung Quốc trong vai trò phóng viên thường trú của FEER (Tuần báo Kinh tế Viễn Đông) và Wall Street Journal tại Hà Nội, Kuala Lumpur và Bắc Kinh. Chuyên gia hàng đầu về Đông Nam Á là tác giả cuốn sách vừa được xuất bản “Under Beijing’s Shadow: Southeast Asia’s China Challenge” (tạm dịch: “Dưới cái bóng của Bắc Kinh: Thách thức mang tên Trung Quốc của Đông Nam Á). |
- Như cuốn sách “Dưới cái bóng của Bắc Kinh” của ông đã chỉ ra, các nước Đông Nam Á cần Trung Quốc vì lợi ích phát triển kinh tế. Mặc dù, chúng ta cũng đã nhận thấy rõ ngay cả những “trái ngọt” kinh tế, cụ thể là sáng kiến Vành đai Con đường, cũng đầy cạm bẫy. Vậy thì ông nhìn nhận thế nào đối với thách thức mang tên Trung Quốc trong lĩnh vực an ninh?
Nếu như ASEAN cần Trung Quốc cho phát triển kinh tế thì ngược lại, sự trỗi dậy của Trung Quốc trong lĩnh vực quân sự ngày càng gây ra nhiều lo ngại, nhất là từ sau khi Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình từ bỏ chiến lược “ẩn mình chờ thời”, không ngừng mở rộng sức mạnh quân sự và quyết đoán hơn trong tranh chấp biển Đông.
Kể năm 2013, Trung Quốc đã xây cất 7 đảo nhân tạo, 4 trong số đó có trang bị sân bay cho máy bay chiến đấu, radar và hệ thống phóng tên lửa.
Từ năm ngoái đến nay, chiến thuật của Trung Quốc ở biển Đông có thể tóm gọn trong cụm từ: Quấy nhiễu và Đe dọa.
Giữa năm 2019, Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc và các lực lượng hàng hải bán vũ trang khác đã liên tục quấy nhiễu các hoạt động thăm dò dầu khí của công ty Rosneft ở Bãi Tư Chính của Việt Nam, công ty Shell ở dải Luconia thuộc Malaysia.
Tháng 12 năm ngoái, các tàu hải giám hộ tống các tàu cá của ngư dân Trung Quốc bao vây đảo Natuna của Indonesia, chặn đường ra của các tàu thuyền nước này. Jakarta nhanh chóng cử tàu chiến và máy bay chiến đấu F16 ra đuổi tàu Trung Quốc.
Nhưng khi Indonesia cố gắng bắt giữ một số ngư dân Trung Quốc thì các tàu hải giám quay lại và chặn đường các tàu của Indonesia.
Sự cố tương tự đã từng xảy ra vào năm 2013 và trước đó nữa nhưng nhiều vụ đụng độ đã không được báo chí đưa tin.
Tàu hải cảnh Trung Quốc di chuyển gần khu vực giàn khoan Hải Dương 981. (Ảnh: Asahi Shimbun)
|
- Bắc Kinh muốn gửi đi tín hiệu gì khi họ liên tục leo thang các hành động quấy nhiễu các ngư dân và các hoạt động thăm dò dầu khí của các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông?
Thật khó để nói chính xác Trung Quốc đang muốn nói gì. Nhưng có một số quan điểm mà tôi cho rằng khá hợp lý khi nói rằng Trung Quốc đang phát đi tín hiệu nước này xem mọi nguồn tài nguyên dầu khí và hải sản trong khu vực đường chín đoạn là thuộc chủ quyền của Bắc Kinh.
Cũng có lí thuyết khác cho rằng Bắc Kinh muốn gây áp lực đe dọa các công ty đang thăm dò dầu khí ở Biển Đông phải rút lui và từ đó, buộc các nước như Việt Nam phải quay sang Bắc Kinh cầu viện.
- Trước sự ngạc nhiên, thậm chí là sốc của nhiều nước, trong vài tháng gần đây khi các nước còn đang gồng mình chống đỡ với dịch bệnh Covid-19 thì Bắc Kinh liên tiếp có các hành vi gây hấn mới ở Biển Đông, mà đỉnh điểm là các cuộc tập trận và bắn tên lửa đạn đạo hồi cuối tháng 8. Vì sao họ lại chọn thời điểm này để gây hấn?
Có thể nói đại dịch Covid-19 đã góp phần thúc đẩy cái mà nhiều nhà phân tích gọi là ngoại giao “chiến lang” của Bắc Kinh. Sau khi xử lý dịch bệnh sai lầm trong giai đoạn đầu, Bắc Kinh trở nên hung hăng hơn ở hải ngoại khi liên tục gây chiến với Australia và Ấn Độ.
Nhiều người cũng cảm thấy khá sốc khi Bắc Kinh tăng cường quấy nhiễu Malaysia và Việt Nam ở Biển Đông, hai nước láng giềng của mình trong khi họ vẫn đang nỗ lực hồi phục từ khủng hoảng Covid-19, đại dịch bắt nguồn từ Trung Quốc.
Một số nhà phân tích tin rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc thổi bùng trở lại chủ nghĩa dân tộc và áp dụng đường lối ngoại giao hiếu chiến hơn để đối phó với các vấn đề chính trị nội bộ khi nền kinh tế gặp khó khăn, không còn củng cố được tính chính danh của chế độ như trước nữa.
Tất nhiên, việc Trung Quốc gia tăng các hoạt động gây hấn ở Biển Đông còn nhằm đáp trả thái độ cứng rắn của Mỹ gần đây.
Nếu Trung Quốc thiết lập được căn cứ hải quân ở Campuchia?
- Bắc Kinh đang tham vọng trở thành một cường quốc hải quân và để làm được điều đó, họ sẽ phải xây dựng một loạt căn cứ hạ tầng ở các khu vực khác nhau. Ông nhìn nhận như thế nào về nỗ lực của Trung Quốc gây ảnh hưởng đến một số nước ASEAN để các nước này cho phép Trung Quốc đặt cơ sở quân sự tại đây và thiết lập căn cứ trong khu vực?
Cách đây một năm, Wall Street Journal đăng một bài báo nói rằng Campuchia đã đồng ý cho Trung Quốc sử dụng căn cứ hải quân Ream ở bờ Tây Bắc của Campuchia nơi tiếp giáp giữa vùng biển thuộc Campuchia và Thái Lan.
Tin này đã dấy lên rất nhiều lo ngại cho các nước khác trong khu vực, đặc biệt là Thái Lan vì đó cũng là nơi đặt căn cứ hải quân Sattahip của họ và căn cứ không quân Utapao thì chỉ cách đó một con đường.
Nếu thỏa thuận này được thông qua thì nó sẽ trao cho Bắc Kinh quyền tiếp cận quần đảo Trường Sa dễ dàng hơn nhiều vì nó nằm ngay trên tuyến đường xuống từ đảo Hải Nam hoặc đại lục Trung Quốc.
Đến nay, tôi không rõ tình hình diễn tiến đến đâu. Tôi biết rằng một số nước ASEAN đã thảo luận về vấn đề này và họ có nói chuyện với Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Ông Hun Sen thì luôn khăng khăng là ông ta sẽ không bao giờ làm vậy.
Nhưng thi thoảng ông ta nói rằng Campuchia có thể sẽ cân nhắc khả năng đó nếu Trung Quốc hỗ trợ nước này trong một số sứ mệnh gìn giữ hòa bình. Nếu điều này xảy ra thì thực sự sẽ là một nhân tố làm thay đổi cuộc chơi trong khu vực hiện nay.
Các nước trong khu vực như Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Malaysia đều đang nỗ lực tăng cường sức mạnh hải quân nhưng so với Trung Quốc thì lực lượng của các nước này vẫn còn nhỏ bé và còn một chặng đường rất dài phía trước. Bởi vậy, tăng cường hợp tác với Nhật Bản, Australia có thể là một lựa chọn sáng suốt.
Ai là “sân sau” của Trung Quốc?
- Trước những sức ép ghê gớm từ gã khổng lồ phương Bắc cũng như sự phụ thuộc ngày càng tăng về kinh tế, khi mà Bắc Kinh và ASEAN đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của nhau, theo ông, phải chăng các nước ASEAN gần như không thể cưỡng lại việc ngả theo quỹ đạo của Trung Quốc?
Tôi không nghĩ vậy. Đối với tất cả các nước Đông Nam Á, độc lập quốc gia và chủ quyền là tối thượng.
Trừ Thái Lan, các nước Đông Nam Á còn lại đều từng là thuộc địa cho đến khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ 2. Họ mới chỉ dành được nền độc lập trong 70 năm qua, nên họ hoàn toàn không mặn mà với sự thống trị của bất kỳ một cường quốc lớn nào nữa.
Như tôi có mô tả khá kĩ trong nhiều chương sách cách các quốc gia cố gắng cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ theo nhiều cách khác nhau. Một mặt, họ ngày càng hướng đến Trung Quốc để tìm kiếm sự hỗ trợ về mặt kinh tế, mặt khác họ thường xuyên trông cậy Mỹ về mặt an ninh.
Có thể nói, hầu hết các nước Đông Nam Á đều theo đuổi chiến lược phòng ngừa rủi ro (hedging strategy), chờ thời và để ngỏ các lựa chọn mở, cho thấy các nước này chưa quyết định ngả hẳn theo phe Bắc Kinh. Có đủ cơ sở để tin rằng khu vực này sẽ không bị Trung Quốc chi phối hoàn toàn.
Lấy ví dụ về Malaysia chẳng hạn. Nước này thường hầu như không phản ứng trước những hành vi gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông hoặc nếu có thì thường phản ứng một cách lặng lẽ.
Họ tin rằng mối “quan hệ đặc biệt” với Trung Quốc sẽ bảo vệ họ khỏi những chiến thuật bắt nạt mà Bắc Kinh sử dụng với Việt Nam và Philippines.
Tuy nhiên, tháng 7/2019 nước này cho thử tên lửa ngay sau khi Trung Quốc cử một tàu hải cảnh ra quấy nhiễu các hoạt động thăm dò dầu khí của Shell ở dải Luconia thuộc thềm lục địa Malaysia.
Cuối năm 2019, Kuala Lumpur cũng đã đệ trình tuyên bố bổ sung chủ quyền vùng thềm lục địa ở khu vực này lên Ủy ban Liên hiệp Quốc về các Giới hạn Thềm lục địa.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã thăm Trung Quốc 4 lần trong nhiệm kì đầu tiên của ông ta và yêu cầu Trung Quốc đầu tư vào nước này, ngay cả khi Jakarta phản đối các hành vi quyết đoán của Bắc Kinh ở biển Bắc Natuna.
Sự phụ thuộc về kinh tế của Indonesia vào Trung Quốc đã hạn chế sự sẵn sàng đứng lên chống lại Trung Quốc của ông Widodo, nhưng thực chất ông này vẫn thường xuyên theo đuổi chiến lược phòng ngừa rủi ro.
Ngay cả Philippines cũng vậy. Không có cơ sở nào để khẳng định rằng việc xoay trục của ông Duterte về phía Trung Quốc đánh dấu một xu hướng lâu dài trong cách tiếp cận đối ngoại của Philippines mà đa phần là do cá nhân ông Duterte, một người thù ghét Mỹ.
Tôi đoán rằng Manila sẽ quay lại chính sách đối ngoại chống Trung Quốc sau khi nhiệm kì của Duterte kết thúc vào năm 2022 và chính quyền tương lai ở Manila sẽ tìm cách tái cân bằng quan hệ với các cường quốc khu vực.
- Ông nghĩ sao về trường hợp Việt Nam? Có vẻ như mối quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc khá đặc thù?
Việt Nam có lịch sử hàng ngàn năm tương tác với Trung Quốc trong khi các nước còn lại trong khu vực chỉ mới gần đây. Tôi nghĩ Việt Nam nằm giữa hai thái cực: hoặc chấp nhận sự áp đặt của Trung Quốc; hoặc hoàn toàn đứng lên chống lại họ.
Vị trí neo đậu của giàn khoan Hải Dương 981 nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. (Ảnh: Cảnh sát biển) |
Năm 2014, khi Trung Quốc kéo giàn khoan HD981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, mặc dù khi ấy Việt Nam chưa có công nghệ lớn để chống lại nhưng đã cử hàng trăm tàu nhỏ ra bao vây giàn khoan này.
Chiến thuật đó đã phát huy tác dụng và cuối cùng Trung Quốc phải rút giàn khoan đi. Năm ngoái, khi Trung Quốc gây áp lực với Rosneft, một công ty dầu khí của Nga đang có dự án hợp tác thăm dò dầu khí với Việt Nam ở bãi Tư Chính, công ty này đã chống lại sự đe dọa của Trung Quốc.
Tuy nhiên, Việt Nam chưa bao giờ thực sự đối đầu với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực. Nhưng phải thừa nhận rằng rất nhiều thứ mà Việt Nam làm được, các nước khác không thể làm bởi vì họ không có sự gần gũi về mặt địa lý, lịch sử tương tác với Trung Quốc.
Tàu Trung Quốc xịt vòi rồng, hung hăng đâm thẳng vào tàu Việt Nam và làm rách mạn tàu (Ảnh: Cảnh sát biển VN cung cấp) |
- Chúng ta đã xem xét trường hợp của các quốc gia tầm trung trong khu vực như Việt Nam, Indonesia, Malaysia…Dù sao thì những nước này vẫn có vị thế địa chiến lược và không gian chiến lược để xoay sở và lựa chọn trong quan hệ với Trung Quốc. Nhưng còn những nước nhỏ như Lào, Campuchia, Myanmar…thì sao? Họ có rất ít lựa chọn trong khi kinh tế hoàn toàn phụ thuộc vào người láng giềng khổng lồ phương Bắc.
Đúng là những nước này có nền kinh tế ngày càng phụ thuộc trầm trọng vào Trung Quốc như tôi đã từng phân tích. Ví dụ như nợ công của Lào chiếm tới 2/3 GDP và phần lớn là từ Trung Quốc. Campuchia cũng trong tình cảnh tương tự.
Nhưng nếu chúng ta cho rằng những nước này đã hoàn toàn là “sân sau” của Bắc Kinh thì có phần hơi vội vàng.
Như tôi từng đề cập, việc Trung Quốc xây dựng 11 con đập khổng lồ ở thượng nguồn Mekong, chặn đứng phần lớn nguồn nước khiến các nước hạ lưu Mekong phải đối mặt với nạn hạn hán nghiêm trọng như một hệ quả của biến đổi khí hậu.
Đồng thời, các công ty Trung Quốc liên doanh với các công ty bản xứ ở Lào, Myanmar và Campuchia đang xây những con đập khổng lồ ở vùng hạ nguồn Mekong, dẫn tới hạn mặn xâm nhập và hủy hoại hệ sinh thái.
Bởi vậy, ngày càng nhiều người dân ở những nước này phẫn nộ với Trung Quốc, cho dù các chính phủ Lào, Campuchia và Myanmar vẫn phụ thuộc nặng nề vào nguồn viện trợ, đầu tư và hậu thuẫn ngoại giao của Bắc Kinh.
Sẽ là dễ dãi nếu cho rằng Myanmar cũng đã trở thành một nước vệ tinh của Trung Quốc. Dự án đập Myitsone ở tỉnh Kachin mà chính quyền Thein Sein hứa với Trung Quốc đang vấp phải sự phản đối dữ dội ở Myanmar. Dự án này đã bị đình trệ từ năm 2011 do sức ép tăng cao.
Đồng thời, việc Trung Quốc bí mật hậu thuẫn, thậm chí cung cấp vũ khí, đạn dược cho các lực lượng thiểu số nổi dậy ở biên giới phía Bắc Myanmar không qua được mắt giới tương lĩnh quân đội nước này, lực lượng vốn xem sự phụ thuộc vào Bắc Kinh là một “vấn đề nguy cấp quốc gia”.
Ngay tại Campuchia, nước ngả theo Trung Quốc rõ ràng nhất thì nhiều người dân nước này bắt đầu lo ngại về sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc.
Nhiều người Campuchia tức giận với chính quyền Hun Sen vì sự phụ thuộc vào đầu tư của Trung Quốc, vốn đã biến Shihanoukville thành một tiền đồn của người Trung Quốc và thậm chí có thể cho Bắc Kinh thuê làm căn cứ hải quân.
(còn tiếp)