Phá dỡ tòa nhà 8B Lê Trực: cẩn thận lệch tâm !

VietTimes -- Theo ông Nguyễn Lương Bình, Phó TGĐ Công ty CP Tư vấn công nghệ thiết bị và kiểm định xây dựng - đơn vị thẩm tra phương án phá dỡ phần sai phạm công trình 8B Lê Trực cho biết, phá dỡ phần giật cấp công trình có thể làm giảm khả năng liên kết thép, bêtông, và cũng có thể gây lệch tâm tòa nhà.
Ảnh minh họa, nguồn internet
Ảnh minh họa, nguồn internet

Được biết, đến thời điểm này Công ty cổ phần Phương Bắc hoàn thành phá dỡ phần sai phạm giai đoạn 1, tầng 19 tòa nhà 8B Lê Trực.

Tuy vậy, do tính chất phức tạp về kiến trúc và kết cấu nên việc phá dỡ công trình 8B Lê Trực đang được quận Ba Đình cũng như các đơn vị tư vấn thận trọng lập phương án phá dỡ. Đặc biệt, khi xử lý phần giật cấp công trình rất có thể ảnh hưởng đến kết cấu và an toàn của tòa nhà khi đưa vào sử dụng sau này.

Ông Nguyễn Lương Bình cho biết việc phá dỡ phần giật cấp có thể sẽ làm giảm khả năng liên kết thép, bêtông bởi các chấn động và rung động.

Nếu cắt giật cấp thì phải cùng cân, có các trụ đỡ để tránh gây lệch tâm tòa nhà. Vì vậy, theo ông Bình để đảm bảo an toàn cho tòa nhà bắt buộc phải phá dỡ theo phương án thủ công với thời gian kéo dài. Trong thời gian đó, công trình phải chịu tải trọng ngang, có thể lệch tâm do ngoại lực nên cần tính toán kỹ phương án. Mục tiêu là phá dỡ nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn cho công trình khi đưa vào sử dụng.

Những lo ngại này là hoàn toàn có cơ sở khi mà trong quá trình nhà thầu phá dỡ phần sai phạm tại dự án 8B Lê Trực, người mua nhà tại dự án 8B Lê Trực đã nhiều lần phải "cầu cứu" đến Thanh tra Bộ Xây dựng, xin dừng phá dỡ để xem xét mức độ an toàn.

Ngoài ra, UBND quận Ba Đình cũng đã chính thức đề nghị và được Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tư vấn Đại học Xây dựng - đơn vị đã tham gia thiết kế công trình 8B Lê Trực chấp nhận tham gia lập phương án phá dỡ giai đoạn 2 của tòa nhà. Sau khi có chấp thuận về nguyên tắc, UBND quận sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ, cung cấp tài liệu và tạo điều kiện thuận lợi nhất để đơn vị này thực hiện nhiệm vụ.

Trước đó, trong giai đoạn 1, Công ty cổ phần Phương Bắc cũng đã phải đề nghị các cơ quan chức năng chỉ đạo các chuyên gia kỹ thuật của Bộ Xây dựng, Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, Sở Xây dựng Hà Nội giao cho đơn vị thiết kế tòa nhà là Công ty trách nhiệm hữu hạn Tư vấn Đại học Xây dựng lập thiết kế phương án phá dỡ giai đoạn 2, vì chỉ có đơn vị này và chủ đầu tư là Công ty cổ phần May Lê Trực mới có đầy đủ bản vẽ thiết kế gốc của tòa nhà.

Công ty cổ phần Phương Bắc cho biết, trên cơ sở đánh giá của các chuyên gia và đơn vị tư vấn thiết kế, nếu thiết kế phá dỡ giai đoạn 2 được đánh giá là an toàn tuyệt đối thì Công ty sẽ có đủ căn cứ để hoàn chỉnh biện pháp phá dỡ giai đoạn 2 để trình lên các cơ quan chức năng phê duyệt.