PGS.TS Nguyễn Thanh Huyền: Nhà báo phải yêu nghề, can đảm, "quăng" mình vào thực tiễn sôi động

E-magazine PGS.TS Nguyễn Thanh Huyền: Nhà báo phải yêu nghề, can đảm, "quăng" mình vào thực tiễn sôi động

VietTimes – Về đào tạo nguồn nhân lực báo chí, PGS.TS Nguyễn Thanh Huyền cho biết báo chí vẫn là một nghề hấp dẫn đối với các bạn trẻ bởi sự năng động của nghề nghiệp. Điểm xét tuyển đầu vào ngành báo chí luôn rất cao.

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2016 tổ chức ở Davos (Thụy Sĩ), giáo sư Klaus Schwab đã phát biểu rằng Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên 3 lĩnh vực chính: công nghệ sinh học, kỹ thuật số, và vật lý. Trong đó, kỹ thuật số liên quan đến sự phát triển của truyền thông đại chúng nói chung và báo chí nói riêng. Kỹ thuật số đang thay đổi phương thức sản xuất và phát hành báo chí. Vì thế, cần có các nhà báo được đào tạo thích ứng với kỹ thuật mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng khẳng định: "Nói đến báo chí trước hết phải nói đến những người làm báo. Kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta luôn chú ý đến việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực báo chí.

Ngày 1-12-2004, Bộ Chính trị đã ra thông báo kết luận 162-TB/TW về "một số biện pháp tăng cường quản lý báo chí trong tình hình mới", trong đó nêu rõ: “Quan tâm hơn nữa việc đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ các nhà báo về nhận thức chính trị và chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân”.

Nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, phóng viên VietTimes đã có cuộc trao đổi về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực báo chí với bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Đại học KHXH và NV (ĐHQG Hà Nội), Uỷ viên Ban chấp hành Hội Truyền thông số Việt Nam.

PV: Thưa bà, xin bà cho biết chương trình đào tạo báo chí tại các trường Đại học hiện nay như thế nào, đã đáp ứng được nhu cầu thực tiễn nghề báo chưa?

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền: Hiện nay cả nước có rất nhiều cơ sở đào tạo ngành Báo chí, truyền thông đa phương tiện nhằm cung cấp nguồn nhân lực cho ngành báo chí, truyền thông. Nhìn chung, các chương trình đào tạo đều đảm bảo tính chuẩn mực về thời lượng, về kết cấu, nội dung, hình thức đào tạo theo quy định của Bộ Giáo dục Đào tạo và cơ quan chủ quản. Mỗi trường đại học đều có những thế mạnh của mình và vì thế các chương trình đào tạo ngành Báo chí cũng phản ánh bản sắc và năng lực của từng trường.

Với chương trình đào tạo ngành Báo chí của Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, chúng tôi thiết kế dựa trên quy định chung của Trường ĐH KHXH và NV, ĐHQG Hà Nội. Đặc biệt, chương trình được xây dựng dựa trên nền tảng kiến thức khoa học xã hội và nhân văn vốn là lợi thế cạnh tranh nổi trội của Trường so với các đơn vị đào tạo khác. Theo đó, cử nhân ngành Báo chí của Trường ĐH KHXH và NV sẽ áp dụng được kiến thức, kỹ năng về các ngành KHXH cơ bản từ những Thầy Cô gạo cội về Triết học, Tâm lý học, Xã hội học, Ngôn ngữ học, Văn học, Sử học… để sáng tạo được những sản phẩm báo chí, truyền thông hiện đại nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các cơ quan báo chí và phục vụ công chúng đa dạng.

Tôi không đủ dữ liệu để đánh giá toàn bộ các chương trình đào tạo ngành Báo chí của tất cả các cơ sở đào tạo báo chí hiện nay xem đã đáp ứng được nhu cầu thực tiễn chưa. Tuy nhiên, các kết quả khảo sát đánh giá độc lập về chất lượng đào tạo ngành Báo chí do cơ quan kiểm định được cấp phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện đã cho thấy các nhà tuyển dụng hài lòng ở mức độ cao đối với các sinh viên đã tốt nghiệp của Viện chúng tôi. Rất nhiều thế hệ sinh viên của chúng tôi đã và đang dấn thân vào công việc đầy thử thách của nghề báo với sự tự tin, chuyên nghiệp và đam mê cống hiến cho xã hội và cho nghề nghiệp của mình.

Do báo chí là lĩnh vực có sự tham gia sâu của công nghệ nên luôn có sự vận động, thay đổi nhanh chóng, vì thế các chương trình đào tạo ngành Báo chí sẽ luôn phải bám sát sự thay đổi đó để cập nhật, điều chỉnh nếu không muốn bị tụt hậu. Công chúng báo chí cũng thay đổi theo hướng ngày càng chủ động tham gia truyền thông hơn, nên đó cũng là một thách thức đối với các chương trình đào tạo ngành Báo chí.

PV: Bà nhận thấy có khó khăn nào trong việc tạo ra một chương trình giảng dạy tốt nhất cho sinh viên báo chí không (khó khăn về trang thiết bị, tài chính...)?

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền: Tôi nghĩ để giảng dạy báo chí tốt, hệ thống giảng đường, trang bị cơ sở vật chất nghề báo cần được đầu tư và đổi mới thường xuyên, thậm chí mô phỏng hoặc trang bị như trong thực tế ở các tòa soạn thì mới có thể giúp người học hình dung và thực nghiệp nghề báo ngay từ trên ghế nhà trường. Có được điều ấy là mong ước của tất cả các trường đào tạo ngành Báo chí.

Tuy nhiên, nếu được trang bị tốt về cơ sở vật chất kỹ thuật mà người học không có được đam mê theo nghề thì cũng khó tạo ra những nhà báo giỏi. Các em sinh viên rất cần được truyền cảm hứng theo đuổi nghề nghiệp từ những nhà báo tài năng và nhiệt huyết đi trước. Vì thế, công nghệ chỉ là một phần, quan trọng hơn, vẫn là thái độ của người sử dụng, điều khiển những thiết bị, công nghệ đó trong hoạt động thực tiễn nghề nghiệp của mình.

PV: Khả năng tiếp cận với công nghệ của sinh viên báo chí hiện nay như thế nào thưa bà? Nhà trường có các thiết bị như máy quay, máy ảnh, máy tính cấu hình cao trong giảng dạy không thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền: Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông được trang bị đầy đủ các phòng học thông minh, đa phương tiện, các studio phát thanh, truyền hình, ảnh báo chí với chất lượng tiên tiến, hiện đại. Các sinh viên ngành Báo chí đều được học trong các phòng thực hành, giúp các em thành thạo các kỹ năng sử dụng máy móc chuyên dụng. Nhiều sản phẩm mà các em làm ra đã được nhiều tòa soạn báo chí sử dụng trong thực tiễn.

sv bao chi 6.jpg

PV: Số lượng sinh viên đăng ký học ngành Báo chí trong những năm qua có xu hướng tăng hay giảm, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền: Báo chí vẫn là một nghề hấp dẫn đối với các bạn trẻ bởi sự năng động của nó. Số lượng sinh viên đăng ký học ngành Báo chí trong những năm qua vẫn có xu hướng tăng cao, vì thế phổ điểm chuẩn vào ngành Báo chí của các trường đại học cũng rất cao. Năm học 2022-2023, điểm đầu vào khối C ngành Báo chí của Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông chúng tôi cao mức kỷ lục: 29,9 điểm. Với mức điểm cao như vậy, chất lượng đầu vào của ngành Báo chí của Trường có thể nói là xuất sắc, hứa hẹn sẽ cho “ra lò” những nhà báo tương lai giỏi giang cống hiến cho xã hội.

PV: Hiện nay, các công nghệ cao như AI, Big Data đang phát triển rất mạnh mẽ. Chúng có thể thay thế nhà báo viết các tin tức ngắn, thậm chí thay thế người thật dẫn bản tin truyền hình. Theo bà, trong tương lai, liệu AI có thể thay thế được hoàn toàn công việc của nhà báo không?

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền: Tôi nghĩ AI là những ứng dụng công nghệ tuyệt vời, giúp con người nói chung, nhà báo nói riêng thuận tiện hơn trong tác nghiệp. Hiện AI đã hỗ trợ được cho nhà báo nhiều công đoạn trong thực hiện nhiệm vụ.

Tuy nhiên, tôi tin là AI khó có thay thế hoàn toàn công việc của nhà báo, bởi nghề báo cần phải đảm bảo rất nhiều chuẩn mực cả về chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp mà AI có thể sẽ vi phạm do hạn chế về chất lượng nguồn dữ liệu đầu vào của hệ thống.

PV: Theo bà, nhà nước, cụ thể là Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chính sách gì để hỗ trợ việc đào tạo sinh viên báo chí không?

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền: Tôi nghĩ nên coi việc đào tạo sinh viên ngành Báo chí cũng giống như nhiều ngành khác. Các chính sách, quy định về đào tạo báo chí đang được áp dụng là phù hợp và không nhất thiết phải có chính sách hỗ trợ đặc biệt gì thêm.

sv bao chi 2.jpg

PV: Nếu được đưa ra một lời khuyên cho các sinh viên để trở thành một nhà báo tài năng, bà sẽ nói gì?

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền: Một người Thầy của tôi đã từng nói đại ý nghề báo là nghề học được nhưng không dạy được. Điều này không phải là không ai dạy được nghề báo, nếu vậy thì công việc của chúng tôi là vô nghĩa hay sao, mà là nhấn mạnh việc tự học, tự trau dồi nghiệp vụ và bản lĩnh nghề nghiệp của nhà báo. Vẫn có nhà báo giỏi mà không qua trường lớp đào tạo bài bản về báo chí, nhưng con số đó chắc chắn không nhiều.

Theo tôi, để trở thành một nhà báo có dấu ấn nghề nghiệp, sinh viên báo chí phải ý thức rõ sứ mệnh, mục đích nghề báo để từ đó phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của mình. Nói một cách giản dị, nhà báo phải yêu nghề, phải can đảm dấn thân “quăng” mình vào thực tiễn sôi động để thấu hiểu những sự thật bị che lấp đằng sau những con số, phận đời, đặc biệt là của những người yếu thế trong xã hội. Nếu chỉ thích ngồi trong phòng máy lạnh và đi du lịch check in ở những nơi sang chảnh, thì đừng dại mà chọn học ngành Báo chí vì bạn sẽ không thể thấy được vẻ đẹp của nghề này!

PV: Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!

Tính đến hết tháng 5/2022, cả nước có 816 cơ quan báo chí, trong đó: 114 báo, 116 tạp chí thực hiện 2 loại hình báo in và báo điện tử; 557 báo và tạp chí in; 29 báo và tạp chí điện tử độc lập; 72 cơ quan hoạt động trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình.

Nguồn nhân lực báo chí gồm 41.600 người làm việc trong cả 4 loại hình. Tổng số nhà báo được cấp thẻ là gần 18.000 người. Nguồn nhân lực hoạt động trong các trong cơ quan báo chí, truyền thông tại Việt Nam chủ yếu được đào tạo từ các cơ sở đào tạo báo chí và một bộ phận nhỏ có năng khiếu, say mê nghề báo, trưởng thành từ thực tiễn.