Ông Trương Gia Bình: Chuyển đổi xanh sẽ mang lại nguồn tài chính xanh cực kỳ lớn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT tập đoàn FPT, nói rằng thế giới đang thực hiện chuyển đổi số đi kèm với chuyển đổi xanh vô cùng mạnh mẽ. Và Việt Nam cũng đang đặt ra những mục tiêu ban đầu cho chuyển đổi xanh.

Năm 2024, Chính phủ đã nêu ra định hướng chuyển đổi số với 4 trụ cột: công nghiệp CNTT và truyền thông, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số, tạo ra động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã chỉ đạo chuyển đổi xanh cùng với chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của Việt Nam để phát triển nhanh, bền vững, chuyển đổi nền kinh tế từ nâu sang xanh.

Bên lề Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - Châu Á 2024, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT tập đoàn FPT, đã có cuộc trao đổi với báo giới xung quanh công cuộc chuyển đổi số, chuyển đổi xanh của Việt Nam, cũng như sự liên thông của những công nghệ mới như vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

- Thưa ông, vì sao chuyển đổi số hiện nay phải đi đôi với chuyển đổi xanh?

Ông Trương Gia Bình: Chuyển đổi số thì cần phải có chuyển đổi xanh. Bây giờ rất nhiều hãng bán dẫn sang Việt Nam, muốn đầu tư, muốn liên doanh với Việt Nam, muốn khai thác lực lượng lao động của chúng ta nhưng họ yêu cầu chúng ta phải giảm phát thải carbon. Cho nên chúng ta muốn làm chuyển đổi số, muốn làm công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, chúng ta phải giảm phát thải.

Hơn nữa, chuyển đổi xanh mà không có công nghệ số thì làm sao chúng ta biết có xanh hay không. Cho nên việc cấp thiết là chúng ta phải biết các doanh nghiệp phát thải như thế nào và bằng những cách nào các doanh nghiệp giảm phát thải. Nếu làm được điều này thì rất tuyệt vời.

Tôi có một người bạn trong Hiệp hội Nông nghiệp số. Trước kia doanh nghiệp của chị vất vả đi tìm khách hàng, nhưng từ ngày doanh nghiệp có chứng chỉ carbon thì người ta xếp hàng để mua hàng của chị. Chị được quyền chọn khách hàng chứ không phải đi tìm khách hàng như trong quá khứ.

- Ông có thể nói gì về cơ hội của ngành bán dẫn Việt Nam?

Ông Trương Gia Bình: Có thể nói tất cả các quốc gia bán dẫn đều là những quốc gia đã “hóa rồng hóa hổ”, cho nên Việt Nam có “hóa rồng hóa hổ”, có bước lên đài vinh quang được hay không, thì cũng sẽ liên quan đến chuyện chúng ta có gia nhập được hệ sinh thái bán dẫn hay không.

Ông Jensen Huang, Chủ tịch và CEO Nvidia, nói với tôi rằng Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia toàn trình trong ngành công nghiệp bán dẫn. Vấn đề bây giờ là chúng ta phải làm, mà làm thật nhanh, vì cơ hội này không chờ đợi chúng ta, nó sẽ trôi qua rất nhanh. Cho nên các thanh niên Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải hết sức nỗ lực để triển khai chuyển đổi số, phát triển công nghiệp bán dẫn.

- Vậy thì lĩnh vực bán dẫn có kết nối và liên thông gì đến chuyển đổi số và chuyển đổi xanh không thưa ông?

Ông Trương Gia Bình: Ví dụ như để có thể tính toán được lượng phát thải, chúng ta sẽ phải dùng công nghệ, không có cách nào khác. Những con chip, cảm biến, thiết bị kết nối không dây… tất cả những thứ đó phải tích hợp thành giải pháp toàn diện thì mới có thể chuyển đổi xanh được.

- Trí tuệ nhân tạo (AI) được cho là một công cụ giúp tăng năng suất lao động, tăng giá trị doanh nghiệp. Những doanh nghiệp lớn như FPT sẽ đẩy mạnh phát triển AI?

Ông Trương Gia Bình: Có thể nói trí tuệ nhân tạo là cơ hội mà Việt Nam xuất phát cùng với các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Điều rất quan trọng là chúng ta đã xuất phát cùng một vạch và thứ hai là chúng ta có rất đông các kỹ sư phần mềm có thể dễ dàng chuyển đổi sang kỹ sư AI.

Việc có hạ tầng và một lực lượng lao động trẻ đầy nhiệt huyết tham gia vào lĩnh vực AI sẽ tạo ra sức bật cho quốc gia. Chúng ta có thể tăng năng suất lao động lên nhiều lần chứ không phải vài lần.

- Xét về khía cạnh tài chính, chuyển đổi xanh có đem lại hiệu quả gì cho cơ quan, doanh nghiệp không, thưa ông?

Ông Trương Gia Bình: Đầu tiên phải nói rằng nếu làm chuyển đổi xanh thì chúng ta sẽ có một nguồn tài chính xanh cực kỳ lớn, có thể đưa nguồn tài chính xanh này về Việt Nam. Chúng ta sẽ có những khoản tín dụng xanh, có những khách hàng xanh… xét trên toàn diện.

Xanh bây giờ là một từ khóa của toàn thế giới.

chuyen doi xanh.jpg

Tuy nhiên, Việt Nam phải có chính sách quản lý xanh. Vì nếu không đưa ra các chính sách một cách rõ ràng, rành mạch với các chỉ số, chương trình hành động thì chúng ta không thể nào giải ngân được nguồn vốn xanh hàng nhiều chục tỉ đã dành sẵn cho Việt Nam.

Hơn nữa khi hàng hóa Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài, người ta đòi hỏi phải có báo cáo về phát triển bền vững mà nếu mà chúng ta không báo cáo thì hàng hóa của chúng ta cũng không tìm được thị trường, tức là việc này có tính sống còn và cần thay đổi nhận thức rất nhanh.

Đầu tiên là nhận thức của các nhà hoạch định chính sách. Nhờ nhận thức đó thì họ sẽ xây dựng nhanh chóng các điều luật, điều khoản để phát triển xanh và tiếp theo sau là các doanh nghiệp và cuối cùng là người dân.

- Ngoài vấn đề về chính sách thì còn những vấn đề gì đặt ra nữa trong công cuộc chuyển đổi số, chuyển đổi xanh ở Việt Nam hiện nay?

Ông Trương Gia Bình: Tôi nghĩ rằng là hiện tại chúng ta có lực lượng quá mỏng, những người có thể tính toán được, tư vấn được, có thể giúp đỡ giảm thải được là rất ít. Bây giờ chúng ta đang ở giai đoạn đầu, tức là phải tự tính phát thải carbon do chính chúng ta.

Bước tiếp theo là chúng ta phải tính nguồn phát thải đầu vào, tức là không phải là bây giờ chúng ta có thể mua bất kỳ nguồn hàng ở đâu mà phải tìm những nguồn hàng có lượng phát thải thấp nhất. Sau đó chúng ta sẽ phải thuê đầu ra là các công ty mà cũng phải xanh nữa, tức là có ba bước và nó đòi hỏi rất cao, chúng ta phải cố gắng ngay từ bây giờ.

- Xin cảm ơn ông!