Chính quyền Paris đã lập rào chắn dinh tổng thống và huy động 6.000 cảnh sát vì những người mặc áo vàng đại diện cho phong trào công bằng kinh tế của Pháp đã tập trung tại thủ đô để bày tỏ sự giận dữ với Tổng thống Emmanuel Macron và chính sách cải cách của ông.
Những người ủng hộ phong trào lo rằng, sự thay đổi về cách thức và thời gian mà người lao động có thể nghỉ hưu sẽ đe dọa đến cuộc sống của người dân Pháp. Theo một quan chức cao cấp của Văn phòng Tổng thống, bản thân ông Macron vẫn "bình tĩnh và quyết tâm" để chính sách này được thực thi.
Bảo tàng Louvre đã thông báo về việc tạm dừng hoạt động. Các ga tàu điện ngầm trên khắp Paris cũng đóng cửa. Nhiều du khách - bao gồm cả Tổng thư ký năng lượng của Hoa Kỳ - đã phải hủy kế hoạch tới Pháp vì cuộc đình công.
Các du khách đều hoảng hốt khi phát hiện ra các ga tàu cao tốc trống rỗng vào ngày 5/12, với khoảng 9 trong số 10 chuyến tàu cao tốc TGV bị hủy bỏ.
Một số du khách bày tỏ sự ủng hộ những người công nhân, nhưng số khác thì lại phàn nàn vì tự dưng bị kéo vào cuộc chiến của người khác.
Du khách Ian Crossen (New York) phàn nàn: “Tôi không biết gì về cuộc đình công đang diễn ra. Tôi đã phải đợi ở sân bay hai tiếng và rốt cuộc thì tàu lại không đến. Tôi thấy hơi thất vọng vì mình đã phải tiêu rất nhiều tiền một cách không đáng”.
Du khách Vladimir Madeira (Chile) nói rằng, cuộc đình công là "một cơn ác mộng". Người này không biết về các cuộc biểu tình và việc giao thông bị gián đoạn đã phá vỡ kế hoạch đến Zurich của anh ta.
Bên dưới tháp Eiffel đã đóng cửa, khách du lịch từ Thái Lan, Canada và Tây Ban Nha cũng có chung những cảm xúc đó.
Để chuẩn bị cho khả năng bạo động có thể xảy ra trên chặng đường đến Paris, cảnh sát đã ra lệnh cho tất cả các doanh nghiệp, quán cà phê và nhà hàng trong khu vực đóng cửa. Chính quyền đã cấm các cuộc biểu tình ở những khu phố nhạy cảm nhất xung quanh Đại lộ Champs-Elysees, Dinh Tổng thống và Nhà thờ Đức Bà.
Cảnh sát đã tiến hành kiểm tra an ninh đối với hơn 6.000 người tham gia vào cuộc biểu tình và có 65 người bị bắt giữ thậm chí trước khi cuộc biểu tình bắt đầu. Đại sứ quán các nước cảnh báo khách du lịch tránh xa khu vực biểu tình.
Đám đông có chung tâm trạng bế tắc đã tập trung trên Đại lộ Magenta ở phía đông Paris.
Nhân viên y tế chê bai điều kiện làm việc trong các bệnh viện. Các sinh viên yêu cầu chính phủ hành động, trước một vụ tự tử gần đây của sinh viên. Các nhà môi trường nhấn mạnh rằng công bằng khí hậu và công bằng xã hội là một và giống nhau. Trong khi đó, cả người già lẫn trẻ đều lên án kế hoạch nghỉ hưu mới, điều mà họ lo sợ rằng sẽ lấy tiền từ ví của họ và chiếm lấy quãng thời gian mà họ muốn nghỉ ngơi tận hưởng khi về già.
Eric Mettling, một người đã tham gia vào nhóm mặc áo vest vàng khi bắt đầu phong trào, nói rằng cuộc tổng đình công này đã tập hợp các phong trào xã hội trên khắp nước Pháp theo cách chưa từng có để tố cáo "cuộc khủng hoảng xã hội".
Cuộc đụng độ đã nổ ra giữa cảnh sát bắn hơi cay và những người biểu tình ném pháo sáng trong một cuộc biểu tình ở thành phố Nantes, miền tây nước Pháp, cùng với đó là hàng nghìn người thuộc phong trào áo đỏ diễu hành qua các thành phố từ Marseille đến Lille.
Giao thông công cộng bị đình trệ, nhiều người đi làm đã sử dụng xe đạp công cộng hoặc xe máy điện dù nhiệt độ thậm chí đang gần như đóng băng. Nhiều người lao động ở khu vực Paris làm việc tại nhà hoặc nghỉ làm ở nhà với con cái họ, vì 78% giáo viên ở thủ đô đang đình công.
Một câu hỏi lớn đặt ra là cuộc đình công sẽ kéo dài trong thời gian bao lâu. Bộ trưởng Giao thông Elisabeth Borne cho biết bà hy vọng những rắc rối đối với ngành du lịch sẽ chỉ kéo dài đến ngày 6/12, còn các đoàn thể nói rằng họ sẽ duy trì đình công hệ thống tàu điện ngầm ở Paris ít nhất qua ngày 9/12.
Người lao động khu vực công cộng lo ngại cải cách của Tổng thống Macron sẽ buộc họ phải làm việc lâu hơn và giảm lương hưu. Một số người lao động khu vực tư nhân bày tỏ sự lo lắng, trong khi những người khác hoan nghênh cải cách.
Joseph Kakou, một bảo vệ ca đêm, đã phải đi bộ một giờ đồng hồ để về tới nhà do phương tiện giao thông công cộng không hoạt động. Ông chia sẻ: “Chúng tôi không muốn phải đi bộ, cũng không muốn phải đình công. Nhưng chúng tôi vẫn phải làm thế, bởi vì chúng tôi không thể làm việc cho đến khi 90 tuổi.”
Đối với ông Macron, cải cách hưu trí là trọng tâm trong kế hoạch cải tổ nước Pháp để có thể cạnh tranh toàn cầu trong thế kỷ 21. Chính phủ cho rằng 42 hệ thống hưu trí của Pháp cần được tinh giản.
Tổng thống Macron tôn trọng quyền đình công. Ông vẫn tin chắc rằng cải cách là cần thiết, đó là kế hoạch mà ông đã trình bày với người dân Pháp trong suốt chiến dịch bầu cử Tổng thống năm 2017.
Sau các cuộc họp rộng rãi với người lao động, Cao ủy về lương hưu dự kiến sẽ trình bày chi tiết về các cải cách vào tuần tới và Thủ tướng sẽ công bố kế hoạch của chính phủ vài ngày sau đó.
(Theo AP)