'Nói thì hay, nhưng khó nhất là làm'

Sau bài phát biểu của ông Tập Cận Bình tại Quốc hội sáng 6.11, theo đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc, "trong những trường hợp như thế này thì ngôn từ luôn là ngôn từ ngoại giao. Tôi thấy rất hay nhưng khó nhất là làm". 
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (Ảnh: Tuấn Nam)
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (Ảnh: Tuấn Nam)

Liên quan đến bài phát biểu của Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước Quốc hội Việt Nam sáng 6.11, bên hành lang Quốc hội, báo giới đã có cuộc trao đổi với một số vị đại biểu quốc hội. 

Theo đánh giá của đại biểu Nguyễn Anh Sơn (tỉnh Nam Định), phát biểu của ông Tập Cận Bình được chuẩn bị khá kỹ. Bài phát biểu đề cập đến nhiều vấn đề, cả quá khứ, hiện tại và tương lai.

Ông Tập cũng cũng đánh giá về sự phát triển của Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế và đối ngoại, đồng thời nhắc sâu về mối quan hệ truyền thống giữa hai nước... Ông Nguyễn Anh Sơn cũng cho rằng việc ông Tập Cận Bình không nhắc đến vấn đề biển Đông trước Quốc hội Việt Nam có thể là do trong các cuộc hội đàm và hội kiến với lãnh đạo Đảng và Nhà nước trước đó, vấn đề này đã được nhắc đến nên không nhắc tới nữa. 

Tại hành lang Quốc hội, đại biểu Dương Trung Quốc cho hay: "Trong những trường hợp như thế này thì ngôn từ luôn là ngôn từ ngoại giao. Tôi thấy rất hay nhưng khó nhất là làm". 

Ông Dương Trung Quốc cho rằng: "Sự có mặt của một nguyên thủ quốc gia của Trung Quốc có mặt tại Quốc hội Việt Nam là một sự kiện có ý nghĩa. Nhưng rõ ràng, việc đó rơi vào thời điểm được người dân rất quan tâm nên do đó người dân luôn có sự so sánh lời nói của ông Tập Cận Bình với những gì đang diễn ra. Vì thế tôi nghĩ rằng có thể đạt được một sự nhất trí cao của những nhà lãnh đạo thì đó là điều rất quan trọng nhưng cũng có một điều hết sức quan trọng khác là làm cho người dân hiểu, người dân chia sẻ. Đó mới là điều quan trọng". 

Ông Dương Trung Quốc nói tiếp: "Điều thứ hai là ông Tập Cận Bình có đề cập đến các vấn đề lịch sử, về một nước Trung Hoa yêu chuộng hòa bình, một lịch sử quan hệ với Việt Nam từ cổ đại đến cận đại chỉ có tương thân tương ái với nhau. Điều này cho thấy chúng ta càng phải học sử cho tốt, dạy sử cho kỹ. 

Khi nhìn vào lịch sử thì phải nhìn vào hai mặt. Nhưng đằng này ông ấy chỉ nói một mặt thôi. Nếu chúng ta không trang bị một nền tảng kiến thức lịch sử cho giới trẻ thì có lẽ họ sẽ nghĩ đó là thật. Tôi hy vọng rằng cuối cùng những điều ông ấy nói trở thành sự thật". 

Ông Dương Trung Quốc cũng khẳng định những vấn đề liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa không thể coi là tiểu cục. 

"Có một câu ông ấy nhắc đến là: "Chúng ta có một vận mệnh chung". Nhưng tôi không nghĩ như thế. Nếu là nhân loại thì sẽ có vận mệnh chung nhưng mỗi quốc gia có một vận mệnh riêng. Và mỗi người phải làm chủ vận mệnh của mình. 

Đương nhiên, trong mối quan hệ các quốc gia với nhau, chúng ta phải tôn trọng lẫn nhau. Và chính vì thế hơn bao giờ hết, trong thời đại này, chúng ta phải tuân thủ những cam kết chung - những gì đã trở thành tập quán, pháp luật của quốc tế", đại biểu Dương Trung Quốc nói. 

Vị đại biểu quốc hội nói tiếp: "Chúng ta cứ lắng nghe đi, nhưng quan trọng là chúng ta phải giữ vững được lập trường căn bản của mình. Cũng giống như nguyên lý mà chúng ta hay nói: "Dĩ bất biến, ứng vạn biến". 

Vì thế tôi nghĩ rằng những cơ hội (hợp tác - PV) này mà chúng ta biết tranh thủ thì sẽ rất tốt, đồng thời chúng ta cũng phải tỉnh táo".

Theo Một thế giới