Ba nhà khoa học sẽ cùng chia sẻ giải Nobel trong lĩnh vực Y học năm nay nhờ phát hiện ra cơ chế mà các tế bào sử dụng dưỡng khí để đốt cháy năng lượng, giúp cho cơ thể người duy trì sự sống và phát triển các tế bào mới.
Trong tuyên bố được đưa ra tại sự kiện công bố giải chiều 7/10, Ủy ban Nobel của Viện Karolinska ở thủ đô Stockholm của Thụy Điển cho hay: "Các nhà khoa học William Kaelin đến từ ĐH Harvard; Peter Ratcliffe làm việc tại ĐH Oxford và Viện Francis Crick ở London (Anh); và Gregg Semenza đến từ ĐH Johns Hopkins đã giành giải thưởng nhờ công trình nghiên cứu về cách thức cảm nhận và thích nghi của tế bào trong môi trường sẵn có của dưỡng khí".
Một phát ngôn viên của ủy ban này đánh giá công trình nói trên "đã khai mở đáng kể kiến thức của chúng ta về cách mà các phản ứng sinh lý giúp cuộc sống sinh sôi".
Ba nhà khoa học sẽ cùng chia sẻ phần thưởng bằng tiền trị giá 9 triệu kronor Thụy Điển (910.000 USD).
Giải Nobel Y học đã được trao 216 lần tính từ năm 1901 đến 2018, trong đó có 12 phụ nữ từng được nhận giải này. Đây cũng là giải Nobel đầu tiên được công bố trong mùa giải Nobel hàng năm. Tiếp đó sẽ là các lễ công bố giải Nobel Vật lý vào ngày 8/10, Nobel Hóa học ngày 9/10, Nobel Văn học ngày 10/10, Nobel Hòa bình ngày 11/10 và Nobel Kinh tế vào ngày 14/10.
Đáng chú ý, năm nay, Viện Hàn lâm Thụy Điển sẽ công bố hai người thắng cuộc giải Nobel Văn học năm 2018 và 2019 để bù cho giải Nobel Văn học năm ngoái không được công bố do vụ bê bối tình dục chưa từng có trong lịch sử, dẫn đến một loạt đơn từ chức được gửi tới lãnh đạo Viện Hàn lâm Thụy Điển.
Giải Nobel Y học năm ngoái được trao cho hai nhà khoa học James P. Allison, người Mỹ, và Tasuku Honjo, người Nhật Bản, vì công trình nghiên cứu điều trị ung thư bằng cơ chế ức chế miễn dịch âm tính. Liệu pháp này bước đầu chứng minh có hiệu quả và có khả năng cứu sống được các bệnh nhân ung thư.
Theo The Guardian