Theo dõi livestream để lấy thông tin
Sáng 26/6, chị Nguyễn Hằng (nhân viên ngân hàng) đang ở cơ quan thì nhận được cuộc gọi từ một thanh niên xưng là shipper giao 2 đơn hàng mỹ phẩm. Người này cho biết đã để các gói hàng vào trong sân rồi đề nghị chị Hằng chuyển khoản thanh toán.
“Tối hôm thứ hai, tôi xem live trên Facebook và đặt 2 đơn mỹ phẩm, nên khi shipper gọi giao hàng tôi đã chuyển khoản luôn. Hôm đó, tôi đã chuyển khoản tổng cộng 198.000 đồng”, chị Hằng nói.
Khi trở về nhà, chị Hằng phát hiện bọc hàng chỉ là những túi nilon được bọc lại với nhau.
Chị liên hệ với shop đã đặt đơn tối thứ hai thì được biết đơn hàng vẫn đang ở kho, chưa được chuyển đi, đồng nghĩa với việc người phụ nữ này đã bị lừa.
“Tôi chủ quan, thấy người ta gọi giao hàng là không nghĩ ngợi gì và chuyển khoản luôn. Người này đọc đúng cả họ tên, số điện thoại và cả sản phẩm đặt mua nên tôi càng không nghi ngờ”, chị Hằng kể.
Chia sẻ câu chuyện của mình cho chủ shop và bạn bè, chị Hằng mới phát hiện có thể kẻ gian đã theo dõi livestream nên có thông tin bình luận của nạn nhân.
Một trường hợp khác là chị P.T.Nhung (nhân viên kinh doanh) cũng dính bẫy lừa đảo giao hàng. Kẻ xấu cũng đọc đúng thông tin cá nhân và tên sản phẩm. Lần đó chị Nhung mất hơn 1 triệu đồng.
“Tôi có thói quen xem live và chốt đơn hàng tuần nên số lượng đơn giao rất nhiều, không thể nhớ hết. Vì vậy khi có người gọi nhận hàng mình cũng không nghi ngờ gì và nhận luôn”, chị Nhung kể:
Khi nhận được điện thoại của shipper, chị Nhung hỏi lại thông tin sản phẩm, tuy nhiên người giao hàng báo sản phẩm nhạy cảm nên đã bị che. Nghe shipper trả lời rất nhanh chóng, mượt mà, chị Nhung không nghi ngờ rồi chuyển khoản thanh toán.
Xuống sảnh công ty nhận hàng, chị Nhung không thấy đơn hàng nào cả. Bảo vệ và lễ tân cũng không có thông tin. Nhận ra bản thân có thể bị lừa, chị nhanh chóng gọi lại số điện thoại vừa gọi đến nhưng không được
Cần đề cao cảnh giác
Anh Thạc Huy (nhân viên công nghệ thông tin) cũng đặt mua bàn phím và chuột phục vụ công việc. Thấy đơn đặt từ tối hôm trước nhưng sáng hôm sau đã tới tay, anh nghi ngờ về tốc độ giao hàng quá nhanh.
Kiểm tra đơn hàng trên Lazada và Shopee, anh Huy thấy món đồ đang trên đường chuyển tới bưu cục. Lúc này, kẻ lừa đảo nói “để kiểm tra lại” rồi tắt máy.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có cơ hội nhận ra những bất thường này. Minh Ánh (19 tuổi) đang thi hết môn ở Hà Nam nên nhờ người nhà nhận giúp một bưu phẩm với số tiền khoảng 300.000 đồng. Trên bưu phẩm ghi đúng tên, kèm số điện thoại và địa chỉ nên người nhà của Minh Ánh đã thanh toán số tiền nói trên cho người giao hàng.
"Khi về nhà mở bưu kiện, tôi thấy trong đó là một cái khăn mặt cùng một hộp kem dưỡng nhìn khá cũ, mặc dù không hề đặt đơn này. Tôi gọi cho người giao hàng thì họ nói chỉ có trách nhiệm giao đến tay khách hàng. Tôi đề nghị cung cấp số điện thoại của chủ shop, nhưng số điện thoại này không liên lạc được”, Minh Ánh bức xúc.
Một số bạn bè của Ánh cũng bị lừa đảo theo phương thức trên. Họ nhận được thường là những hộp thực phẩm chức năng, mỹ phẩm kém chất lượng hoặc quá hạn sử dụng, vì thế đều phải đem bỏ.
Do số tiền bị chiếm đoạt không quá lớn, nhiều nạn nhân đành bỏ qua, không trình báo cơ quan chức năng.