Tuy nhiên, bên cạnh đó, ông Đinh La Thăng cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức không hề nhỏ và cũng không hề dễ dàng. Những thách thức đó là gì, PV có trao đổi đổi với tiến sĩ Phạm Sanh – chuyên gia cầu đường tại TP. HCM:
- Khi hay tin ông Đinh La Thăng làm Bí thư Thành ủy TP. HCM, tôi cũng như nhiều người dân TP. HCM tỏ ra rất vui và phấn khởi. Bởi với tất cả những gì ông Đinh La Thăng đã từng thể hiện ở cương vị Bộ trưởng Bộ GTVT trong những năm qua đã góp phần làm thay đổi rõ rệt diện mạo chung của ngành giao thông; vì vậy tôi và người dân TP. HCM hy vọng TP. HCM cũng sẽ có những thay đổi tích cực dưới sự chỉ đạo của ông Đinh La Thăng.
*TP. HCM được xem như một “siêu đô thị” và lâu nay còn khá nhiều vấn đề tồn đọng gây bức xúc cho người dân. Vậy theo ông, những thách thức nào sẽ là gánh nặng đặt lên vai tân Bí thư Thành ủy TP. HCM Đinh La Thăng?
- Đúng vậy. Bên cạnh những kỳ vọng, thuận lợi thì còn không ít vấn đề tồn đọng bức xúc lâu nay sẽ là thách thức với ông Đinh La Thăng, vấn đề đó nằm ở nhóm cơ sở hạ tầng, quy hoạch đô thị. Nói về cơ sở hạ tầng, thì hiện nay, mảng điện chiếu sáng, viễn thông tại TP. HCM cơ bản đã ổn định. Lĩnh vực về cấp nước sạch cũng còn một tồn tại, đó là một số vùng ven như Củ Chi, Cần Giờ người dân chưa có nước sạch sử dụng. Tuy vậy, giải quyết vấn đề cung cấp nước sạch cũng không phải là thách thức lớn lắm, mà thách thức lớn nhất là chuyện ngập nước và kẹt xe.
Giải quyết vấn đề ngập nước tại TP. HCM sẽ là thách thức lớn đối với Bí Thư Thành ủy TP. HCM Đinh La Thăng
* Ông có thể nói rõ hơn về những thách thức này đối với tân Bí thư Thành ủy TP. HCM?
Ai cũng biết, ông Đinh La Thăng là người dám nghĩ, dám làm, và làm quyết liệt. Tuy nhiên, có những vấn đề không thể giải quyết trong thời gian ngắn, mà đòi hỏi cần nhiều thời gian, kinh phí và quyết sách lớn hơn từ Trung ương, chứ không chỉ trong phạm vi của một cá nhân hay TP. HCM là có thể làm tốt được. Tôi ví dụ, chuyện ngập nước của TP. HCM nó tồn tại hàng chục năm qua vẫn chưa giải quyết được. TP. HCM có đặc thù là khoảng 60% diện tích đất có cao độ tự nhiên thấp hơn mực nước triều, trong khi những năm qua, diễn biến mưa, đỉnh triều có xu hướng tăng cao nên khiến TP. HCM ngày càng ngập nặng, dù không có mưa.
Thời gian qua, việc giải quyết ngập nước phần lớn còn manh mún, giải quyết theo từng dự án, từng khu vực vực ngập, chứ chưa mang tính tổng thể. Tuy TP. HCM cũng đã xây dựng hệ thống đê bao, cống để ngăn triều cường, song cũng chỉ mới thực hiện được một phần, còn lại nhiều khu vực (Q.2, 9, Thủ Đức…) vẫn chưa triển khai xây dựng. Ngoài ra, để giải quyết ngập do mưa lớn hiện nay, thành phố cũng chưa có hướng xử lý triệt để, bởi hệ thống cống cũ và cống mới xây đều quá tải khi những cơn mưa có vũ lượng lớn vượt tần suất thiết kế ngày càng nhiều.
Theo tôi, nếu đi đúng hướng và làm quyết liệt dưới thời của Bí thư Thành ủy TP. HCM Đinh La Thăng thì cũng mất khoảng thời gian 2 nhiệm kỳ mới có thể giải quyết được vấn nạn ngập nước tại TP. HCM. Đó là chưa kể vấn đề giải quyết ngập đòi hỏi một nguồn kinh phí khổng lồ hàng trăm nghìn tỉ đồng, và nguồn kinh phí này TP. HCM khó có thể quyết được, mà cần sự hỗ trợ từ phía Trung ương.
*Vậy còn thách thức về kẹt xe thì sao thưa ông?
Để giải quyết vấn nạn kẹt xe tại TP. HCM cần có những quyết sách đột phá, táo tạo
- Tôi cho rằng, kẹt xe cũng sẽ là bài toán nan giải, đau đầu đối với Bí thư TP. HCM Đinh La Thăng. Bởi, cơ sở hạ tầng giao thông của TP. HCM quá chật hẹp, thiếu thốn, trong khi số lượng phương tiện giao thông lại gia tăng chóng mặt hằng ngày. Tình trạng này khiến cho nhiều người ví von rằng, nếu đem hết số lượng xe hiện có của TP. HCM xếp ra đường thì diện tích đường của TP. HCM cũng không đáp ứng đủ, chứ nói gì đến lưu thông.
Với thực trạng giao thông thành phố như hiện nay, nếu thành phố mở rộng thêm đường sá sẽ gặp vướng mắc về đền bù giải tỏa rất lớn, còn làm đường trên cao hay tàu điện ngầm thì cũng tốn kém rất lớn, nhưng chưa chắc đã quyết được kẹt xe, vì tốc độ phát triển đường sá không theo kịp tốc độ gia tăng phương tiện (tại TP. HCM hiện có khoảng 7 triệu phương tiện, chưa kể mỗi ngày có thêm 1.000 xe gắn máy, 100 xe ô tô đăng ký mới).
Từ những thách thức này, đòi hỏi dàn lãnh đạo mới hiện nay của TP. HCM (Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND TP. HCM) phải có những nghiên cứu và đưa ra quyết sách táo bạo, tạo bước đột phá mới cho TP. HCM. Mà theo tôi lãnh đạo TP. HCM cũng nên nghiên cứu, xem xét đến giải pháp, xây dựng một thành phố mới thay thế thành phố cũ hiện nay đã quá tải. Và địa điểm nghiên cứu có thể là huyện Củ Chi – bởi diện tích đất trống còn khá nhiều và giao thông kết nối cũng thuận lợi.
Liệu những lãnh đạo mới TP. HCM có tạo ra những bước đột phá, sáng tạo táo bạo hay không, chúng tôi hãy chờ xem.
*Xin cảm ơn ông!
Theo Lao Động