Kodak: Từ chối thay đổi
Năm 1884, George Eastman thay đổi thế giới nhiếp ảnh khi phát minh ra giấy âm bản. Cùng năm, George Eastman tạo ra Kodak và biến công ty thành biểu tượng cho vị thế tiên phong của nước Mỹ trên lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Sản phẩm ban đầu là những tấm phim chụp ảnh rời. Năm 1888, hãng này chế tạo và đưa ra thị trường sản phẩm máy ảnh đầu tiên. Thời ấy cũng là thuở sơ khai của kỹ thuật và công nghệ máy ảnh nên máy ảnh rất đắt và cái thú chụp ảnh bị coi là xa xỉ và đẳng cấp riêng của giới thượng lưu lắm tiền nhiều của trong xã hội. Năm 1900, Kodak tung ra thị trường dòng máy ảnh đầu tiên trên thế giới với giá bán thấp đến mức đại đa số người tiêu dùng có thể mua được...
Tuy nhiên, vào năm 1975, Kodak đã mắc một sai lầm khiến công ty phải sụp đổ trong những thập kỷ tiếp theo.
Kodak phát triển nhiếp ảnh kỹ thuật số trong các phòng thí nghiệm nghiên cứu và phát triển của riêng mình. Năm 1978, Kodak nộp bằng sáng chế đầu tiên cho máy ảnh kỹ thuật số có cảm biến CCD. Kodak có trong tay công nghệ của thế giới nhiếp ảnh. Vấn đề là Kodak không tin vào sự thành công của phát minh mang tính cách mạng của mình. Bằng chứng điển hình nhất là Kodak phát minh ra máy ảnh kỹ thuật số từ năm 1975 nhưng mãi đến năm 1991 mới tung ra thị trường chiếc máy ảnh kỹ thuật số đầu tiên, nhưng lại quá đắt với giá gần 20.000 USD.
Khi công nghệ kỹ thuật số bùng nổ vào những năm 2000, Kodak đã bị vượt mặt bởi những công ty trẻ. Các đối thủ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc hoặc Đức lần lượt chiếm thị phần của Kodak.
Ở thời điểm công nghệ số bùng nổ, Kodak chỉ tung ra thị trường một vài mẫu sản phẩm nhỏ gọn, kém nổi hơn hẳn so với như cầu thị trường. Như vậy, tuy xin cấp bằng sáng chế cho một trong những máy ảnh kỹ thuật số đầu tiên, nhưng Kodak lạ bị đánh bại bởi chính sự xuất hiện của máy ảnh kỹ thuật số.
Để tồn tại vào đầu những năm 2010, Kodak thậm chí đã phải bán 1100 bằng sáng chế liên quan đến hình ảnh kỹ thuật số. Năm 2012, công ty nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Quả thực là một kết thúc buồn.
Vì vậy, ví dụ của Kodak là dấu hiệu của một chân lý cơ bản mà chúng ta phải luôn ghi nhớ: tiến hóa hay tuyệt chủng. Dù ở vị trí nào, bạn phải luôn cởi mở với sự đổi mới. Bạn phải sẵn sàng đón nhận một cuộc cách mạng mới khi nó xuất hiện, nếu không bạn sẽ thấy mình hoàn toàn lạc hậu trong vài năm sau đó.
Xerox PARC bỏ qua thương vụ 1,4 nghìn USD
Máy tính cá nhân là một trong những phát minh thành công nhất của thế kỷ 20. Công nghệ này đã làm nên tên tuổi cho Bill Gates cũng như đối thủ của ông là Steve Jobs.
Thế nhưng, ý tưởng ban đầu của công nghệ này lại không đến từ 2 nhà sáng lập đại tài này mà từ phòng thí nghiệm của một hãng sản xuất máy in mang tên Xerox. Các nhân viên nghiên cứu của PARC đã thành công tạo ra những công nghệ tiền đề cho máy tính cá nhân và nhiều kỹ thuật hiện đại ngày này, nhưng Xerox lúc đó lại chỉ quan tâm đến máy in và chẳng hiểu thành quả trên là gì.
Họ đã tạo ra một chiếc máy tính có tên là Alto, nó là chiếc máy tính đầu tiên có thể thực hiện những việc sau:
- Máy tính đầu tiên có giao diện đồ họa với người dùng, điều đó có nghĩa là nó có chuột và màn hình nơi bạn có thể di chuyển con trỏ trên những thứ bạn nhấp vào.
- Máy tính đầu tiên được nối mạng với nhau, đây là máy tính đầu tiên gửi email (trong mạng nội bộ). Điều này về cơ bản đã trở thành nền tảng của Internet.
- Đây cũng là máy tính đầu tiên sử dụng lập trình hướng đối tượng, nền tảng cho tất cả các chương trình máy tính hiện đại trên máy tính, điện thoại và hầu hết các thiết bị điện tử hoạt động trên đó.
Điều gì đã xảy ra với máy tính Alto này? Nếu họ tạo ra tất cả những thứ này trong Alto, tại sao không ai nghe nói về nó? Đó là vì Xerox đã đầu tư vào Apple năm 1979, như một phần của thỏa thuận, họ đã cho Steve Jobs quyền truy cập vào phòng thí nghiệm của họ. Steve Jobs đã sử dụng quyền truy cập này vào chiếc Alto để chế tạo Lisa và cuối cùng là chiếc máy Mac đầu tiên.
Lúc này Microsoft của Bill Gates đang hợp tác với Apple như một nhà phát triển phần mềm thứ 3 cho Macintosh. Cũng tương tự như Apple, Microsoft đã tuyển dụng rất nhiều kỹ thuật viên từ PARC và đương nhiên Bill Gates hiểu rất rõ về Xerox Alto cùng tầm quan trọng của nó. Vì vậy, Bill nghĩ rằng ông ấy cũng sẽ tạo ra máy tính/ hệ điều hành của riêng mình. IBM sản xuất phần cứng và ông cung cấp phần mềm.
Trong khi đó, Xerox HQ đã thất bại trong việc phát triển Alto và mặc dù chính họ đã tạo ra nó, họ lại không bao giờ bảo vệ hoặc thương mại hóa nó.
Vốn hóa thị trường của mỗi công ty hiện nay:
Xerox: 7 tỉ USD
Apple: 803 tỉ USD
Microsoft: 546 tỉ USD
IBM: 143 tỉ USD
Steve Jobs từng nói rằng, “Nếu Xerox biết những gì họ có và biết tận dụng cơ hội, họ có thể lớn bằng IBM với Microsoft và Apple cộng lại - và trở thành công ty công nghệ lớn nhất trên thế giới.”
Yahoo: từ chối Google, Facebook và xem nhẹ mảng tìm kiếm
Năm 1998, hai nhà sáng lập Google là Larry Page và Sergey Brin đã tiếp cận Yahoo để bán thuật toán PageRank của họ với giá chỉ 1 triệu USD vì cả hai đều đang ở Stanford và muốn tập trung vào việc học của mình.
Yahoo từ chối vì họ không muốn chuyển hướng khán giả sang một nền tảng khác. Công cụ Google Search được thiết kế để dẫn đến kết quả nhanh nhất dựa vào các trang web có liên quan đến từ khóa. Trong khi đó, Yahoo Search vừa đưa ra kết quả vừa tìm cách giữ người dùng trên các trang liên quan đến họ, bắt họ xem quảng cáo, mua sắm, kiểm tra email, nói chung khiến người dùng tốn thời gian và tiền bạc hơn.
Không chỉ vậy, năm 2006 Yahoo đã có cơ hội mua lại Facebook. Nhưng vì Yahoo đã hạ thấp lời đề nghị nên Mark Zuckerburg đã rút lui. Nếu công ty chấp nhận rủi ro hơn nữa, số phận của Yahoo có thể diễn ra theo chiều hướng khác.
Năm 2017, công ty công nghệ vĩ đại nhất trong lịch sử đã chính thức bị mua lại bởi nhà mạng viễn thông số 1 nước Mỹ - Verizon. Sau 20 năm lừng lẫy, Yahoo đã chính thức mất tên và không còn quyền tự chủ. Tại thời kỳ đỉnh cao, Yahoo có giá tới hơn 100 tỉ USD.
Nokia: Ngủ quên trên chiến thắng, xem nhẹ đối thủ
Nokia là một trong những nhà sản xuất điện thoại di động thành công nhất cho đến khi Apple, Samsung và các hãng từ Trung Quốc tiếp quản thị trường.
Một nhà nghiên cứu cấp cao của Nokia đã phát minh ra công nghệ màn hình cảm ứng và thiết kế nắp gập của điện thoại di động nhưng ý tưởng này đã bị chê cười và bác bỏ. Các giám đốc điều hành cấp cao của Nokia không sẵn sàng cho những thay đổi và tin rằng những chiếc điện thoại di động tương tự hiện tại của họ sẽ tiếp tục thống trị.
Những năm đầu tiên của thế kỷ 21 là thời điểm mà mọi thứ đều chuyển sang kỹ thuật số. Thế nhưng, Nokia lại đã quá tập trung vào cuộc cạnh tranh điện thoại cấp thấp, mà không nhận thấy các đối thủ đã tiến vào thị trường điện thoại cấp trung và cao cấp với nhiều tính năng hơn.
Nguyên nhân chính dẫn đến sự đi xuống của công ty là do thiếu tầm nhìn và định hướng sai lầm từ các nhà quản lý cấp trung. Câu kết thúc bài phát biểu của CEO Elop "Chúng tôi đã không làm gì sai, nhưng bằng cách nào đó, chúng tôi đã bại" đánh dấu cái chết tức tưởi của đế chế Nokia chỉ 5 năm sau khi thống lĩnh thị trường điện thoại di động vào năm 2008 với gần 40% thị phần.
Thế giới thay đổi quá nhanh, bỏ lỡ việc học hỏi là sai lầm lớn nhất của họ.
Theo Quora