Nhóm lợi ích “bẻ ghi”, bóp méo chính sách để trục lợi

VietTimes -- Thực trạng “bẻ ghi”, bóp méo các chủ trương, chính sách của Đảng và luật pháp của Nhà nước để trục lợi cho ngành, địa phương, nhóm lợi ích của mình đang có nguy cơ ngày càng gia tăng, nguyên Phó Ban Tổ chức T.Ư Nguyễn Đình Hương, PGS-TS Lê Quốc Lý...bức xúc cảnh báo.
Nhóm lợi ích “bẻ ghi”, bóp méo chính sách để trục lợi

TS Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản QPPL (Bộ Tư pháp) coi đây là vấn nạn trên “thảm” dưới “đinh” và ông gọi đó là hiện tượng “lưu manh hóa” trong một bộ phận CBCC thoái hóa biến chất.

Trên “thảm” dưới “đinh”

Tại Hội thảo “Chính sách phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ: tầm nhìn và hành động” do Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông phát triển tổ chức mới đây tại Hà Nội, ông Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) cho rằng, chủ trương, chính sách của Đảng và hệ thống văn bản pháp luật của Nhà nước thì rất tốt, như những tấm “thảm nhung” mời gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tham gia đầu tư phát triển kinh tế của đất nước, nhưng khi triển khai thì ở một số bộ, ngành, địa phương lại cố tình “rải đinh” để trục lợi cho “nhóm lợi ích”của mình.

Thực ra không phải đến bây giờ TS Lê Hồng Sơn mới lên tiếng về căn bệnh “thâm căn cố đế” này. Còn nhớ tại kỳ họp cuối cùng của QH khóa XIII, ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH, cho rằng “Những chủ trương, chính sách tốt đẹp, thông thoáng của Đảng và Nhà nước ta đang bị khâu thực hiện vô hiệu hóa. Nhiều nơi làm khó các nhà đầu tư như cắt điện, cắt nước, dựng rào chắn cổng; một số người thi hành công vụ vòi vĩnh, nhũng nhiễu trắng trợn, đòi tiền lót tay, tiền bôi trơn… làm doanh nghiệp khốn đốn, doanh nhân nản lòng. Có Đại biểu QH phải thốt lên đất lành chim đậu, nhưng chim chưa kịp đậu đã nhậu hết chim. Mời gọi các nhà đầu tư nhưng trên rải “thảm”, dưới rải “đinh”. Các nhà đầu tư tuy đi trên thảm nhưng vẫn nhức nhối vì hàng đinh ở dưới”.

Để dẫn chứng thực trạng trên “thảm”, dưới “đinh”, cựu Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản QPPL Lê Hồng Sơn nêu: “Cuối năm 2015, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành 02 Quyết định (4088/2015/QĐ-UBND và 3625/QĐ-UBND) đặt ra một loạt các điều kiện, tiêu chí đối với các tàu thuyền kinh doanh du lịch trên Vịnh Hạ Long- Bái Tử Long: rút ngắn niên hạn sử dụng các phương tiện thủy 05 năm-10 năm. Quy định về điều kiện phòng cháy, chữa cháy đối với tàu lưu trú (hệ thống chữa cháy tự động hoặc bán tự động bằng nước cho các phòng ngủ của tàu); phải có thiết bị tự động báo cháy ở tất cả các buồng của tàu. Như vậy, phải có thêm bể chứa nước trên tàu, hệ thống dẫn nước và điều này không thể thực hiện được với các tàu đang hoạt động...

Đây là quy định bức tử các doanh nghiệp đang kinh doanh hoạt động du lịch, dịch vụ trên địa bàn, đe dọa hơn 1000 lao động sẽ mất việc làm; tạo điều kiện, sân chơi cho các đại gia; vi phạm hàng loạt các Luật: Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật phòng cháy chữa cháy, Luật Du lịch, Luật giao thông đường thủy nội địa, Bộ Luật Dân sự về thẩm quyền điều kiện kinh doanh, phòng cháy, chữa cháy, niên hạn sử dụng phương tiện thủy. Cũng có thể nói, vi phạm Điều 14, Điều 33 Hiến pháp 2013”.

Ông Sơn còn dẫn chứng hàng loạt các quy định của lãnh đạo một số địa phương tạo sân chơi bất bình đẳng, gây khó cho các doanh nghiệp ngoại tỉnh như chuyện “bia tỉnh ta” của Hà Tĩnh, “xi măng tỉnh ta” của Quảng Nam.

Còn nhớ trước đây tại diễn đàn Quốc hội cuối năm 2015 ông Nguyễn Khắc Tâm (Đoàn đại biểu Sóc Trăng) từng nói: “Một cái lắc đầu của ông chủ tịch tỉnh, một cái xua tay của ông giám đốc, thậm chí sự vòi vĩnh của một anh công chức hành chính quèn cũng có thể tước đoạt đi cơ hội làm ăn của doanh nghiệp, của người dân”.

Hình thành những “nhóm lợi ích” để trục lợi

Theo các chuyên gia, điều đáng lo ngại là thực trạng này không chỉ diễn ra ở một vài bộ, ngành, địa phương, mà nó đã lan rộng, có sự cấu kết ở nhiều lĩnh vực, từ cấp cao đến cấp thấp tạo thành những nhóm lợi ích để đục khoét nhà nước, trục lợi cho nhóm của mình.

Nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức T.Ư Nguyễn Đình Hương vạch rõ, “lợi ích nhóm” thực ra là sự câu kết của những cán bộ đương chức thoái hoá, biến chất với những kẻ lợi dụng những người này để có được những chính sách có lợi cho mình. Những bộ phận này sử dụng quyền lực của mình để mưu lợi riêng. Khi có sự hội tụ lợi ích giữa các nhóm có tính thể chế và những nhóm hợp tác thì lập tức một liên minh được hình thành, tạo thành những cụm chính sách, những chùm lợi ích xoay quanh một chính sách mà trong đó các cơ quan hành chính và các nhóm công dân riêng biệt phụ thuộc vào nhau. Các vành đai lợi ích được khoanh vùng, có hàng loạt các vành đai cùng tồn tại tất yếu dẫn đến việc lợi ích công cộng bị xé nhỏ ra.

Còn PGS TS Lê Quốc Lý, Phó giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh lại coi tập hợp của những cá nhân thoái hóa biến chất này là “nhóm lợi ích” trục lợi. “Bản chất đây là một nhóm nhỏ có quyền lực và vị thế nhất định cấu kết với nhau nhằm tác động lên các cơ quan nhà nước để có được các cơ chế, chính sách, pháp luật … có lợi cho mình. Đó có thể là vị thế độc quyền, là các quyền tiếp cận tín dụng, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tiếp cận các hợp đồng của Nhà nước… để mưu cầu lợi ích cho các thành viên trong nhóm, nhưng lợi ích này đi ngược với lợi ích quốc gia, ảnh hưởng không tốt đến lợi ích chính đáng của đại đa số người dân.

Vì thế theo ông Lý, có thể nói chúng là một cấu trúc được vận hành theo kiểu “mafia”, tức là có sự bắt tay trong liên kết hai yếu tố mạnh nhất là tài chính và quyền lực. Trong đó, tài chính như là mũi giáo để tấn công, chiếm đoạt, còn quyền lực như là cái mộc để che chắn, chống đỡ, ngăn cản sự thực thi pháp luật nhằm bảo vệ lợi ích mà họ chiếm được một cách bất chính”.

Không phải ngẫu nhiên mà Trong báo cáo khai mạc Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Sự suy thoái về đạo đức, lối sống thể hiện ở chỗ: sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, tham nhũng, lãng phí; bè phái, cục bộ, mất đoàn kết; phong cách quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân; lối sống xa hoa, hưởng lạc... Trong những biểu hiện đó, cán bộ, đảng viên, nhân dân và dư luận xã hội quan tâm nhiều nhất, bức xúc nhất là tình trạng tham nhũng, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm… ở một bộ phận đảng viên có chức, có quyền”.

"Nhổ đinh" cách nào?

TS Lê Hồng Sơn đã nêu ra hướng xử lý “nhổ” các loại “đinh”, đó là trong quá trình soạn thảo, xây dựng các dự thảo luật cần nghiên cứu, khảo sát mang tính tổng thể; lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động trực tiếp của nội dung dự thảo luật; phát huy cơ chế đa ngành, huy động trí tuệ tập thể, chống đơn tuyến, lợi ích nhóm, lợi ích ngành.

Cần xác định và xử lý trách nhiệm của cơ quan, người ban hành văn bản: xử lý tổ chức, cá nhân ban hành văn bản sai trái; phát huy cơ chế hậu kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các văn bản trái pháp luật; rà soát, kịp thời bãi bỏ những văn bản, quy định trái với các quy định mới hoặc không còn phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội. Đặc biệt là cần phát huy vai trò, trách nhiệm trong tham gia phản biện, đóng góp công sức vào việc phát hiện xử lý, khắc phục “nhổ các loại đinh” của các tổ chức xã hội dân sự và báo chí.

Còn PGS TS Lê Quốc Lý yêu cầu: “Cần đẩy mạnh công khai hóa, minh bạch hóa các hoạt động của các bộ máy công quyền. Bởi lẽ, nếu trong hoạt động của bộ máy công quyền còn nhiều vùng tối, không rõ ràng, thì các “nhóm lợi ích trục lợi” còn có cơ hội hình thành. Kiểm tra thường xuyên, đặc biệt là phải tăng cường kiểm tra chéo các hoạt động công vụ nhằm ngăn chặn khả năng hình thành “lợi ích nhóm”. 

"Quyền hạn phải gắn liền với trách nhiệm một cách rõ ràng, minh bạch, không để trình trạng “cha chung không ai khóc”. Chúng ta lâu nay xây dựng xã hội mà ai cũng là chủ nhưng không ai chịu trách nhiệm. Cơ chế bất cập có khi tạo ra tình trạng lãnh đạo quyền hành thì to, nhưng lại hầu như không phải chịu trách nhiệm trước việc làm của mình”, PGS - TS Lê Quốc Lý nói.