Đầu tiên là việc Liên đoàn Bóng đá Thái Lan (FAT) thông báo, Quốc vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn sẽ có mặt trên khán đài sân Chang Arena theo dõi trận tranh hạng 3 và chung kết King's Cup 2019. Theo đó, tất cả khán giả và nhân viên phục vụ, nhà báo có mặt 2019 đều phải mặc trang phục chỉnh tề để tỏ sự tôn kính đối với Quốc vương. Người dân Thái Lan được khuyến cáo là mặc áo quần màu vàng, còn nhà báo thì được yêu cầu cả trang phục đều phải có tông màu lịch sự, không được son phấn lòe loẹt, tóc tai trang sức dị hợm.
Súng có thể ngắn...
Theo đó, phóng viên nam chỉ được mặc áo sơ mi hoặc áo phông có cổ, quần dài và không được đi dép lê, đội mũ, đeo kính râm… Nếu là phóng viên nữ, ngoài những quy định trên, khi đến sân tác nghiệp có thể mặc váy nhưng phải là váy dài. Mọi người đùa nhau: “Súng (máy ảnh) có thể ngắn, nhưng váy thì phải dài”
Đất nước Thái Lan có nhiều đảng phái khác nhau nhưng bất luận thái độ chính trị như thế nào thì tình cảm của mọi người dân đối với Quốc vương đều giống nhau, đó là lòng yêu quý và tôn kính. Người dân Thái Lan coi Quốc vương chẳng khác nào người cha của cả dân tộc. Phạm húy hoàng gia thậm chí có thể phải ngồi tù.
Sân vận động Chang Arena (tỉnh Buriram, Thái Lan) là nơi ông Park và các học trò có nhiều kỷ niệm vui (ảnh NLĐ)
|
Thế nên trước khi trận chung kết King's Cup 2019 giữa đội tuyển Việt Nam và Curacao diễn ra trên sân Chang Arena, một phóng viên nữ đến từ Curacao do không nắm rõ quy định mặc váy ngắn tiến vào sân. Chị lập tức bị nhân viên an ninh chặn lại và yêu cầu thay trang phục khác, nằn nì thế nào cũng không xong. Rốt cuộc, nữ phóng viên Curacao buộc phải quay ra ngoài mua một chiếc quần dài với giá 200 baht Thái Lan (tương đương 150 ngàn đồng Việt Nam) rồi mới được trở lại sân tác nghiệp.
Phân biệt thẻ phóng viên
Ban tổ chức sân Chang Arena phân biệt rõ phóng viên viết bài, chụp ảnh và quay phim. Chỉ có phóng viên ảnh và quay phim mới được xuống đường piste để tác nghiệp và, phóng viên ảnh chỉ được chụp ảnh ở một số khu vực nhất định và không được quay phim, nếu vi phạm thì ngay lập tức bị Ban tổ chức mời ra khỏi sân.
Rõ ràng đây là quy định “chuẩn quốc tế” và nghiêm ngặt hơn các giải đấu quốc tế được tổ chức tại Việt Nam nhiều. Các nhà báo Việt Nam ban đầu tưởng phía bạn chỉ quy định như vậy cho có, nên khi Đức Huy ghi bàn vào lưới Curacao gỡ hòa, khán giả áo đỏ đứng dậy reo vang, có nhà báo bèn bật máy ảnh sang chế độ quay phim. Chỉ chờ có thế cảnh sát Thái Lan đã lập tức mời nhà báo của chúng ta ra khỏi sân bỏ lỡ cơ hội xem đấu penalty, lý do họ đưa ra rất ngắn gọn: “Ông đã vi phạm quy định của Ban tổ chức giải đấu". Rất đơn giản nhưng cứng rắn!
Lộ rõ cay cú
Mỗi đợt các cầu thủ Curacao dồn lên tấn công, CĐV Thái Lanhò reo cỗ vũ không ngớt như kiểu mình chính là cổ động viên ruột của đội bóng quốc đảo này. (ảnh NLĐ)
|
King's Cup 2019 chỉ diễn ra trong 2 ngày, mỗi ngày đều có 2 trận đấu diễn ra. Vé vào xem cả 2 trận đấu trong cùng 1 ngày có giá trung bình khoảng 500 baht, tương đương 375 ngàn đồng Việt Nam. Khá đông cổ động viên chủ nhà đã đến sân Chang Arena để “tiếp lửa” đội bóng xứ Chùa Vàng tranh hạng 3 với Ấn Độ. Nhưng sau khi trận đấu này kết thúc, đội chủ nhà thua 0-1 thì hơn nửa sân cổ động viên Thái Lan đã trở về nhà hoặc ra ngoài sân vừa uống bia vừa xem trận chung kết qua tivi.
Phần còn lại quay sang cổ động cho đội Curacao thuộc khu vực vùng Caribe thay vì dành tình cảm cho láng giềng Việt Nam, vốn cùng nằm trong khu vực Đông Nam Á. Mỗi đợt các cầu thủ Curacao dồn lên tấn công, họ hò reo cỗ vũ không ngớt như kiểu mình chính là cổ động viên ruột của đội bóng quốc đảo này.
Mỗi khi cầu thủ đội tuyển Curacao thực hiện thành công quả sút luân lưu vào lưới Việt Nam ở trận chung kết, họ reo vui, vỗ tay ầm ĩ. Khi tiền đạo Nguyễn Công Phượng sút hỏng trong loạt đá luân lưu họ hân hoan hệt như Thái Lan vô địch đến nơi. Nên sau khi sút thành công quả penalty, đội trưởng đội tuyển Việt Nam tiến đến phía cổ động viên xứ Chùa Vàng, đưa tay lên môi, ngầm nói: “Hãy im lặng mà xem chúng tôi sút phạt”.
Lún sâu vào thất bại
Ở khu vực Đông Nam Á, từ lâu, bóng đá Thái Lan và Việt Nam ở mọi cấp độ đội tuyển đã được coi là “đại kình địch”, “đối thủ truyền kiếp”. Lâu nay, có vô địch hay không có khi không quan trọng bằng việc thắng- thua nhau trong các tận đấu đầu trực tiếp. Chính bởi vậy, khi thất bại trước Việt Nam ở Kings Cup 2019, người Thái đã tỏ ra hết sức cay cú.
Anh Trần Song Hải, PCT Hội CĐV Việt Nam thân thiện với các bạn Thái Lan (ảnh NV cung cấp)
|
Cổ động viên Thái Lan có tên Sawang Bantoa thành thật chia sẻ với nhà báo Việt Nam: “Thời gian gần đây, bóng đá Thái Lan từng thất bại trước Ấn Độ và Việt Nam ở nhiều cấp độ đội tuyển. Bởi vậy, Kings Cup 2019 là cơ hội rất tốt để chúng tôi đòi lại món nợ này. Nhưng không ngờ, mọi chuyện càng tệ thêm”.
Nhưng ông vẫn thòng thêm: “Thất bại chung cuộc của Thái Lan tại Kings Cup 2019 nói chung và trận thua trước Việt Nam nói riêng là nỗi xấu hổ khó quên đối với người hâm mộ bóng đá đất nước chúng tôi. Mong một ngày gần nhất, đội tuyển Thái Lan sẽ trả được món nợ này trước Việt Nam”.
Càng cay cú bóng đá Thái Lan càng lún sâu vào thất bại, họ đang trải qua những ngày u ám thực sự. ĐTQG nam của họ thua toàn tâp tại King’s Cup 2019, trong đó có trận thua 0-1 trước đại kình địch đội tuyển Việt Nam. Ngay sau đó, U23 Thái Lan cũng thất bại 0-1 trước U23 Singapore ở chung kết Merlion Cup 2019. Tới tối ngày 11/6 vừa qua, thêm một cú sốc nữa đến với NHM Thái Lan, khi đội tuyển nữ của họ thất bại kinh hoàng 0-13 trước đội tuyển nữ Mỹ. Đây là trận thua có cách biệt lớn nhất tại World Cup của cả nam và nữ. Nó đã vượt qua chiến thắng 11-0 của Đức trước Argentina vào năm 2007. Bóng đá Thái Lan đang tụt dốc không phanh ở tất cả các cấp độ đội tuyển nam và nữ.