Người Thái bắt đầu xóa tên Metro, đổi thành MM Mega Market

VietTimes --  Mua lại Metro chưa đầy 1 năm, Tập đoàn TCC của Thái Lan đã bắt đầu thay biển hiệu của 1 chi nhánh Metro ở Quận 2, TP.HCM. Theo đó, biển hiệu Siêu thị Metro An Phú đang được tháo dỡ, thay vào đó bằng tên MM Mega Market
Biển hiệu Siêu thị Metro An Phú tại quận 2, TP.HCM đang được tháo dỡ, thay vào đó bằng tên MM Mega Market
Biển hiệu Siêu thị Metro An Phú tại quận 2, TP.HCM đang được tháo dỡ, thay vào đó bằng tên MM Mega Market

Hiện, một số khu vực bên trong siêu thị cũng đang được sắp xếp, bố trí khác với trước đây. Trước đó, theo thông cáo báo chí về việc hoàn tất thương vụ chuyển nhượng Metro Việt Nam, Tập đoàn TCC cho biết sẽ tiếp tục giữ nguyên tên và các mục tiêu phát triển, sản phẩm, dịch vụ như trước đây nhằm đáp ứng nhu cầu của hơn một triệu khách hàng tại thị trường Việt Nam.

Ngoài ra, TCC hiện đã thay đổi tên website của Metro. Trên trang giới thiệu của Metro (nay đã trở thành Mega Market) ghi rõ "Hiện nay, MEGA MARKET VIỆT NAM (tên cũ là METRO Cash & Carry Việt Nam) đã có tất cả 19 trung tâm bán sỉ đang hoạt động trên toàn quốc..." 

Như vậy, việc thay đổi tên website và biển hiệu của Metro An Phú là bước đi đầu tiên của TCC trong việc xóa bỏ hoàn toàn thương hiệu Metro khỏi Việt Nam.

Được biết, Tập đoàn TCC đã mua lại chuỗi siêu thị bán lẻ Metro Việt Nam từ công ty mẹ của Metro ở Đức với giá 655 triệu euro (875 triệu USD).

Metro khởi sự kinh doanh ở Việt Nam từ năm 2002, khi Việt Nam chưa chính thức mở cửa thị trường phân phối cho nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt là trong lĩnh vực bán lẻ. Để được phép mở đến tám trung tâm ở các thành phố lớn của Việt Nam, Metro đã đăng ký mở chuỗi siêu thị bán sỉ, cam kết không cạnh tranh trực tiếp với nhà bán lẻ trong nước và mang lại nhiều sự hỗ trợ cho các nhà cung cấp địa phương. Trên thực tế, hệ thống bán sỉ này cũng ngấm ngầm bán lẻ.

Trước khi sang tay người Thái, Metro đã  có tới 19 trung tâm phân phối trên cả nước với hơn 3.300 nhân viên, hai trung tâm trung chuyển hàng rau quả và cá tươi, tất cả đều dưới hình thức 100% vốn đầu tư nước ngoài - điều mà chưa có nhà phân phối nước ngoài nào khác làm được, nhất là các nhà bán lẻ bị “vướng” quy định về thẩm định nhu cầu kinh tế khu vực (ENT) đối với việc mở trung tâm bán lẻ thứ hai. Hầu hết các trung tâm phân phối của Metro ở Việt Nam có vị trí ở các cửa ngõ ra vào các thành phố lớn, có quy mô lớn, hiện đại và đồng nhất. Đó là niềm ao ước của bất kỳ một nhà phân phối nào.