Người dân châu Âu “quay cuồng” với lạm phát

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Thay vì tự lái xe đi làm, giờ không ít người dân Pháp chấp nhận chia sẻ chặng đường với người khác để giảm chi phí xăng dầu. Hàng hóa được áp dụng “mẹo” đóng gói bao bì khi giảm khối lượng bên trong nhưng giữ nguyên giá...
Những mặt hàng phải nhập khẩu từ châu Á, đặc biệt là Trung Quốc hay các nước Đông Nam Á thì không những giá tăng mà còn bị tình trạng khan hiếm hàng.
Những mặt hàng phải nhập khẩu từ châu Á, đặc biệt là Trung Quốc hay các nước Đông Nam Á thì không những giá tăng mà còn bị tình trạng khan hiếm hàng.

Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu vừa mới được công bố của Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy viễn cảnh khá u ám với tăng trưởng chậm lại và sức ép lớn của lạm phát.

Những tháng vừa qua, nhiều nền kinh tế đã trải qua mức lạm phát kỷ lục, lặp lại lịch sử sau hàng chục năm. Ảnh hưởng của lạm phát đến đời sống của tầng lớp có thu nhập thấp và vừa là lớn nhất, dù ở nước giàu hay nghèo.

CHOÁNG VỚI GIÁ CẢ ĐI LÊN THANG MÁY

Mặc dù số liệu thống kê chính thức của chính phủ Pháp cho thấy lạm phát tháng 5/2022 là 5,2%, tháng 4/2022 là 4,8%, và tháng 3/2022 là 4,5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng giá của nhiều mặt hàng đã tăng đến mức gây rát túi tiền của người dân. Trong số này, phải kể đến nhóm xăng dầu, thực phẩm, và những mặt hàng có liên quan đến nhập khẩu từ châu Á.

Giá xăng SP95 mới đây tại Pháp đã vượt qua mốc 2euros/lít, tăng gần 25% so với hồi đầu năm. Trong khi đó, giá dầu Diesel cũng tăng ở mức tương tự, sắp cán mốc 2euros/lít. Giá xăng dầu tăng cũng đã khiến cho giá vé các phương tiện giao thông công cộng tăng hoặc phải sẽ tăng trong thời gian tới. Với những người phải di chuyển nhiều bằng phương tiện cá nhân hằng ngày thì cảm nhận rất rõ túi tiền của mình bị bốc hơi nhanh. Một số thợ sữa chửa điện, nước, nhà cửa đã phải giới hạn khách hàng trong bán kính di chuyển, hoặc yêu cầu khách hàng trả thêm phụ phí.

Các mặt hàng lương thực thực phẩm cơ bản cũng tăng chóng mặt. Số liệu trong tháng 4/2022 cho thấy giá các mặt hàng như bột mì, các loại mì (pâtes), dầu ăn, thịt đông lạnh đã tăng 10%-20%. Giá bán của thực phẩm chế biến sẵn ăn nhanh còn tăng cao hơn: bánh mì kẹp thịt hay hamburger tăng 25%-30%.

Còn đối với những mặt hàng phải nhập khẩu từ châu Á, đặc biệt là Trung Quốc hay các nước Đông Nam Á thì không những giá tăng mà còn bị tình trạng khan hiếm hàng.

Người dân Pháp rất thích các sản phẩm trang trí nhà cửa, các thiết bị dụng cụ làm vườn và ngân sách chi tiêu dành cho các khoản này cũng đáng kể. Tuy nhiên, nguyên liệu tăng giá như gỗ, nhôm, và gián đoạn chuỗi cung ứng đã khiến một số mặt hàng tăng giá đến 50% hoặc hơn.

NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP TÌM CÁCH THÍCH ỨNG

Giá cả tăng nhanh nhưng tiền lương không thể tăng theo kịp đã khiến cho sức mua của nhiều người dân và hộ gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều người đã phải xoay sở mọi cách để thích ứng với sức mua bị suy giảm mạnh.

Các ứng dụng chia sẻ chuyến đi, so sánh trạm xăng dầu nào có giá rẻ nhất có số lượng người dùng tăng vọt trong những tháng qua. Thay vì tự lái xe đi làm, có sự thoải mái và riêng tư thì bây giờ không ít người dân Pháp chia sẻ chặng đường đi làm của mình với người khác để giảm chi phí xăng dầu.

Nhiều người trước đây hay mua các sản phẩm hữu cơ (Bio) thì bây giờ chuyển sang các sản phẩm đại trà, hoặc thậm chí chuyển sang các siêu thị giá rẻ. Số lượng các siêu thị Bio đóng cửa những tháng qua là đáng kể và thay vào đó là những chuỗi siêu thị giá rẻ. Người tiêu dùng cũng để ý nhiều hơn các chương trình khuyến mãi giảm giá, tiêu thụ ít hơn và rất để ý đến chuyện lãng phí lương thực thực phẩm.

Về phía các doanh nghiệp, một số chấp nhận giảm biên lợi nhuận của mình để chia sẻ với khách hàng nhưng cũng có một số chuyển phần chi phí tăng qua khách hàng, hoặc thậm chí dùng các thủ thuật đóng gói bao bì để khiến cho khách hàng không cảm thấy giá cả tăng.

OECD nâng dự báo lạm phát tại các nước thành viên.
OECD nâng dự báo lạm phát tại các nước thành viên.

Chẳng hạn một sản phẩm sẽ giữ nguyên giá nhưng thay vì trước đây đóng gói là 900gr thì nay chỉ còn 750gr, có những mặt hàng trước đây bán theo kg như trái cây nhưng bây giờ được bán theo trái, theo lô.

Để tránh rủi ro trong việc giá cả tăng, nhiều doanh nghiệp đã thay đổi thời hạn báo giá có hiệu lực. Nếu như trước đây một báo giá có thời hạn 3 tháng thì bây giờ hiệu lực chỉ còn có 1 tháng, và nếu giá tăng thì sẽ phải cập nhật giá mới. Có những người sửa chữa nhà, ngân sách đã bị đội lên rất nhiều vì giá nguyên vật liệu tăng.

XOA DỊU CỦA CHÍNH PHỦ

Giá cả tăng khiến cuộc sống của một bộ phận dân cư gặp nhiều khó khăn, và thời gian qua ở Pháp cũng đã có một số cuộc biểu tình vì vấn đề này. Chính phủ đã cố gắng hỗ trợ bằng cách hỗ trợ giá xăng dầu cho một số nhóm bị ảnh hưởng nhiều, và mới đây là trợ giá cho tất cả. Những người có thu nhập thấp, thuộc diện nhận trợ cấp xã hội thì sắp tới đây sẽ nhận được những chi phiếu mua lương thực thực phẩm.

Vì lạm phát luôn bị ảnh hưởng một phần do tâm lý nên chính phủ cũng thực hiện việc tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp hiểu hơn, cũng như ủng hộ các chính sách của chính phủ. Chẳng hạn như trên các kênh thông tin chính thống, chính phủ gửi thông điệp đến với người dân rằng tỷ lệ lạm phát chung là như vậy nhưng mỗi người, mỗi hộ gia đình sẽ có mức lạm phát khác nhau, sẽ có người thấy “lạm phát thực” cao hơn, nhưng cũng có người thấy thấp hơn vì tỷ trọng chi tiêu trong tổng thu nhập cho các hàng hóa dịch vụ là khác nhau.

Bên cạnh chính sách hỗ trợ giá xăng dầu, chi phiếu thực phẩm thì chính phủ Pháp cũng đã tăng lương cơ bản từ ngày 1/5, và sắp tới có khả năng sẽ giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) để cải thiện sức mua của người tiêu dùng.

Tuy vậy, để giải quyết được vấn đề lạm phát, một nước thành viên EU như Pháp còn phải phụ thuộc vào chính sách của Ngân hàng Trung Ương ECB, cũng như sự phối hợp chính sách tài khóa giữa các nước. Nhưng quan trọng hơn hết lạm phát trên thế giới vẫn phụ thuộc vào 2 ẩn số chính là chiến tranh Nga-Ukraine, và chuỗi cung ứng toàn cầu, bắt nguồn từ Trung Quốc.

Người dân Pháp nói riêng và ở nhiều nước khác nói chung sẽ phải quen dần với giá cả cao trong thời gian tới, có thể 1-2 năm, và hy vọng rằng lạm phát đã đến đỉnh và sẽ đi ngang và giảm dần sau đó. Trong thời gian này, nếu thu nhập không được cải thiện đáng kể thì chỉ có cách thích nghi và tạo ra những thói quen chi tiêu mới: thực hành tiết kiệm hơn.

(*) Giảng viên Đại học Kinh tế Tp.HCM, IPAG Business School (Paris), AVSE Global. Tác giả đang sinh sống và làm việc tại Pháp.

Theo VnEconomy