Trách nhiệm phát ngôn trên MXH:

Ngôi nhà không cửa mang tên “mạng xã hội” và trách nhiệm phát ngôn của nhà báo

VietTimes – Ví mạng xã hội (MXH) như một ngôi nhà không cửa, TS. Phạm Hải Chung cho rằng nhà báo mang những kì vọng nhất định từ xã hội và có trách nhiệm đối với cộng đồng qua những phát ngôn và thông tin mà họ đưa ra.

Đó là trao đổi của TS. Phạm Hải Chung - Giảng viên, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, trong cuộc trao đổi riêng với VietTimes về trách nhiệm của nhà báo, người nổi tiếng khi phát ngôn trên MXH.

MXH ngày càng phát triển và tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội, mọi công dân đều có quyền tự do ngôn luận khi bày tỏ quan điểm công khai. Tuy nhiên, chính điều đó đã gây nên mặt trái khi tạo nên quá nhiều luồng thông tin, ảnh hưởng tới dư luận xã hội và tâm lý của cộng đồng. Lúc này, báo chí, những người nổi tiếng đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng và phản biện xã hội.

MXH là công cụ đắc lực của nhà báo

- MXH đã mang đến những sự thay đổi rõ rệt trong cách người dân tiếp cận thông tin, nhờ tốc độ lan truyền nhanh đến “chóng mặt”. Xét trên góc độ nghiên cứu truyền thông, xin bà phân tích vai trò định hướng truyền thông của báo chí trong bối cảnh nhiều luồng thông tin như hiện nay? Trách nhiệm của mỗi nhà báo, người nổi tiếng cần được thể hiện thế nào khi phát ngôn trên MXH?

TS. Phạm Hải Chung: Không ai có thể phủ nhận vai trò của MXH cũng như Internet ngày nay. Người dùng chỉ cần có chiếc điện thoại kết nối internet cũng có thể trở thành “tổng biên tập” của chính mình, ai cũng có thể tạo ra nội dung, thời đại của chúng ta là thời đại của người dùng tạo ra nội dung (user – generated content). Điều này gây áp lực không nhỏ dành cho báo chí khi tìm cách thu hút sự chú ý của công chúng.

Theo Pew Research Center, 62% người trưởng thành ở Mỹ đọc tin qua MXH, và đây là xu hướng không thể phủ nhận ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trung bình, người Việt Nam dành gần 3 giờ mỗi ngày trên MXH. Tuy nhiên, báo chí vẫn đóng vai trò quan trọng dựa trên tầm ảnh hưởng và trách nhiệm đưa những thông tin xác thực, đã được kiểm chứng.

Tất nhiên, báo chí không thể cập nhật sự kiện nhanh như “nhà báo công dân” có mặt ở hiện trường. Tuy nhiên, nguồn tin đáng tin cậy thì thường chỉ có trên báo chí chính thống. Vì vậy, nhà báo cũng sẽ có vai trò “không thể thay thế” trong xã hội hiện đại thông qua các thông tin trung thực và mang tính khách quan.

Báo chí luôn có chức năng giám sát xã hội. Do đó, những người có ảnh hưởng trong xã hội gồm nhà báo cũng có lượng công chúng nhất định. Nhà báo có những kì vọng nhất định từ xã hội và có trách nhiệm nhất định đối với cộng đồng qua những phát ngôn và thông tin mà họ đưa ra.

- Lâu nay vẫn có tình trạng nhiều nhà báo viết báo một đằng nhưng cũng cùng nội dung ấy lại đăng MXH một nẻo. Liên quan việc này, Hội Nhà báo Việt Nam quy định trong 10 điều đạo đức nghề nghiệp người làm báo rằng nhà báo phải “chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia MXH và các phương tiện truyền thông khác”. Bà có bình luận như thế nào về việc này?

TS. Phạm Hải Chung: Phát ngôn của nhà báo phải tuân thủ quy định, tránh xung đột với quan điểm tòa soạn hoặc các hãng thông tấn. Vì danh tính của nhà báo được định danh trên MXH sẽ ảnh hưởng rất lớn tới thương hiệu tòa soạn, các hãng thông tấn có các quy định nghiêm ngặt về hành xử của nhà báo trên MXH. Chúng ta có thể tham khảo các bộ quy tắc ứng xử dành cho nhà báo trên MXH của các hãng thông tấn lớn trên thế giới để thấy rõ điều này.

Khi MXH xuất hiện, chính các hãng thông tấn lớn trên thế giới đã có bộ quy tắc hành xử trên MXH đối với nhà báo. Cụ thể, nhà báo mở tài khoản định danh trên MXH dưới danh nghĩa phóng viên phải tuân thủ tất cả phát ngôn, định hướng của tòa soạn. Còn khi mở tài khoản với vai trò cá nhân thì đó là quyền của mỗi người, nhưng phải tuân thủ rằng khi đã “định danh” nhà báo trên MXH thì phải ứng xử chuẩn mực.

MXH là công cụ đắc lực giúp nhà báo cập nhật thông tin, tìm kiếm và kiếm chứng nguồn tin cũng như kết nối và theo dõi phản hồi từ công chúng. Thế nhưng, không có nghĩa là họ có thể nói những điều trái với tôn chỉ, mục đích hay chuẩn mực của tòa soạn và vi phạm đạo đức của nhà báo.

Ý thức về “dấu tích số”

Nhiều ý kiến cho rằng chưa kể các nhà báo, người nổi tiếng mà ngay cán bộ, công chức, viên chức nhà nước cũng phải tuân thủ các quy tắc ứng xử trên mạng xã hội.
Nhiều ý kiến cho rằng chưa kể các nhà báo, người nổi tiếng mà ngay cán bộ, công chức, viên chức nhà nước cũng phải tuân thủ các quy tắc ứng xử trên MXH.

- Trong bối cảnh thông tin thật - giả lẫn lộn trên MXH hiện nay, qua các nghiên cứu, xin TS. cho biết thế giới đã sử dụng những biện pháp nào để kiểm duyệt thông tin trên MXH và bảo vệ người dùng khỏi những thông tin xấu, độc?

TS. Phạm Hải Chung: Không khó để thấy, sự thật, một nửa sự thật và tin giả trên Internet luôn xuất hiện đan xen với nhau. Chúng rất khó phân biệt bởi phụ thuộc vào nhiều yếu tố, gồm năng lực kiểm chứng của hãng thông tấn, chính sách kiểm duyệt của mỗi quốc gia, nền tảng thậm chí là nền giáo dục.

Ở nhiều nước phát triển, học sinh cấp 2 được học bộ môn năng lực truyền thông, được tận dụng phương tiện trên Internet để học cách phản biện thông tin, tạo ra giá trị nhân văn và xây dựng văn hóa ứng xử trên mạng.

Bên cạnh đó là sự tồn tại của phát ngôn thù ghét (hate speech) trên MXH. Tại một số quốc gia, thiếu niên 13 tuổi bắt đầu dùng MXH sẽ được hệ thống giáo dục hướng dẫn rõ ràng về ý thức, biểu tượng “dấu tích số” và bảo mật thông tin cá nhân. Bản thân người chia sẻ thông tin phải biết cách phòng vệ để tránh bị lôi kéo bởi phát ngôn thù địch.

- Ngoài trách nhiệm cá nhân, các nhà cung cấp nền tảng có trách nhiệm thế nào? Việc can thiệp bằng pháp luật đối với các trường hợp tung tin bôi nhọ, hạ danh dự hay thông tin xấu độc nói chung có phổ biến không, thưa TS.?

TS. Phạm Hải Chung: Nhà cung cấp nền tảng cũng phải có trách nhiệm ngăn chặn phát ngôn thù địch. Năm 2016, Liên minh Châu Âu (EU) đã ký kết thỏa thuận với 4 nhà cung cấp nền tảng quy định những phát ngôn gây thù ghét liên quan đến phân biệt sắc tộc, giới tính và nội dung phản cảm bị cộng đồng báo cáo phải gỡ nhanh chóng.

Khi các biện pháp kể trên không thể giải quyết được vấn đề, nạn nhân của các phát ngôn gây thù địch có thể nhờ tới pháp luật. Nhiều quốc gia phát triển đã ban hành những điều luật bảo vệ người dùng khi bị tổn hại danh dự trên MXH. Ở Việt Nam, các cơ quan chức năng cũng có quy định bảo vệ người dùng thông qua luật An ninh mạng.

Nhìn chung, tất cả đều có thể hạn chế thông qua hệ thống giáo dục và khả năng thực thi nghĩa vụ của mỗi nền tảng.

- Là một người có tầm ảnh hưởng trong giới truyền thông, với các sinh viên, học viên, mỗi bài đăng trên trang cá nhân của bà đều thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng. Vậy xin bà bật mí, có điều gì tự lưu ý với chính mình mỗi khi đưa thông tin trên MXH?

TS. Phạm Hải Chung: Đối với bản thân, tôi luôn ý thức khi mở một tài khoản trên các MXH khác nhau. Điều đầu tiên là tôi đọc hết tất cả tiêu chuẩn cộng đồng của nhà cung cấp. Cùng với đó, tôi tìm hiểu phần cài đặt quyền riêng tư để bảo vệ thông tin cá nhân.

Ngoài ra, MXH được coi như ngôi nhà không cửa, không khóa và ai cũng có thể tìm hiểu. Do đó, ý thức về mục đích sử dụng MXH là yếu tố quan trọng, đặc biệt đối với mọi người và đặc biệt là những người có ảnh hưởng tới cộng đồng.

- Xin cảm ơn Tiến sĩ!

Bà Phạm Hải Chung tốt nghiệp tiến sĩ chuyên ngành Truyền thông tại Đại học Tổng hợp Bournemouth, Vương quốc Anh. Tiến sĩ hiện giảng dạy các môn Lý thuyết truyền thông hiện đại, Truyền thông Tiếp thị Tích hợp (IMC), Nghiên cứu và đánh giá trong quan hệ công chúng, Truyền thông liên văn hóa (ICC). Bà Hải Chung quan tâm các xu hướng phát triển trong truyền thông hiện đại, các yếu tố văn hóa trong hoạt động truyền thông và các phương pháp mới trong nghiên cứu truyền thông, đặc biệt từ góc độ tâm lý.