Lãnh đạo TPBank giới thiệu với Thủ tướng Phạm Minh Chính một số công nghệ ngân hàng số tại gian hàng triển lãm - Ảnh:VGP/HT |
Ngành 'huyết mạch' chuyển đổi số tạo động lực chung
Tại sự kiện Chuyển đổi số ngành ngân hàng, do NHNN tổ chức ngày 4/8 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phân tích: Ngành ngân hàng là ngành đầu tiên có ngày chuyển đổi số của ngành (11/5), luôn tiên phong trong việc áp dụng công nghệ mới để đổi mới ngành. Ngành ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế, do đó, nếu ngành chuyển đổi số nhanh sẽ thúc đẩy cả nước chuyển đổi số nhanh.
Chuyển đổi số chuyển trọng tâm từ chính quyền sang người dân, từ tổ chức sang nhân viên, từ doanh nghiệp sang khách hàng. CNTT chỉ tập trung vào mang lại giá trị cho nhà quản lý nhiều hơn, phục vụ cho nhà quản lý. Chuyển đổi số tập trung mang lại giá trị cho người dùng, cho khách hàng, cho người dân; lấy người dân làm trung tâm; lấy người dùng, người sử dụng làm trung tâm. "Bộ TT&TT sẽ đồng hành cùng ngành ngân hàng trong hành trình chuyển đổi số", người đứng đầu ngành TT&TT nói.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết: Ngân hàng là ngành đầu tiên ban hành Kế hoạch chuyển đổi số, với mục tiêu rõ ràng: Nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên kênh số; có doanh thu từ kênh số đạt trên 30%; số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số... Đặc biệt, các dịch vụ thanh toán số hóa 100%, còn về giải ngân cho vay của các ông ty tài chính với các khoản cho vay nhỏ lẻ lên tới 70%.
Về khuôn khổ pháp lý, NHNN đã ban hành Thông tư hướng dẫn mở tài khoản thanh toán, phát hành thẻ bằng phương thức điện tử (eKYC); hoàn thiện Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt; hoàn thiện Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (Sandbox); ban hành, thực hiện các tiêu chuẩn chung (QR Code, tiêu chuẩn thẻ chip); ban hành các quy định về an toàn, bảo mật thông tin trong hoạt động ngân hàng...
Về hạ tầng cho chuyển đổi số, cách đây 5 năm, một ngày có 50.000 giao dịch ngân hàng, hiện nay con số đã lên tới 8 triệu giao dịch/ngày. Giá trị giao dịch lên tới 900.000 tỷ đồng/ngày, tương đương với hơn 40 tỷ USD giao dịch qua ngân hàng. Các ngân hàng, trung gian thanh toán được kết nối liên thông, với thời gian giao dịch tính bằng giây…
Về ứng dụng công nghệ, ngành ngân hàng đang triển khai các ứng dụng Bigdata, AI, Cloud computing... Đến nay, ngân hàng đang hướng vào triển khai công nghệ API, OPENbanking kết nối mở rộng hệ sinh thái cung ứng dịch vụ. Đáng chú ý, nhờ chuyển đổi số, chỉ số chi phí/doanh thu giảm 30-40%, giúp các ngân hàng tiết giảm chi phí, từ đó không thu phí chuyển tiền...
Nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết, NHNN phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an thường xuyên phối hợp kiểm tra rà soát các lỗ hổng bảo mật. "Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm đến chú ý vấn đề này trong chuyển đổi số. Do đó, đề nghị các ngân hàng quan tâm đầu tư hơn nữa an ninh an toàn", ông Phạm Tiến Dũng lưu ý.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng đề nghị các ngân hàng quan tâm đầu tư hơn nữa an ninh an toàn trong chuyển đổi số - Ảnh:VGP/Nhật Bắc |
Mở rộng kết nối đồng bộ, lấy khách hàng làm trung tâm
Về định hướng thời gian tới, NHNN sẽ triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại Chiến lược chuyển đổi số quốc gia (QĐ 749/QĐ-TTg), Đề án phát triển TTKDTM (QĐ 1813/QĐ-TTg), Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư (Quyết định 06/QĐ-TTg).
Ngân hàng sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, khung khổ pháp lý như: Luật Các tổ chức tín dụng, Luật NHNN, Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (Sandbox)…
Ngành ngân hàng chú trọng triển khai Đề án 06: Tập trung vào kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư hệ thống định danh và xác thực điện tử phục vụ công tác quản lý Nhà nước và cung ứng dịch vụ trên môi trường điện tử.
Lãnh đạo NHNN đề nghị, việc phát triển dịch vụ ngân hàng số phục vụ người dân đi đôi với bảo đảm an ninh. Đặc biệt cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục tài chính, phổ cập kiến thức tài chính cho người dân.
"Hiện nay NHNN xin ý kiến sửa Thông tư 39, trong đó cho vay trên nền tảng số. Mong các đơn vị góp ý triển khai. Sự có mặt của lãnh đạo Chính phủ là niềm động viên tạo cảm hứng lớn cho những người làm CNTT ngân hàng tiếp tục hướng tới các thành tựu mới", Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng nói.
Chia sẻ tại sự kiện, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cho biết, các ngân hàng cũng đứng trước thách thức phải mở rộng hệ sinh thái, áp lực chuyển đối, kết nối nhiều hơn. TPBank xây dựng hệ sinh thái thanh toán cung cấp hơn 2.000 sản phẩm và dịch, bởi 50 đối tác. Số lượng giao dịch thanh toán vào tháng 6/2022 tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 600.000 giao dịch/tháng.
Mặc dù ngân hàng hầu như vượt các chỉ tiêu về chuyển đổi số mà NHNN đề ra, nhưng ông Nguyễn Hưng vẫn khẳng định quyết tâm sẽ tiếp tục triển khai chuyển đổi số toàn diện hơn nữa vì "nhờ chuyển đổi số, chi phí được tiết giảm và cũng làm cho hoạt động của ngân hàng đạt hiệu quả cao hơn".
Còn Phó Tổng Giám đốc BIDV Nguyễn Thị Quỳnh Giao chia sẻ: BIDV xác định rất rõ và có chiến lược chuyển đổi số cụ thể và bài bản, lựa chọn khách hàng làm trung tâm. Ngành ngân hàng đã được hỗ trợ và phối hợp rất chặt chẽ của Bộ Công an để triển khai và tích hợp các dữ liệu trên căn cước công dân điện tử với các ứng dụng của ngân hàng để đem đến trải nghiệm số tốt nhất cho người dân. Một người dân thông thường có thể mở một tài khoản và thực hiện các giao dịch tài chính của mình chỉ bằng một chạm và trên một ứng dụng duy nhất của BIDV Smartbanking. Đồng thời có thể sử dụng thẻ căn cước công dân tại tất cả các ATM của BIDV để thực hiện nộp tiền mặt và rút tiền mặt.
BIDV cũng là ngân hàng tiên phong trong triển khai dịch vụ thanh toán trực tuyến dịch vụ công cấp độ 3, 4 và tập trung vào hai nhóm nội dung chính. Thứ nhất là đã có hàng nghìn loại phí, lệ phí dịch vụ công người dân có thể thanh toán trực tuyến bằng đăng nhập duy nhất trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và có thể thanh toán trên hệ thống thanh toán của BIDV. Bên cạnh đó, BIDV cũng phối hợp với Tổng cục Thuế xây dựng các tính năng kết nối giữa tài khoản thuế của người dân với tài khoản của ngân hàng một lần duy nhất để thực hiện các giao dịch thuế…
Đại diện BIDV cho biết thêm, tốc độ tăng trưởng của số lượng khách hàng theo cấp số nhân qua các năm. Khi ứng dụng giải pháp eKYC số lượng khách hàng mở tài khoản số BIDV thành công lên đến 2 triệu khách hàng.
"Thông qua hành trình đó cùng với những chỉ đạo rõ ràng, quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, của NHNN thì hệ thống ngân hàng sẽ đóng vai trò chủ lực trong việc lan tỏa cách thức sử dụng các kênh số và dịch vụ số tới người dân một cách chi tiết", đại diện BIDV nhận định.
Tại sự kiện Chuyển đổi số ngành ngân hàng, một số đơn vị tiêu biểu gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, Techcombank, Nam Á, Napas đã tham gia trình diễn demo công nghệ, như mở tài khoản, phát hành thẻ eKYC trên cơ sở kết nối căn cước công dân gắn chip, hoặc kết nối, sử dụng tài khoản định danh xác thực điện tử, thanh toán bằng mã QR,...
Về lĩnh vực thanh toán, Napas đã giới thiệu tại sự kiện tiêu chuẩn VietQR và phương thức thanh toán/chuyển tiền bằng mã VietQR do Napas phối hợp các ngân hàng triển khai. Việc ra mắt tiêu chuẩn VietQR tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở của mã QR do NHNN ban hành và tiêu chuẩn thanh toán QR của EMV Co. mang ý nghĩa tạo sự liên thông và đồng bộ của hạ tầng thanh toán qua QR code trong lãnh thổ Việt Nam, cũng như mở rộng liên kết thanh toán quốc tế.
Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, Chiến lược chuyển đổi số quốc gia định hướng đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, đạt được sự đổi mới căn bản, toàn diện cả ở hoạt động quản lý của cơ quan Nhà nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và phương thức sống, làm việc của người dân.
Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và Chiến lược chuyển đổi số quốc gia xác định ngân hàng là một trong số các ngành, lĩnh vực có mức độ sẵn sàng cao, có ảnh hưởng hàng ngày tới người dân, cần ưu tiên chuyển đổi số trước.
"Điều này thể hiện sự tin tưởng và cũng là trọng trách lớn lao mà Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho ngành ngân hàng", bà Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Theo Báo Chính phủ