Gần sáu năm trước, cô Shirin Hamid gia nhập Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) với tư cách là Giám đốc Công nghệ thông tin (CIO). ADB là một ngân hàng phát triển khu vực được thành lập năm 1966, có trụ sở chính tại Philippines, cam kết đạt được sự thịnh vượng, đồng đều, linh hoạt và bền vững, bao gồm các nỗ lực xóa đói giảm nghèo khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Cô Shirin Hamid, CIO Ngân Hàng Phát triển Châu Á ADB |
Trước khi gia nhập ngân hàng, Hamid đã làm việc cho Chương trình Phát triển Liên hợp quốc trong vòng 11 năm. Vốn đến từ Singapore, cô ấy yêu thích công việc phát triển và đã sớm nhận thức được những tác động mà công nghệ có thể mang lại và cách nó tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của mọi người.
Trong vòng 6 tháng, cô và nhóm của mình đã lên kế hoạch để tạo ra một chiến lược cho các cải cách IT của ADB, với tổng cộng 14 chương trình. Nhóm cũng đưa ra 10 trường hợp kinh doanh, theo sau đó là 4 phụ lục kinh doanh bổ sung.
Ra mắt sandbox - công cụ chuyển đổi số của ADB
Chương trình Nghị sự Kỹ thuật số 2030 (Digital Agenda 2030) là kế hoạch chi tiết cung cấp tầm nhìn và lộ trình phát triển cho quá trình chuyển đổi số tại ADB thông qua việc sử dụng các hệ thống thông tin công nghệ hiện đại, an toàn và các quy trình kỹ thuật số nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu suất và sự linh hoạt.
Năm 2017, Hamid bắt tay vào thực hiện chương trình này, điều chỉnh chiến lược IT đồng nhất với chiến lược chung của ngân hàng. Cô bắt đầu bằng 3 phương pháp thống kê tiếp cận để giải quyết thách thức mới này: đảm bảo rằng hệ thống tiếp tục hoạt động, ngay cả khi nó không đạt được nhiều tiến bộ, phát triển tổ chức và “kiểm chứng tương lai” (future-proofing - quá trình dự đoán tương lai và phát triển các phương pháp giảm thiểu tác động của những cú sốc và căng thẳng của các sự kiện trong tương lai).
Cô cho biết có tất cả 6 chương trình nhỏ tập trung vào vận hành; dịch vụ tài chính, dịch vụ hành chính và doanh nghiệp; văn phòng kỹ thuật số và dữ liệu kết nối; kích hoạt xương sống kỹ thuật số (digital backbone); đổi mới kỹ thuật số sandbox.
Như là một phần của Chương trình Nghị sự Kỹ thuật số “kiểm chứng tương lai” của ngân hàng, Hamid đã thiết lập các sandbox (một kỹ thuật giúp cô lập các ứng dụng, giúp bảo vệ và không cho các phần mềm độc hại xâm nhập vào máy tính, điện thoại để hạn chế hỏng hệ thống máy hoặc rò rỉ các thông tin cá nhân) dành riêng cố định cho hệ thống công nghệ tại ngân hàng, với mục tiêu hàng đầu là thúc đẩy đổi mới kỹ thuật số một cách có hệ thống và an toàn.
Các động lực ngoại vi đằng sau động thái này là nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi số được diễn ra, để đảm bảo rằng công nghệ của ngân hàng luôn “mới”, nợ công nghệ thấp, đồng thời thử nghiệm các công nghệ mới nổi cho nguồn lực kỹ thuật số như tự động hóa quy trình bằng robot (RPA), trí tuệ nhân tạo (AI), chatbots và công nghệ sổ cái phân tán (distributed ledger technology) như blockchain. Việc áp dụng những công nghệ mới này sẽ dẫn đến sự thay đổi tư duy kỹ thuật số của các bên liên quan trong toàn bộ ngân hàng.
“Sandbox cung cấp một không gian an toàn cho các tổ chức, doanh nghiệp không thích rủi ro như ADB nhằm mục tiêu tìm hiểu về các công nghệ mới và hình dung những lợi ích tiềm năng mà công nghệ có thể mang lại cho ngân hàng. Các tổ chức, doanh nghiệp nắm bắt các công nghệ và bước lên đài vinh quang như những nhà vô địch thực thụ khi họ hiểu và do đó có sự tự tin để sử dụng chúng. Thử nghiệm trong không gian an toàn của Sandbox liên quan đến các giao dịch trong đời thực. Ví dụ như làm việc trên blockchain tài trợ thương mại (trade finance) cho ngân hàng, đã mở ra cánh cửa cho doanh nghiệp hiểu cách hoạt động của một tập đoàn kỹ thuật số trong hệ sinh thái kỹ thuật số”, cô Hamid chia sẻ.
Ozzeir Khan, Giám đốc Chương trình Đổi mới kỹ thuật số Sandbox tại ADB |
Ozzeir Khan, Giám đốc Chương trình Đổi mới kỹ thuật số Sandbox tại ADB, cho biết công việc thiết lập Sandbox được bắt đầu vào năm 2019 với mục đích tìm hiểu các công nghệ mới. Trong chương trình này, 13 sáng kiến đã được thử nghiệm từ tháng 10/2019 đến tháng 1/2021, với mục đích phát triển chúng thành các sản phẩm số quy mô thực để đưa vào vận hành trong năm tới.
Một số chương trình trong đó bao gồm: tạo ra MT910 Receipt ghi nhận các khoản thanh toán dịch vụ cho vay, số hóa bảng sao kê ngân hàng không SWIFT (trích xuất thông tin chính từ bảng sao kê ngân hàng) và đánh giá mức độ ưu tiên của quốc gia bằng RPA; phát triển một hệ thống dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) có tên là Eva để quét hàng nghìn tài liệu đánh giá và tìm ra các bài học hữu ích trong dashboard (bảng điều khiển kỹ thuật số) được phân loại theo quốc gia, lĩnh vực, chủ đề, thể thức và năm.
Ngoài ra, chương trình còn triển khai một chatbot nhân sự có tên MyADB Recruitment Intelligence (Mari), một nền tảng được hỗ trợ bởi AI nhằm tạo ra các chatbot để thực hiện các cuộc phỏng vấn có cấu trúc dựa trên năng lực. Bot (robot) sẽ tự động hóa quy trình sàng lọc và đánh giá năng lực ứng viên.
Tương tự, nhóm đã sử dụng công nghệ sổ cái phân tán (distribnuted ledger technology) để ghi lại các giao dịch giữa hai hoặc nhiều bên một cách hiệu quả hơn, có thể xác minh và lưu trữ lâu dài. Trước đó, các quy trình này đòi hỏi tính thủ công cao, từ yêu cầu email của ứng viên đến mã hóa thủ công dữ liệu đảm bảo trong hệ thống quản lý xử lý tài trợ thương mại và đánh giá thủ công về độ chính xác của dữ liệu.
Những thách thức khi mở rộng quy mô các đổi mới kỹ thuật số Sandbox
Đã có rất nhiều tổ chức thành công khi áp dụng chương trình sandbox. Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, không có con đường nào đến với chuyển đổi số mà thuận lợi 100%.
Thứ nhất, đó là tâm lý ngại rủi ro (risk aversion), các tổ chức “có thâm niên” thường không thích chấp nhận rủi ro và có thể từ chối biết thêm về các công nghệ mới.
Thứ hai, theo Khan chia sẻ thì mô hình mới yêu cầu “đồng sáng tạo các yêu cầu và giải pháp, phát triển quan hệ đối tác, làm việc với hệ sinh thái của các công ty khởi nghiệp và chuỗi cung ứng”. Tuy nhiên đó là một cách làm việc mới với doanh nghiệp và các nhà cung cấp.
“Một khi doanh nghiệp đã hiểu về công nghệ, thì việc áp dụng sẽ trở nên nhanh chóng và dễ dàng. Bước đầu cần làm đó là giúp họ hiểu công nghệ và nhìn thấy những cơ hội mà nó sẽ mang lại”, Cô Hamid khẳng định rằng.
Thật không may khi thành công ban đầu của phương pháp tiếp cận Sandbox này đã mang đến một thách thức mới cho nhóm của Hamid: khối lượng nhu cầu tăng lên đột biến và theo đó là áp lực dồn lên nhóm để mở rộng quy mô cho dự án thí điểm.
“Bởi vì ngân hàng đã nhận thấy giá trị và tác động của các công nghệ (như RPA và bot), thách thức đối với chúng tôi bây giờ là làm thế nào để theo kịp nhu cầu - đối với những dự án thí điểm và mở rộng quy mô. Đây là một thách thức về năng lực”, cô Hamid cho hay.
Cái khó của Hamid là lựa chọn dự án nào để gia tăng sản lượng, ưu tiên cho dự án nào và dự án nào sẽ xếp vào hàng chờ. Trên hết, đại dịch Covid-19 khiến tự động hóa và công việc từ xa trở thành những ưu tiên hàng đầu phải được giải quyết hơn bất kỳ một ưu tiên nào khác.
“Nhu cầu đổi mới bùng nổ ở cấp độ tổ chức của ngân hàng với mục đích tồn tại và phát triển. Philippines, nơi đặt Trụ sở chính của ADB, đang trải qua một trong những thời kỳ gián đoạn hoạt động lâu nhất trên thế giới. Điều đó càng làm nổi bật nhu cầu đổi mới để hỗ trợ mở rộng phân bố việc từ xa”, Cô Hamid nhận định.
ADB được gì khi thử nghiệm Sandbox?
Khi các dự án dần hoàn thiện, điều rõ ràng là thực tế đã chứng minh tất cả các công nghệ mới không vận hành tốt đồng đều như nhau. “Việc thừa nhận một công nghệ phụ thuộc vào thời gian hoàn thiện của công nghệ đó. Ví dụ như in 3D không có được nhiều sự thu hút. Tương tự như vậy, công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR) vẫn chưa hoàn thiện và không thể hỗ trợ bất kỳ quá trình thi hành có ý nghĩa nào”, Ông Khan chia sẻ.
Đối với ông Khan mà nói, công nghệ Tokenization (một quy trình bảo mật tự động mã hóa số thẻ của mỗi khách hàng thành Token - những dãy ký tự đặc biệt, thay vì phải lưu trữ số thẻ thì hệ thống chỉ cần lưu các Token) là một ví dụ thú vị về một công nghệ có vẻ không nổi khi nó mới xuất hiện nhưng sau đó lại mang một ý nghĩa mới.
“Chúng tôi nghĩ rằng Tokenization sẽ là một công nghệ rất có giá trị nhưng chúng tôi đã gác nó qua một bên trong suốt hai năm. Vào năm 2020, tiền kỹ thuật số (digital currency) bắt đầu trở thành xu hướng chủ đạo và công nghệ Tokenization đã trở lại và nổi hơn bao giờ hết”, ông Khan cho biết.
Trong số các công nghệ nhận được nhiều sự thu hút nhất đó là AI, RPA và chatbots. “Các công nghệ đã thành công đối với chúng tôi và chúng tôi tin rằng sẽ nó sẽ vẫn tiếp tục phù hợp và trở thành công nghệ điển hình được thấy trong ngành tài chính: sử dụng AI để thu thập dữ liệu cho các bài học kinh nghiệm (kiến thức và hiểu biết có được từ kinh nghiệm), phát triển tầm nhìn cho việc lập kế hoạch trong tương lai, dữ liệu lớn (big data) và sức mạnh điện toán, tự động hóa các lớp truy cập dữ liệu (backend) của dịch vụ tài chính (thông qua RPA và chatbot)”, ông Khan bày tỏ quan điểm.
“AI là phần thực sự khiến chúng tôi ngạc nhiên. Nếu bạn sử dụng AI theo cách mà nó vốn có, nó sẽ cung cấp cho bạn rất nhiều thông tin chi tiết.” Giờ đây, nhóm của ADB đang sử dụng AI để lập kế hoạch, ví như họ đang sử dụng AI để dự đoán tỷ lệ GDP. AI cũng đang giúp ngân hàng quyết định nên đầu tư nhiều hơn vào đâu để có được tác động thật sự đến phát triển.
Trong tương lai, ADB đang tập trung vào những công nghệ đang phát triển nhanh chóng như AI và học máy (machine learning), đặc biệt là xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP); Tokenization; bản sao số (digital twins) để thiết kế các dự án cơ sở hạ tầng; mạng lưới vạn vật kết nối Internet và máy bay không người lái (drones) để giám sát các dự án.
Các công nghệ đang trong giai đoạn phát triển sơ khai bao gồm sinh học tổng hợp (synthetic biology) và dữ liệu.
“Khi chúng tôi lên kế hoạch cho mô hình hoạt động mới của mình sau đại dịch, chúng tôi đang sử dụng những bài học mà chúng tôi đã có được trong một năm rưỡi qua để kích hoạt các công nghệ sẽ hỗ trợ trong trạng thái bình thường mới (new normal). Thách thức hiện nay là chuyển đổi để áp dụng nhuần nhuyễn kỹ thuật số vào thực tiễn hàng ngày của ADB và tiến lên phía trước”, cô Hamid cho biết.
Theo CIO