Nga tứ bề thọ địch có quá sức “hụt hơi”?

VietTimes -- Đó là vấn đề mà học giả Ruslan Pukhov, giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và công nghệ Moscow đặt ra trong bài viết trên tạp chí Mỹ National Interest.
Phi công Nga tác chiến tại Syria
Phi công Nga tác chiến tại Syria

Theo phân tích của Pukhov, quân đội Nga đang vượt quá khả năng về kinh tế, công nghệ và dân số của nước này. Pukhov nhấn mạnh: “Nga là bá chủ không thể chối cãi trong không gian hậu Xô viết vốn là phạm vi lợi ích sống còn”.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa Nga  không đối mặt với những thách thức lớn về địa chính trị. Hai đồng minh của Nga là Belarus và Kazakhstan không có giá trị gì về mặt quân sự và chỉ tương đương Romania trong Hiệp ước Warsaw trước đây, Pukhov lưu ý.

Tình hình này khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn bởi lẽ quan  hệ xấu đi với Ba Lan, các nước vùng Baltic, Saudi Arabia, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ. Nga còn có vấn đề xung đột tại Ukraine. Có nghĩa rằng Nga phải chuẩn bị bảo vệ  lợi ích của mình trên mọi hướng, Pukhov nhấn mạnh.

Trong khi đó, Nga không thể hy vọng cạnh tranh với Mỹ và các đồng minh về mặt công nghệ. “Nga có thể cạnh tranh một cách khó khăn với phương Tây liên quan tới việc đầu tư phát triển kỹ nghệ và nghiên cứu cơ bản”, Pukhov nhận xét. Điều đó có nghĩa Moscow phải đầu tư một cách thông minh các thế hệ vũ khí mới.

Nga đang tiếp tục hiện đại hoá quân đội, lộ trình đã được bắt đầu sau khi quân đội Nga thể hiện sự yếu kém trong cuộc chiến với Georgia năm 2008. Kể từ thời điểm đó, Nga đã tăng cường đầu tư cho hiện đại hoá quân đội và cải cách chương trình huấn luyện. Pukhov lưu ý.

Không quân Nga tăng cường số giờ bay, trong khi lực lượng hải quân Nga tăng số ngày huấn luyện trên biển. Nga cũng tăng cường ồ ạt số lượng cũng  như quy mô các cuộc tập trận. “Trong năm 2014, quân đội Nga đã tiến hành tới 3.000 cuộc tập trận, trong đó 30 cuộc phối hợp hai hoặc nhiều binh chủng”, ông Pukhov cho biết.

Liệu Moscow có thể duy trì được cấp độ chi tiêu quân sự hiện nay trong tương lai, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay cũng như giá dầu thấp, là một câu hỏi còn để ngỏ. Tuy nhiên mục tiêu của Nga là trang bị cho quân đội tới 70% các loại vũ khí, trang bị mới vào năm 2020. Kế hoạch này sẽ ngốn của Nga tới 300 tỷ USD.

T.N