Nga thần tốc vào thời đại tác chiến không cần binh sĩ

VietTimes -- Nga là "hậu sinh khả úy" trong nghiên cứu phát triển các trang bị tác chiến không người điều khiển, nhưng tốc độ phát triển rất nhanh và đang bước nhanh vào thời đại tác chiến không sử dụng binh sĩ trên chiến trường.
Xe chiến đấu không người lái Uran-6 Nga.
Xe chiến đấu không người lái Uran-6 Nga.

Tờ The National Interest Mỹ gần đây cho rằng quân đội Nga đã triển khai xe chiến đấu không người lái Uran-6 ở Syria, chủ yếu dùng để chống mìn trên chiến trường.

Chuyên gia cho rằng Nga mặc dù khởi đầu khá muộn trong lĩnh vực trang bị tác chiến không người lái, nhưng tốc độ nghiên cứu phát triển rất nhanh, có thể gọi là "hậu sinh khả úy". Nga bước nhanh vào thời đại tác chiến mặt đất không người điều khiển có lẽ sẽ làm thay đổi cục diện chiến tranh tương lai.

Xe chiến đấu không người lái Uran-6 là loại xe chống mìn không người lái đa năng đầu tiên được trang bị cho quân đội Nga, do Công ty công nghiệp quốc phòng Nga thiết kế chế tạo theo nhu cầu của quân đội Nga dựa trên nền tảng người máy (robot) chống mìn MV-4 Dok-Ing của Croatia.

Một hệ thống điều khiển Uran-6 chỉ gồm có một ba lô thông tin liên lạc và một thiết bị xử lý trực quan được cải tạo từ máy tính xách tay quân dụng.

Trong chiến đấu, nhân viên điều khiển có thể sử dụng dây đặc chế để treo máy tính trước ngực, sử dụng số liệu video được truyền về, dùng tay và nút bấm để điều khiển xe chiến đấu.

Do khoảng cách điều khiển lớn nhất của Uran-6 là 1.500 m, hoàn toàn có thể tránh gây thương vong cho nhân viên điều khiển.

Uran-6 sử dụng động cơ dầu diesel, mỗi giờ dùng hết 15 - 25 lít dầu, có thể hoạt động liên tục 16 giờ, mỗi giờ có thể dọn sạch bãi mìn 2 km2, tương đương lượng công việc của 20 công binh.

Xe chiến đấu trang bị công cụ nguyên bộ, thiết bị gỡ mìn, xẻng đẩy đất, hàm, cần cẩu và cánh tay, còn trang bị súng bắn nước cao áp, vòi rồng, có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ như quét mìn, xử lý vật liệu nổ, dập lửa.

Xe chiến đấu không người lái Uran-6 Nga.
Xe chiến đấu không người lái Uran-6 Nga.

Phó chủ nhiệm Phương Hiểu Chí, Trung tâm nghiên cứu quân sự nước ngoài, Học viện quan hệ quốc tế, Đại học khoa học kỹ thuật quốc phòng Trung Quốc cho rằng Uran-6 khi chưa lắp thêm công cụ quét mìn chỉ dài 3 m, nặng chỉ khoảng 5 tấn.

Do kích thước nhỏ, trọng lượng nhẹ, có thể sử dụng thuận lợi xe tải quân dụng phổ thông, container hoặc máy bay trực thăng vận tải chiến thuật hạng trung để chở, có tính năng cơ động chiến thuật và chiến lược rất tốt.

Nhà nghiên cứu Phương Hiểu Chí cho rằng lô xe chiến đấu sản xuất hàng loạt Uran-6 đầu tiên đã biên chế cho quân đội Nga vào năm 2015, đã thể hiện xuất sắc trong công tác quét mìn ở khu vực Caucasus Nga và thành cổ Palmyra của Syria.

Sau đó, Nga quyết định đẩy sớm thời gian trang bị lượng lớn xe Uran-6 từ năm 2020 sang năm 2017. Điều này đã đẩy rất nhanh các bước đưa quân đội Nga bước vào thời đại tác chiến mặt đất không sử dụng binh sĩ trên chiến trường.

Nhà nghiên cứu Samuel Bendet từ Trung tâm phân tích hải quân Mỹ cho rằng xe Uran-6 có thể là trang bị thử nghiệm của một loạt xe chiến đấu không người lái trong trong tương lai. Xe bọc thép không người lái Uran-9 với kích cỡ lớn hơn có thể thực hiện nhiều loại nhiệm vụ trên chiến trường.

Căn cứ vào học thuyết quân sự Nga, Nga sẽ không cần để binh sĩ, chỉ huy ra chiến trường trong tương lai. Chỉ có vũ khí, các nhà hoạch định quân sự và những nhân viên điều khiển vũ khí.

Nga tăng cường nghiên cứu chế tạo vũ khí tác chiến không người điều khiển nhằm mục đích thông qua sử dụng robot thay thế cho binh sĩ trên chiến trường, từ đó làm giảm thương vong cho binh sĩ, thậm chí không để xảy ra thương vong.

Xe chiến đấu không người lái Uran-9 Nga. Ảnh: Eastday.
Xe chiến đấu không người lái Uran-9 Nga. Ảnh: Eastday.

Căn cứ vào tư tưởng chỉ đạo này, những năm gần đây, Nga đang đẩy mạnh nghiên cứu phát triển một loạt trang bị không người điều khiển kết hợp cả gần và xa, cả nặng và nhẹ.

Mặc dù Nga khởi động công việc này khá muộn, việc tập trung nghiên cứu chỉ được bắt đầu từ thập niên thứ hai của thế kỷ này, nhưng Nga đã có tốc độ nghiên cứu phát triển rất nhanh do có tích lũy công nghệ hùng hậu trong lĩnh vực xe tác chiến mặt đất.

Theo đánh giá của Phương Hiểu Chí, hiện nay Nga không chỉ đuổi kịp các nước phương Tây về công nghệ, mà còn thực hiện trước việc sản xuất và trang bị hàng loạt xe tác chiến mặt đất không người lái, đồng thời đã hình thành hệ thống trang bị không người lái nhiều tầng - từ xe chiến đấu mặt đất không người lái, máy bay không người lái đến tàu ngầm không người lái. Có thể nói Nga là nước "hậu sinh khả úy".

Hiện nay, các nước trên thế giới đang phát triển nhanh chóng các trang bị không người điều khiển, chủng loại nhiều tới hàng trăm loại, chủ yếu ứng dụng cho các lĩnh vực như trinh sát, chống mìn, phòng hóa, tấn công, phòng ngự và bảo đảm.

Ngoài Nga, hiện nay Mỹ, Đức, Israel, Anh, Pháp, Italy đều rất coi trọng nghiên cứu hệ thống tác chiến mặt đất không người điều khiển. Chẳng hạn xe bọc thép Wiesel của Đức, xe Guardium của Israel và xe trình diễn trinh sát tự động, robot dò tìm chất nổ của Anh đều có trình độ dẫn trước trên thế giới.

Phương Hiểu Chí cho rằng cùng với ngày càng nhiều trang bị không người điều khiển sử dụng rộng rãi trên chiến trường, chắc chắn sẽ dẫn tới một cuộc cách mạng mới trong lĩnh vực quân sự, tác chiến không sử dụng binh sĩ trên chiến trường cũng sẽ trở thành một hình thức tác chiến mới mang tính cách mạng, trở thành hình thái chủ yếu của chiến trường tương lai.

Xe chiến đấu không người lái Uran-9 Nga. Ảnh: Mil.
Xe chiến đấu không người lái Uran-9 Nga. Ảnh: Mil.