Nga dứt điểm phiến quân Aleppo sẽ đẩy Mỹ -Thổ vào thế khó

VietTimes -- Theo al Monitor, sự sụp đổ của phiến quân chiếm giữ khu vực đông Aleppo trước quân đội của ông Assad không thể thay đổi thế lưỡng nan mà chính quyền Mỹ đang phải đối mặt trong chính sách Syria, sự sụp đổ này cũng không thể giúp nhanh chóng đạt được một giải pháp chính trị bền vững cho cuộc xung đột Syria.
Chiến đấu cơ Su-35S của Nga tham chiến tại Syria
Chiến đấu cơ Su-35S của Nga tham chiến tại Syria

Sự sụp đổ sắp tới ở miền đông Aleppo - khu vực do phiến quân chiếm giữ trước quân đội Syria và đồng minh có thể củng cố chính quyền của tổng thống đắc cử Donald Trump, al Monitor nhận định.

Ông Trump hiện đã bày tỏ sự cởi mở khi muốn hợp tác với Nga cùng chống lại IS và không muốn hỗ trợ các nhóm phiến quân Syria tìm cách lật đổ tổng thống Syria Bashar al-Assad. Nhưng chính quyền Mỹ sắp tới có thể sẽ sớm nhận ra rằng họ có thể sẽ cần phiến quân Syria cho một nhiệm vụ mà ông Trump đã đặt lên hàng ưu tiên trong chiến dịch của mình: Đó là chống lại IS, chiếm lãnh thổ mà IS nắm giữ ở phía đông Syria và ngăn không cho IS quay trở lại.

Al Monitor nhìn nhận, khi chính quyền Syria và các đồng minh đang đạt được những thành tựu nhanh chóng trong việc tái chiếm đông Aleppo mà phiến quân chiếm giữ trong những ngày gần đây, các quan chức Nga nói rằng họ hy vọng tình hình ở thành phố này, nơi từng là trung tâm thương mại ở Syria, sẽ sớm được giải quyết khi ông Trump nhậm chức vào ngày 20/1.

“Nga muốn hoàn tất việc này trước khi ông Trump lên nắm quyền”, một quan chức cao cấp của liên minh quân sự ủng hộ ông Assad đã phát biểu với Reuter vào ngày 29/11.

“Tất nhiên chúng tôi hi vọng chuyện này sẽ xảy ra”, thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov đã phát biểu trước giới truyền thông Nga hôm 30/11 khi được hỏi liệu tình hình ở Aleppo có được giải quyết trước cuối năm hay không. “Chúng tôi cần buộc quân khủng bố rời khỏi đây như cách họ bị buộc phải rời khỏi Mosul và Raqqa. Đây là nhiệm vụ chung”.

Chiến sự Aleppo vẫn đang tiếp diễn hết sức ác liệt
Chiến sự Aleppo vẫn đang tiếp diễn hết sức ác liệt

Nga đang hy vọng chính quyền Trump sẽ thể hiện vai trò cường quốc ở Syria, nhà phân tích người Nga Dmitri Trenin cho hay.

“Nga vẫn đang theo đuổi cách tiếp cận nhất quán ở Syria, trong đó Mỹ và Nga đều đóng vai trò chi phối tới tiến trình ngoại giao ở Syria. Mỹ và Nga cũng đang hợp tác chống lại IS,” ông Trenin, giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow nói.

“Nga muốn hợp tác cùng Mỹ trong cả tiến trình hòa bình Israel-Palestine và trong một số chiến dịch quân sự chung chống lại IS”, ông Trenin cho hay.

Ông nói thêm rằng: “Các chiến lược và mục tiêu sẽ đóng góp vào mục tiêu chung của Nga là được đối xử như một cường quốc trên toàn cầu. Nếu Nga có vai trò quyết định ở Trung Đông thì Nga đích thị là một nước lớn. Nga chỉ đạt được điều này nếu Mỹ cùng hợp tác”.

Nhưng sự sụp đổ tiềm tàng của khu vực đông Aleppo trước quân đội của ông Assad không thể thay đổi thế lưỡng nan mà chính quyền Mỹ đang phải đối mặt trong chính sách Syria, hoặc sự sụp đổ này cũng không thể giúp nhanh chóng đạt được một giải pháp chính trị bền vững cho cuộc xung đột Syria.

“Tôi cho rằng có nguy cơ Aleppo sẽ sụp đổ, đặc biệt là trong thời kỳ chuyển giao tổng thống,” ông Melissa Dalton, một cựu quan chức Bộ quốc phòng và hiện đang làm việc ở Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ nhận định. “Có nguy cơ rõ ràng rằng Assad và Iran đang tạo ra một sự đã rồi với Mỹ và các nước đồng minh và phiến quân. Nếu Aleppo thất thủ, các lựa chọn cho bước tiếp theo của Mỹ sẽ ít hơn”.

“Một lựa chọn là liệu có cần cố gắng để đảo ngược các sự kiện, củng cố hỗ trợ cho phiến quân để cố đảo ngược tình thế? Điều đó đòi hỏi sự cam kết quân sự rất lớn, sự ủng hộ chính trị và nguồn lực dồi dào để lật ngược xu thế”.

“Nếu như việc chống khủng bố là ưu tiên hàng đầu, Mỹ sẽ có hai lựa chọn. Có thể nỗ lực hơn với cách tiếp cận hiện nay, ủng hộ phiến quân, tiến hành không kích trong khi hợp tác với người dân trong khu vực. Hoặc cũng có thể tăng thêm lính Mỹ ở đây. Nhưng điều đó khó có thể chấp nhận về mặt chính trị, kể cả với chính quyền sắp tới. Thế lưỡng nan này vẫn tiếp tục”, ông Dalton nhận định.

Nhà phân tích quốc phòng Nicholas Heras cho rằng, chính quyền ông Trump sắp tới sẽ sớm phải đối mặt với những thách thức mà chính quyền ông Obama đã phải vật lộn ở Syria, bao gồm việc quyết định xem liệu Mỹ có cần phải hợp tác với lực lượng bản địa để chiếm lấy lãnh thổ mà các nhóm Hồi giáo cực đoan Sunni đang chiếm giữ hay không.

Ông Heras nói: “Chính quyền của ông Trump sẽ phải đối mặt với những thách thức như chính quyền ông Obama trong nhiệm vụ chống khủng bố. Nhiệm vụ này trao quyền cho các cấu trúc chính trị và xã hội ở khu vực do phe đối lập kiểm soát. Điều này kiên quyết chống lại các nhân tố mang tư tưởng cực đoan dòng Sunni. Và chính quyền Donald Trump sẽ phải vật lộn với điều này”.

Các quan chức Nga đã tổ chức các cuộc họp bí mật với đại diện các nhóm phiến quân Syria từ Aleppo ở Thổ Nhĩ Kỳ trong những ngày gần đây. Họ đã bàn bạc về một đề xuất mà theo đó, các chiến binh liên kết với al-Qaeda sẽ rời Aleppo để đổi lấy viện trợ và lệnh ngừng bắn, chuyên gia phân tích Syria Chares Lister cho hay.

Đề xuất này tương tự đề xuất mà đại sứ Liên Hợp quốc về Syria Staffan de Mistura đã đưa ra và đến nay vẫn đang được thảo luận. Ông Mistura dự kiến sẽ trình bày những đề xuất chính trị mới ở Syria tới Hội đồng bảo an Liên hợp quốc vào ngày 8/12 sau cuộc gặp ở Washington vào tuần tới.

Ngay cả nếu chính quyền ông Trump có quyết định rằng họ cần phải hợp tác với các nhóm phiến quân ở Syria để chống lại các nhóm Hồi giáo cực đoan thì sự sụp đổ của miền đông Aleppo trước chính quyền Assad vẫn là một cú đánh mạnh vào phe nổi dậy ở Syria, ông Basam Barabandi, nguyên là một nhà ngoại giao Syria và hiện đang hợp tác cùng phe đối lập Syria cho hay.

Phi công Nga tham gia chiến dịch quân sự tại Syria
Phi công Nga tham gia chiến dịch quân sự tại Syria

“Nếu Aleppo sụp đổ, Idlib nằm dưới sự kiểm soát của Nusra, Raqqa do IS kiểm soát… chế độ Assad rất cần kiểm soát các thành phố lớn”, Barabandi nhận định.

Barabandi đang soạn một lộ trình đề xuất cho chính quyền Mỹ sắp tới, bản đề xuất này thúc giục Mỹ quay trở lại thỏa thuận chấm dứt thù địch hồi tháng 3/2016 và quay trở lại bàn đàm phán. Các đàm phán chính trị sẽ được tách biệt với cuộc chiến chống các nhóm khủng bố IS và Jabhat al-Nursa.

Nga vẫn chưa dốc lực trong việc hỗ trợ quân đội Syria tấn công Aleppo và Nga đang quan tâm đến điều gì sẽ diễn ra sau khi lực lượng Syria chiếm được Aleppo, Michael Kofman, một chuyên gia Nga tại Trung tâm Wilson viện Kennan cho hay. “Căng thẳng đang leo thang nhanh chóng do sự can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ vào miền bắc Syria với quân đội Syria”.

Đến nay, quân đội Syria vẫn chưa đụng đến khu vực quân đội Thổ Nhĩ Kỳ triển khai ở miền bắc Syria. “Tuy nhiên, một khi họ đã chiếm được Aleppo, vấn đề xung đột rất dễ bùng phát khi hai lực lượng thù địch ở cự ly sát gần nhau”, ông Kofman đánh giá.

Kofman nhận định: “Sau khi chiếm được Aleppo, quân Syria và Iran phải định ra kế hoạch tiếp theo. Lựa chọn số 1 là quay lại nói với người Nga rằng “Hãy xúc tiến kế hoạch giải quyết chiến tranh Syria này”. Nhưng họ cũng có thể nói: “chúng ta vẫn chưa xong việc ở đây…chúng ta hãy  cứ thành công ở Aleppo đã, rồi để xem chúng ta sẽ phải làm gì tiếp theo”.