"Biện pháp rà soát an ninh đối với đầu tư nước ngoài" do Bộ Thương mại và Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) đưa ra hôm thứ Bảy (19/12) sẽ tiến hành thẩm tra, rà soát an ninh đối với các khoản đầu tư vào ngành công nghiệp quân sự, các cơ sở hỗ trợ của ngành công nghiệp quân sự và các lĩnh vực khác liên quan đến an ninh quốc phòng, cũng như đầu tư vào các cơ sở quân sự và cơ sở quân sự khu vực xung quanh. Ngoài ra, các trường hợp đầu tư nước ngoài liên quan đến các sản phẩm nông nghiệp quan trọng, cơ sở hạ tầng, năng lượng và tài nguyên, giao thông vận tải, dịch vụ tài chính, công nghệ thông tin, công nghệ then chốt; các dự án trong các lĩnh vực quan trọng khác liên quan đến an ninh quốc gia và công ty đầu tư có quyền kiểm soát thực tế đối với doanh nghiệp, đều phải được rà soát an ninh. Quy định về Các biện pháp rà soát anh ninh này sẽ được chính thức thực hiện sau 30 ngày kể từ ngày công bố.
Chỉ một ngày trước khi Trung Quốc công bố “Các biện pháp rà soát an ninh đối với đầu tư nước ngoài”, Tổng thống Mỹ Trump đã ký ban hành “Đạo luật trách nhiệm giải trình của công ty nước ngoài”. Đạo luật này sẽ ngăn một số công ty Trung Quốc niêm yết trên các sàn giao dịch của Mỹ trừ khi họ tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn kiểm toán của Mỹ. Dự luật quy định rằng nếu các công ty nước ngoài không vượt qua được cuộc kiểm toán của Ủy ban Giám sát kiểm toán công ty niêm yết Mỹ (PCAOB) trong ba năm liên tiếp, theo "Đạo luật về trách nhiệm giải trình của các công ty nước ngoài", chứng khoán của các công ty nước ngoài này sẽ bị cấm niêm yết trên bất kỳ sàn giao dịch nào tại Mỹ.
Hai bên trả đũ lẫn nhau sẽ làm cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tiếp diễn (Ảnh: creaders). |
"Đạo luật về trách nhiệm giải trình của công ty nước ngoài" được coi là nhắm mục tiêu rõ ràng vào các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ, chẳng hạn như Alibaba Group, Pinduoduo và PetroChina. Dự luật này sẽ khiến các công ty cổ phần Trung Quốc niêm yết tại Mỹ đối mặt với nguy cơ bị hủy niêm yết do không cho phép các cơ quan quản lý của Mỹ xem xét tài liệu kiểm toán tài chính của họ. Chính quyền Trung Quốc từ lâu đã lấy lý do lo ngại về an ninh quốc gia như một cái cớ để ngăn cản các cơ quan quản lý ở nước ngoài thẩm tra các văn phòng kế toán ở địa phương.
"Đạo luật về trách nhiệm giải trình của các công ty nước ngoài" đã nhận được sự ủng hộ hoàn toàn từ cả hai viện của Quốc hội Mỹ. Sau khi Tổng thống Trump ký thành luật hôm thứ Sáu, Trung Quốc ngay lập tức ban hành "Các biện pháp rà soát an ninh đầu tư nước ngoài" vào ngày hôm sau. Đây được coi là đòn phản công nhanh chóng đối với "Đạo luật về trách nhiệm giải trình công ty nước ngoài" của Mỹ.
Về "Các biện pháp rà soát an ninh đầu tư nước ngoài" mà Trung Quốc đưa ra hôm thứ Bảy (19/12), hãng thông tấn chính thức Trung Quốc China News Service (CNS) cho biết trong một bản tin cùng ngày rằng, vào lúc các rủi ro bên ngoài gia tăng đáng kể, việc xây dựng biện pháp này đã đưa ra ba tín hiệu: Thứ nhất, trong tương lai, sự mở cửa của Trung Quốc với thế giới bên ngoài sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc phòng ngừa và kiểm soát rủi ro. Thứ hai, việc mở cửa của Trung Quốc sẽ tiến lên một mức độ cao hơn, sẽ không đình trệ, càng không thoái trào. Bài báo cho biết, theo các quy định mới, việc rà soát an ninh sẽ tuân theo các nguyên tắc cần thiết và hợp lý, đặt ra các thủ tục và thời hạn rà soát, tiến hành rà soát theo thứ bậc, tịnh tiến, sẽ rà soát chính xác đầu tư nước ngoài có ảnh hưởng hoặc có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia trong quá trình thực hiện; tránh coi nhẹ đánh giá an ninh. Thứ ba, trong tương lai, Trung Quốc sẽ coi trọng hơn đến việc sử dụng các hệ thống và quy tắc được quốc tế chấp nhận để bảo vệ quyền lợi.
Bài báo của CNS cũng đề cập việc Mỹ đã ban hành "Hiện đại hóa rà soát rủi ro đầu tư nước ngoài", EU có "Quy định khung về đầu tư trực tiếp nước ngoài", Australia có "Luật cải cách đầu tư nước ngoài" và Vương quốc Anh đang xây dựng "Luật đầu tư và an ninh quốc tế". Bài báo nói rằng các biện pháp rà soát an ninh đầu tư nước ngoài hiện tại của Trung Quốc chính là để đáp ứng xu thế này.
Tuy nhiên, mặc dù “Luật cải cách đầu tư nước ngoài” của Australia áp dụng cho tất cả các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng dự kiến Trung Quốc sẽ phải chịu sự giám sát chặt chẽ hơn, một phần vì công ty công nghệ Trung Quốc Huawei đã bị Australia loại khỏi mạng 5G nước này vào năm 2018 do các vấn đề an ninh quốc gia.
Ngày 18/12, Mỹ đã chính thức đưa công ty chế tạo chip bán dẫn hàng đầu Trung Quốc SMIC vào danh sách kiểm soát xuất khẩu (Ảnh: Sina). |
Phó Giáo sư Lưu Nhất Triển và Giáo sư Trương Hải Yến của Học viện Tài chính Chiết Giang, Trung Quốc đã viết trong một bài báo xuất bản vào tháng 10 năm ngoái rằng, trong năm 2018, ít nhất 82% các dự án thu mua sáp nhập của Trung Quốc tại EU có giá trị giao dịch hơn 1 triệu euro bị xếp thuộc vào một trong ba loại ngành công nghiệp nhạy cảm phải xem xét FDI theo quy định trong "Quy định khung về đầu tư trực tiếp nước ngoài" của EU. Bài báo cho rằng rõ ràng hoạt động đầu tư của các công ty Trung Quốc vào EU sẽ phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ và sâu rộng hơn.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã phản ứng mạnh mẽ trước quyết định của Bộ Thương mại Mỹ ngày 18/12 thông báo 59 công ty Trung Quốc đã được bị đưa vào "Entity List" kiểm soát xuất khẩu. Trang web của Bộ Thương mại Trung Quốc chiều 19/12 đăng ý kiến của người phát ngôn bộ này tuyên bố: “Mỹ một lần nữa sử dụng sức mạnh quốc gia để trấn áp các công ty Trung Quốc, Trung Quốc kiên quyết phản đối việc này và sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết, kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc.
Mỹ lấy cớ an ninh quốc gia, liên tục lạm dụng kiểm soát xuất khẩu và các biện pháp khác để liên tục trấn áp các công ty, tổ chức và cá nhân ở các quốc gia khác, gây thiệt hại nghiêm trọng cho trật tự kinh tế và thương mại quốc tế cũng như các quy tắc thương mại tự do, đồng thời gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh của chuỗi cung ứng chuỗi công nghiệp toàn cầu. Điều này không lợi cho Trung Quốc, không lợi cho Mỹ và không lợi cho toàn thế giới. Chúng tôi một lần nữa kêu gọi Mỹ chấm dứt chủ nghĩa đơn phương và thói bắt nạt, đối xử công bằng với các công ty từ tất cả các quốc gia, trong đó có các công ty Trung Quốc, làm nhiều hơn nữa những việc có lợi cho hợp tác kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, thúc đẩy sự phục hồi và phát triển của kinh tế toàn cầu”.