Thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine lại đang rơi vào tình trạng bấp bênh chưa từng có khi những cuộc giao tranh, đụng độ ác liệt liên tiếp bùng lên giữa quân Kiev và lực lượng ly khai ở Mariupol, trong đó có cuộc tranh giành quyết liệt khu vực Donetsk Oblast.
Phóng viên từ BBC - Tom Burridge đưa tin từ Shyrokyne, gần với thành phố cảng chiến lược Mariupol ở miền đông Ukraine, cho biết, ông này nghe thấy tiếng của “những tràng đạn” được bắn ra liên tục trong khu vực.
Trong bối cảnh như vậy, Mỹ và Nga lại có thêm hành động “đổ thêm dầu vào lửa”, khiến tình hình Ukraine nguy cấp trở lại.
Hãng tin Interfax dẫn lời một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga hôm qua (23/4) cho biết, binh lính Mỹ đã xuất hiện ở vùng xung đột miền đông Ukraine và đang đào tạo cho cho lực lượng của Kiev.
Phát ngôn viên Igor Konashenkov cho hay, quân Mỹ đang đào tạo cho binh lính Ukraine không chỉ ở khu vực phía tây mà “như các kênh truyền hình Ukraine đưa tin họ còn trực tiếp đào tạo cho lực lượng Kiev ở vùng chiến sự miền đông gồm Mariupol, Severodonetsk, Artyomovsk và Volnovakha".
Tuần này, Mỹ vừa đưa khoảng 300 lính nhảy dù vào Ukraine với nhiệm vụ được tuyên bố là để giúp Kiev đào tạo 900 thành viên của Lực lượng Bảo vệ Quốc gia Ukraine nhằm chống lại lực lượng ly khai miền đông Ukraine. Động thái này của Washington đã vấp phải phản ứng giận dữ từ Moscow.
Trước đó, hôm 22/4, Mỹ cũng tung ra lời cáo buộc về việc Nga đang thiết lập các hệ thống phòng không ở bên trong lãnh thổ miền đông Ukraine và cả tham gia vào các cuộc huấn luyện, đào tạo cho lực lượng ly khai.
"Cả Nga và lực lượng ly khai tiếp tục vi phạm các điều khoản trong thỏa thuận Minsk 2 được ký kết từ hồi giữa tháng 2," quyền phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ - bà Marie Harf đã cáo buộc như vậy trong một tuyên bố.
Các giám sát viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) gần đây liên tục đưa tin về những vụ khai hỏa bằng vũ khí hạng nặng của cả quân đội Ukraine và lực lượng ly khai bất chấp việc thỏa thuận ngừng bắn vấn đang được thực thi.
Phát ngôn viên Harf tố rằng, Nga và quân ly khai “có một số lượng lớn khẩu pháo và bệ phóng rocket trong khu vực” vốn bị cấm có những vũ khí hạng nặng như vậy theo thỏa thuận ngừng bắn. Bà này còn cáo buộc rằng, Nga tiếp tục đưa vũ khí hạng nặng vào Ukraine.
Quân đội Nga “đã triển khai thêm các hệ thống phòng không đến miền đông Ukraine và đưa những vũ khí này đến gần hơn với vùng chiến tuyến. Đây là con số thiết bị phòng không lớn nhất mà Nga đưa vào miền đông Ukraine kể từ hồi tháng 8 năm ngoái”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ đã nói như vậy.
Chưa hết, bà Harf tố cáo thêm rằng, Moscow còn “tiến hành các cuộc huấn luyện ngày một phức tạp” cho lực lượng ly khai miền đông Ukraine, trong đó có sự tham gia của máy bay không người lái – “một dấu hiệu không thể nhầm lẫn về sự hiện diện của Nga’, bà Harf khẳng định.
Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, sau khi duy trì một lực lượng tương đối ổn định ở khu vực biên giới, Nga đang đưa thêm nhiều đơn vị vào đây. Nga đang tăng cường lực lượng ở khu vực biên giới ở mức cao nhất kể từ tháng 10 năm ngoái.
Chính quyền Kiev và các đồng minh phương Tây từ lâu đã luôn cáo buộc Moscow đưa vũ khí và binh lính vào miền đông Ukraine để trợ giúp cho lực lượng ly khai. Tuy nhiên, Moscow kiên quyết bác bỏ những cáo buộc như vậy. Nga khẳng định nếu thực sự nước này đưa hàng chục nghìn quân và vũ khí rầm rộ vào miền đông Ukraine như lời phương Tây tố cáo thì họ chẳng thể che giấu được một lực lượng “khủng” như vậy ở một vùng đất nhỏ như miền đông Ukraine dưới sự theo dõi, giám sát chặt chẽ của một loạt hệ thống tinh vi của Mỹ.
Dù Nga có nói thế nào, Mỹ và EU vẫn tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow, gây tổn thương sâu sắc đến nền kinh tế của Nga.
Quốc hội Mỹ thúc giục Obama cấp vũ khí sát thương cho Kiev
Trong bối cảnh giao tranh lại rộ lên ở miền đông Ukraine, đe dọa thỏa thuận ngừng bắn vốn đã mong manh, nhiều thành viên của Quốc hội Mỹ lại một lần nữa thúc ép Tổng thống Barack Obama cung cấp vũ khí sát thương cho chính quyền Kiev để chiến đấu chống lại lực lượng ly khai. Tổng thống Obama đã lờ một nghị quyết kêu gọi viện trợ vũ khí sát thương cho chính quyền Ukraine mà Quốc hội Mỹ thông qua với số phiếu ủng hộ là 348 và số phiếu chống là 48.
"Không còn nghi ngờ gì nữa việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho những người dân bị ảnh hưởng bởi chiến tranh là rất quan trọng. Tuy nhiên, viện trợ này chỉ xử lý được các triệu chứng của một vấn đề lớn hơn. Chính phủ Ukraine vô cùng cần vũ khí phóng vệ - đây là những thứ cần thiết để họ bảo vệ chủ quyền và biên giới", tuyên bố của các nghị sĩ Michael Fitzpatrick, Sander Levin và Marcy Kaptur đã viết như vậy.
Theo tuyên bố trên, “những vũ khí phòng vệ sẽ giúp Ukraine tiếp tục tiến trình cải cách kinh tế và chính phủ được xúc tiến sau Euromaidan", ám chỉ đến cuộc lật đổ cựu Tổng thống Viktor Yanukovych hồi năm ngoái.
Trái với quan điểm của các nghị sĩ Mỹ, Tổng thống Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhất trí với nhau trong chuyến thăm Washington gần đây của bà Merkel rằng, việc Mỹ hay Châu Âu cung cấp vũ khí sát thương Kiev chỉ khiến tình trạng đổ máu thêm tồi tệ và nghiêm trọng. Đến nay, đã có hơn 6.100 người thiệt mạng kể từ khi cuộc khủng hoảng chính trị ở quốc gia Đông Âu bùng lên cách đây hơn 1 năm.
Theo: VnMedia