Mỹ đòi hỏi Trung Quốc rút tên lửa khỏi Biển Đông

VietTimes -- Trong một bản tuyên bố đưa ra sau khi kết thúc Đối thoại thường niên về Ngoại giao - An ninh Mỹ - Trung lần 2, Mỹ đã kêu gọi Trung Quốc rút những tên lửa đã triển khai trên các đảo nhân tạo bồi đắp và cải tạo phi pháp trên Biển Đông, theo Diplomat.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cùng Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản, Ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cùng Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản, Ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì.

Bản tuyên bố viết: "Mỹ kêu gọi Trung Quốc rút các hệ thống tên lửa khỏi các thực thể đang tranh chấp trên quần đảo Trường Sa [thuộc chủ quyền của Việt Nam], và tái khẳng định rằng tất cả các nước tránh những tranh chấp thông qua hành vi áp bức hay đe dọa".

Bản tuyên bố được đưa ra khi kết thúc cuộc gặp cấp cao giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản, Ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa, về những vấn đề ngoại giao và an ninh giữa hai nước.  

Cuộc Đối thoại Ngoại giao - An ninh dự kiến diễn ra trong tháng 10 nhưng đã bị trì hoãn do những căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung vì cuộc chiến thương mại đang xảy ra giữa 2 nước, cùng việc Mỹ đồng ý bán vũ khí cho Đài Loan và vụ tàu chiến của Mỹ và Trung Quốc suýt va chạm trên Biển Đông, hay việc Mỹ áp dụng lệnh trừng phạt với Trung Quốc vì nước này mua vũ khí quân sự của Nga.

Cùng với việc kêu gọi Trung Quốc rút tên lửa ra khỏi Biển Đông, bản tuyên bố cũng nhấn mạnh rằng hai bên "cam kết hỗ trờ hòa bình và ổn định trên Biển Đông, với giải pháp hòa bình cho những tranh chấp, và sự tự do hàng hải và bay, sử dụng hợp pháp các vùng biển theo luật quốc tế".

Trung Quốc và Mỹ có cách hiểu về tự do hàng hải khác biệt nhau, với việc Bắc Kinh phân biệt giữa quyền di chuyển cho các tàu quân sự và dân sự. Thêm nữa, Trung Quốc chống lại các hoạt động giám sát quân sự trong các vùng mà nước này tự coi là vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Phơi bày sự khác biệt giữa cách giải thích khác nhau của hai bên, ông Dương Khiết Trì nói: "Không có vấn đề gì để cản trở tự do hàng hải hay bay - nhưng dùng vấn đề này cho các hành động quân sự là không thể bào chữa được". Ông cũng nói thêm: "Phía Trung Quốc cho rằng Mỹ cần ngừng đưa tàu chiến và máy bay vào các đảo của Trung Quốc [chiếm đóng phi pháp trên Biển Đông] và dừng các hành động gây ảnh hưởng tới chủ quyền là lợi ích an ninh của Trung Quốc".

Vào tháng 10, tàu khu trục tên lửa của Mỹ USS Decatur đã gặp sự cố gần như đã va chạm với tàu khu trục Lan Châu của quân đội Trung Quốc - khi tàu này định ngăn chặn cuộc tuần tra vì tự do hàng hải của tàu Mỹ đi qua khu vực Đá Ga Ven thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Đầu năm nay tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã nêu bật những hành động quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông trước khi hội kiến các quan chức anh ninh châu Á và những chuyên gia độc lập về quốc phòng.

Ông Mattis nói: "Hành động quân sự hóa của Trung Quốc ở các thực thể nhân tạo [bồi đắp, cải tạo phi pháp] trên Biển Đông, bao gồm việc triển khai các tên lửa chống hạm, tên lửa đất đối không, hệ thống gây nhiễu điện tử, và gần đây nhất là đưa máy bay ném bom ra đảo Phú Lâm [thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đã chiếm đóng phi pháp từ những năm 1970]".

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng nói thêm: "Dù Trung Quốc tuyên bố điều ngược lại, việc đưa những hệ thống vũ khí này gắn trực tiếp với việc sử dụng quân sự cho những mục đích hăm dọa và áp bức". Trước những động thái của Bắc Kinh trên Biển Đông, Mỹ đã hủy bỏ lời mời quân đội Trung Quốc tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2018 diễn ra hai năm một lần với những cuộc tập trận hải quân đa phương.

Dù Mỹ kêu gọi Trung Quốc rút vũ khí khỏi Biển Đông, không chắc Bắc Kinh sẽ thực thi điều này. Kể từ 2014, Trung Quốc đã từ từ hoàn thành một loạt các công trình trên 7 hòn đảo được bồi đắp cải tạo phi pháp thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Việc đưa tên lửa hành trình bảo vệ bờ biển và tên lửa đất đối không hiện đang giúp cho Trung Quốc có thể củng cố sự kiểm soát trong khu vực.