Các trang mạng lớn như Hoàn Cầu và Sina của Trung Quốc ngày 14/8 đã đăng tải bài viết thu hút lượng truy cập rất lớn về thông tin này. Bài báo viết, theo một bài báo đăng trên cơ quan truyền thông Hàn Quốc Chosun Ilbo ngày 13/8, một nguồn tin nói loại pháo nòng dài chiến lược tầm xa (Strategic Long Range Cannon, SLRC) được phát triển bởi quân đội Mỹ với tầm bắn hơn 1.000 dặm Anh (1.600 km) có thể được triển khai trên bán đảo Triều Tiên. Nếu loại pháo này được bố trí ở Hàn Quốc, các thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh và Thượng Hải sẽ đều nằm trong tầm bắn của nó.
Tin cho biết vào ngày 11/8, theo giờ địa phương, tạp chí kinh tế Mỹ Forbes đã đăng bài "Nếu khởi chiến với Trung Quốc đâu sẽ là nơi Hoa Kỳ triển khai đại bác tầm xa với xạ trình 1.000 dặm?”. Theo bài báo, vì hầu hết các tranh chấp trước đây với Trung Quốc đều xảy ra trên biển, nên trừ khi giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ có một cuộc chiến toàn diện, bằng không lục quân Mỹ luôn bị coi là có vai trò hạn chế. Nhưng nếu lục quân Mỹ hoàn thành việc bố trí loại pháo chiến lược tầm xa với tầm bắn 1.000 dặm thì đó lại là một vấn đề khác.
Bản chỉ dẫn giới thiệu về loại pháo chiến lược tầm xa SLRC của lục quân Mỹ (Ảnh: Đông Phương).
|
Bài báo cho rằng Hàn Quốc, Nhật Bản và Philippines là những khu vực “ứng cử viên” để Mỹ triển khai pháo binh, "nhưng không có gì đảm bảo rằng những nước này muốn đặt loại pháo này trên đất họ”. Thay vào đó, báo cáo đề xuất rằng những khẩu pháo này có thể được triển khai bí mật trên các đảo ở vùng biển xung quanh Trung Quốc, nhưng thật khó để chống lại các cuộc tấn công của Trung Quốc. Lý do sở dĩ Hàn Quốc được đưa vào khu vực ứng cử có thể được thấy từ bản đồ trong báo cáo do RAND Corporation công bố vào năm 2019. RAND đã đưa ra giả thiết triển khai các cỗ đại pháo hoặc tên lửa với tầm bắn 750 dặm (1200 km) tại Hàn Quốc, Nhật Bản, và Philippines. Nếu được triển khai ở Hàn Quốc, nó sẽ có vị trí tốt nhất để tấn công các khu vực cốt lõi của Trung Quốc.
Siêu pháo chiến lược tầm xa được kéo bằng xe tải quân sự (Ảnh: news.qq.com).
|
Vào đầu năm nay, một số lượng lớn các bức ảnh về khẩu pháo tầm bắn 1.000 dặm do Bộ Tư lệnh tương lai của lục quân Mỹ đang nghiên cứu phát triển đã xuất hiện trên các nền tảng như Twitter. Tháp pháo được thiết kế để có thể kéo bằng một xe tải quân sự lớn. Tài liệu xuất hiện như một bản chỉ dẫn phát triển nói rằng cỗ pháo được thao tác bởi 8 pháo thủ và có thể được vận chuyển bằng tàu biển hoặc máy bay. Tờ chuyên san quân sự Defense News của Mỹ cũng đưa tin, sản phẩm thử nghiệm của pháo tầm xa chiến lược sẽ được hoàn thành vào năm 2023 và việc thử nghiệm thực tế sẽ bắt đầu.
Trang tin Đông Phương của Hồng Kông ngày 14/8 cũng đăng bài viết về thông tin này. Bài báo viết, quan hệ Trung - Mỹ ngày càng trở nên căng thẳng, và quân đội hai nước có thể giáp chiến ở Đông Á. Truyền thông Mỹ đưa tin lục quân nước này đang phát triển một loại pháo chiến lược tầm xa với tầm bắn 1.600 km và nó có thể được triển khai ở các nước đồng minh như Hàn Quốc, Nhật Bản và Philippines. Điều này có nghĩa là thủ đô Trung Quốc Bắc Kinh và các thành phố ven biển lớn như Thượng Hải đều nằm trong phạm vi khống chế hỏa lực của nó.
Mẫu đạn phản lực thiết kế cho loại pháo chiến lược tầm xa (Ảnh: new.qq.com).
|
Đông Phương viết, theo bài viết của cơ quan truyền thông Mỹ Defense News hồi tháng 10/2019, lục quân Mỹ có kế hoạch trưng bày mẫu của loại pháo chiến lược tầm xa này vào năm 2023. Nếu vượt qua "bài kiểm tra bắn thử ban đầu", nó sẽ được giao cho lãnh đạo quân đội phê duyệt dự án. Trên mạng xã hội hồi tháng 2 năm nay đã lan truyền bức ảnh được cho là chụp tại một sự kiện của Bộ Tư lệnh Tương lai Lục quân. Tại đó đã trưng bày thông tin về khẩu pháo chiến lược tầm xa, thu hút sự chú ý của giới truyền thông và những người thích tìm hiểu về quân sự.
Tuy nhiên, từ nay đến năm 2023 còn những ba năm nữa, đến khi đó tình hình thế giới và khu vực có thể đã khác và loại pháo chiến lược tầm xa này có thể đã trở thành lạc hậu và không đáng sợ như thời điểm hiện nay nữa.