Mượn chuyện cấm Ant, chuyên gia nói danh sách đen của Mỹ “phần lớn chỉ mang tính biểu tượng”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Washington đang xem xét đưa tập đoàn công nghệ Ant Group của Trung Quốc vào danh sách đen thương mại của nước này.
Ảnh: BusinessLIVE
Ảnh: BusinessLIVE

Việc Ant Group - một tập đoàn tài chính công nghệ khổng lồ của Trung Quốc -có nguy cơ bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại ít có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty này vì hãng chủ yếu tập trung vào thị trường trong nước.

Được biết, Washington đang cố gắng đưa Ant Group do Alibaba sở hữu 33% và được đặt dưới sự quản lý của tỷ phú Jack Ma vào “danh sách thực thể” của Hoa Kỳ. Danh sách đen này sẽ hạn chế các công ty Mỹ kinh doanh với các cá nhân hoặc công ty được nêu tên. Nó cũng yêu cầu các công ty Mỹ phải xin được giấy phép trước khi xuất khẩu một số sản phẩm nhất định cho các công ty nằm trong danh sách đen.

Nguy cơ bị Mỹ đưa vào danh sách đen của Ant Group diễn ra vào thời điểm khá nhạy cảm. Công ty hiện đang chuẩn bị cho đợt phát hành cổ phiếu lần đầu tiên ra công chúng (IPO) cùng lúc tại Thượng Hải và Hồng Kông.

Ảnh: CNN

Ảnh: CNN

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc đưa Ant Group vào danh sách đen sẽ không có tác động lớn đến hoạt động kinh doanh thực tế cũng như đợt chào bán IPO sắp tới của hãng.

“Danh sách đen thương mại phần lớn mang tính biểu tượng. Nó sẽ không hiệu quả trong việc ngăn cản Ant ra mắt công chúng hoặc đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng” - ông Abishur Prakash, chuyên gia địa chính trị tại Trung tâm Đổi mới Tương lai (CIF) - một công ty tư vấn có trụ sở tại Toronto nhận định.

“Tuy nhiên, danh sách đen có hiệu quả ở một khía cạnh khác: khiến các quốc gia thận trọng về việc liên kết hệ sinh thái công nghệ của họ với Trung Quốc” - ông nói thêm.

Chính phủ Tổng thống Trump đã sử dụng “Danh sách thực thể” để nhắm mục tiêu vào các công ty công nghệ Trung Quốc, nổi tiếng nhất là Huawei. Lệnh cấm đã làm tổn thương nghiêm trọng “gã khổng lồ” viễn thông Trung Quốc vì công ty phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ Mỹ. Sau khi bị đưa vào danh sách đen, Huawei đã bị cắt quyền sử dụng hệ điều hành di động Android của Google trên các sản phẩm smartphone của mình. Hậu quả là các lô hàng điện thoại thông minh xuất đi nước ngoài của hãng bị ảnh hưởng.

Chưa dừng lại ở đây, Tổng thống Trump tiếp tục theo đuổi lập trường cứng rắn đối với các công ty công nghệ Trung Quốc bao gồm việc đe dọa cấm Tentcent - công ty mẹ của WeChat và TikTok thuộc sở hữu của ByteDance.

Ant Group khác biệt như thế nào?

Ảnh: CNBC

Ảnh: CNBC

Sự khác biệt lớn nhất ở đây là Ant Group không phụ thuộc vào công nghệ Mỹ. Hầu hết người dùng của công ty đều ở Trung Quốc và các sản phẩm của hãng cũng chỉ tập trung vào thị trường trong nước. Ant Group hiện đang điều hành ứng dụng thanh toán Alipay, với hơn 700 triệu người dùng hoạt động hàng tháng tại Trung Quốc. Ngoài ra, hãng cũng hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm, quản lý tài sản,…

Một phần hoạt động tài chính của Ant Group là bán công nghệ tài chính cho các tổ chức tài chính và thu phí dịch vụ cho công nghệ được bán ra. Một lần nữa, phần lớn trong số này tập trung vào thị trường Trung Quốc.

Theo CNBC, chỉ dưới 5% doanh thu của Ant Group đến từ nước ngoài.

“Với hoạt động khôn ngoan, dù bị đưa vào danh sách thực thể, tôi không nghĩ nó sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Ant Group” - Edith Yeung, đối tác của công ty đầu tư mạo hiểm Race Capital, nói với CNBC.

Tuy nhiên, Ant cũng có một số quan hệ đối tác với các công ty Mỹ. Vào năm 2017, nền tảng thanh toán Stripe của Hoa Kỳ đã hợp tác với Alipay cho phép các doanh nghiệp sử dụng hệ thống Stripe có thể thanh toán qua qua ví di động của Alipay. Năm ngoái, Alipay và quỹ đầu tư sừng sỏ của Mỹ - Vanguard đã hợp tác với nhau nhằm tạo ra một liên doanh dịch vụ tư vấn quỹ đầu tư cho người dùng Trung Quốc.

IPO của Ant có bị đe dọa?


Đợt IPO kép tại Hồng Kông và Thượng Hải của Ant Group có thể một trong những đợt IPO lớn nhất từ trước đến nay. Nhiều báo cáo dự đoán công ty có thể đạt được mức định giá 200 tỷ USD cho lần đầu ra mắt này.

Ảnh: China Daily

Ảnh: China Daily

Vào tuần trước, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio đã kêu gọi chính phủ Mỹ xem xét các biện pháp nhằm trì hoãn IPO của Ant Group. Hiện chưa rõ Washington có thể làm gì để trì hoãn đợt niêm yết này.

Trong khi đó, Ant Group cũng nhận thức rõ về những căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong bản báo cáo IPO được nộp cho sàn chứng khoán Hồng Kông, công ty coi đây là nguy cơ đối với hoạt động kinh doanh của hãng.

“Những hạn chế trên do Hoa Kỳ và có thể là các khu vực khác áp đặt trong tương lai có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tiếp cận hoặc sử dụng các công nghệ, hệ thống, thiết bị có khả năng quan trọng đối với cơ sở hạ tầng công nghệ của chúng tôi” - Ant Group cho biết.

Công ty cũng nói thêm rằng lệnh cấm có thể ảnh hưởng việc tuyển dụng của công ty đối với lực lượng nhân tài ở Mỹ và khiến danh tiếng của công ty bị ảnh hưởng.

“Chúng tôi không chắc chắn rằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu hiện tại hoặc các quy định trừng phạt kinh tế, thương mại khác sẽ không có tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh và danh tiếng của chúng tôi” - công ty cho hay.

Theo CNBC