Mưa, gió lốc, nhiệt độ, triều cường ở TP.HCM tăng cao đáng ngại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes –  Đáng ngại là hiện tượng mưa lớn, gió lốc, ngập lụt, nhiệt độ, triều cường ở TP.HCM đều tăng cao, đe dọa đô thị và đời sống dân cư.

Hiện tượng triều cường dâng cao gây khó khăn cho giao thông TP.HCM vào thời điểm 18 giờ (Ảnh: HB ghép)
Hiện tượng triều cường dâng cao gây khó khăn cho giao thông TP.HCM vào thời điểm 18 giờ (Ảnh: HB ghép)

Triều cường nặng nề đe dọa dân cư

Tại cuộc họp chiều nay, ngày 3/11, UBND TP.HCM cho biết, cảnh báo từ cơ quan chức năng đưa ra, ngập sẽ xuất hiện ở nhiều khu vực TP.HCM, vì mực nước triều tại các vùng trạm hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai đạt đỉnh.

Triều cường tại TP.HCM những năm gần đây cũng tăng đáng kể. Số liệu tại trạm Phú An đã xuất hiện khá nhiều đợt triều cường lớn. Cụ thể trong năm 2018, đã xuất hiện 7 đợt triều cường lớn (đỉnh triều đạt và vượt mức báo động cấp III, riêng đợt triều đầu tháng 2/2018, đỉnh triều đạt 1,71 m). Đến tháng 10/2019, đỉnh triều phá vỡ mọi kỉ lục trước đó khi số đo thực tại trạm Phú An chiều 30/9/2019 lên tới 1,77m. Triều cường dâng cao thường xuyên gây vỡ bờ bao và là mối lo ngại lớn của người dân, nhất là tại quận 8 và quận 12 là hai địa bàn chịu ảnh hưởng nặng của triều cường.

Từ các số liệu thống kê về thay đổi khí hậu trong thời gian qua và thống kê các thiệt hại có thể nhận thấy khả năng dễ bị tổn thương của TP.HCM trước những biến đổi cực đoan của khí hậu.

Dự báo, mực triều cường tại TP.HCM đạt đỉnh vào hôm nay và ngày mai. Ảnh- Quỳnh Danh
Dự báo, mực triều cường tại TP.HCM đạt đỉnh vào hôm nay và ngày mai. Ảnh- Quỳnh Danh

Cây xanh bật gốc, gió tốc mái trường

Mới đây, hôm 1/11, Công ty Công viên cây xanh TP.HCM cho biết, trong cơn mưa dông xảy ra vào tối ngày 31/10, có đến 70 cây xanh bật gốc, đổ ngã đồng loạt trên nhiều tuyến đường.

Qua thống kê, Công ty Công viên cây xanh TP.HCM ghi nhận hầu hết sự cố xảy ra ở khu vực Quận 6, bao gồm khu vực đường Võ Văn Kiệt. Đây chính là khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất của những thay đổi thời tiết, như hiện tượng triều cường gia tăng. Sự cố cây xanh ngã đổ hàng loạt như thế này trước nay chưa từng xảy ra.

Cũng trong khu vực quận 6, trong cơn dông lốc hôm 31/10 đã xảy ra sự cố tốc mái một ngôi trường, nhiều phòng học bị ảnh hưởng nặng nề. Chiều tối 1/11, ông Nguyễn Thành Trung, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, Sở có quyết định cho phép học sinh Trường THPT Bình Phú (quận 6) tạm nghỉ học trong hai ngày, là 2 và 3/11 để khắc phục sự cố tốc mái sau cơn mưa lớn.

Để đảm bảo an toàn cho học sinh, ngoài việc khắc phục sự cố mái ở dãy nhà khu B, nhà trường sẽ gia cố lại mái của các phòng học ở dãy nhà bên cạnh. Tuy nhiên, do bị tốc mái, kèm theo mưa lớn nên hơn 50 máy tính ở phòng máy, các thiết bị như máy chiếu, máy lạnh, quạt... của 5 phòng học ở lầu 3 dãy nhà B của trường hư hỏng nặng. Rất may là sự việc xảy ra vào chiều thứ bảy, học sinh được nghỉ học nên không có thiệt hại về người.

Trường tốc mái, phòng học bị ảnh hưởng nặng nề (Ảnh: TTBC)
Trường tốc mái, phòng học bị ảnh hưởng nặng nề (Ảnh: TTBC)

Lượng mưa tăng trên nền nhiệt cao

Nhiệt độ trung bình năm của TP.HCM trong thời kỳ 1993 đến hiện tại gia tăng trên toàn khu vực. Trong đó, mức tăng trong các tháng mùa khô cao hơn và tăng khoảng 0,7 độ C. Kèm theo đó, lượng mưa trong giai đoạn này ở khu vực phía Tây và Tây Nam gia tăng trên 100mm so với thời kỳ trước đó. Thậm chí có trận mưa còn vượt 200mm.

Ngoài ra, các nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy hiện tượng mưa cực đoan cũng gia tăng theo, số lượng các cơn mưa lớn có xu hướng gia tăng nhanh chóng.

Độ lún của thành phố được UBND TP.HCM cho biết, thời gian gần đây càng lúc càng tăng, trung bình mỗi năm thành phố lún thêm 1 cm, đe doạ hạ tầng đô thị và đời sống dân cư.

Nghiên cứu quan trắc biến dạng mặt đất được thực hiện đã đưa ra những con số giật mình. Khu vực các quận 2, 7 và Bình Thạnh, bề mặt đất lún biến dạng khoảng hơn 20 cm. Thấp hơn là mức biến dạng lún 15 - 20 cm ở quận 1, 3, 4, 5, 8, 9, 12, quận Gò Vấp, huyện Bình Chánh; khu vực biến dạng lún 10 - 15 cm xảy ra ở các quận 6, 10, 11, Tân Bình, Bình Tân, Tân Phú, Phú Nhuận, Gò Vấp, Thủ Đức và huyện Bình Chánh.

Triều cường mênh mông nhiều tuyến đường (Ảnh: Duyên Phan)

Triều cường mênh mông nhiều tuyến đường (Ảnh: Duyên Phan)

Về mực nước ven biển tại TP.HCM, theo kết quả phân tích, đang có xu hướng dâng lên rõ rệt. Mực nước biển dâng thêm và lượng mưa tăng do biến đổi khí hậu trong những năm gần đây làm cho tình trạng ngập lụt tại TP.HCM ngày càng trầm trọng.

Giải pháp nào cho TP.HCM?

Để hạn chế tác động của biến đổi khí hậu đến môi trường sống tại TP.HCM, UBND TP.HCM đã đặt ra ba nhóm nhiệm vụ để thực hiện.

Trong đó, nhóm nhiệm vụ giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong giai đoạn 2021-2030, TP.HCM sẽ tiến hành 20 chương trình, dự án.

Đối với nhóm nhiệm vụ thích ứng với biến đổi khí hậu trong giai đoạn 2020, TP.HCM sẽ thực hiện tổng số 17 chương trình, dự án.

Triều cường mênh mông không thể biết đâu là đường, đâu là kênh (Ảnh: Duyên Phan)

Triều cường mênh mông không thể biết đâu là đường, đâu là kênh (Ảnh: Duyên Phan)

Đồng thời, TP.HCM thực hiện nhóm nhiệm vụ chuẩn bị nguồn lực với nội dung sẽ đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y tế các trạm y tế phường, xã để kịp thời ứng phó với các tình huống dịch bệnh do thời tiết cực đoan hoặc các thiên tai nguy hiểm như hoả hoạn, gió lốc…