Cuộc thi có 38 đề tài ứng dụng và khởi nghiệp tranh tài, đều được Ban giám khảo đến từ Sở KH-CN TP, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng, đại diện các doanh nghiệp , các chuyên gia của Viện nghiên cứu ĐH Đông Á, đánh giá cao.
Các đề tài chia thành 2 khối: khối Kỹ thuật và khối Xã hội, là những giải pháp về các vấn đề mang tính thời sự về an sinh xã hội của địa phương, thiết thực với ngành nghề các bạn sinh viên đang theo đuổi và mong muốn khởi nghiệp trong tương lai.
38 đề tài ứng dụng và khởi nghiệp tranh tài tài cuộc thi
|
Tại sự kiện, ThS. Lương Minh Sâm - Phó Hiệu trưởng ĐH Đông Á cho biết: Nhà trường luôn tạo môi trường đa dạng cho hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) của sinh viên, bởi đây chính là giá trị, sự khác biệt của sinh viên trong giai đoạn CMCN 4.0. Các đề tài NCKH không chỉ dừng lại ở một nghiên cứu ứng dụng, mà còn mang tính sáng tạo khởi nghiệp cao; là sự liên kết chặt chẽ của mô hình Nhà trường - Sinh viên – Doanh nghiệp trong thương mại hóa các sản phẩm.
Để khuyến khích sinh viên sáng tạo, ĐH Đông Á đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp với sự hỗ trợ từ Tập đoàn Empire (Singapore). Ngoài ra, từ năm 2019, ĐH Đông Á sẽ dành 1 tỷ đồng phát triển Quỹ hỗ trợ sinh viên NCKH và sáng tạo khởi nghiệp hằng năm, trong đó đặc biệt ưu tiên nguồn lực hỗ trợ thương mại hóa các sản phẩm ứng dụng cao và các dự án sáng tạo khởi nghiệp.
Từ 63 đề tài nghiên cứu ứng dụng được đăng ký và triển khai, có 38 đề tài chất lượng được tham gia tranh tài ở Cuộc thi sinh viên NCKH và sáng tạo khởi nghiệp 2019. Năm học 2018-2019, 7 dự án khởi nghiệp và NCKH của sinh viên đã góp mặt tại các cuộc thi khởi nghiệp SV các cấp. Trường cũng triển khai 7 đề tài NCKH và đưa sản phẩm ra thị trường trong thời gian tới.
Mô hình “Nuôi trồng và sản xuất rong nho tại vùng biển Lập An–Nam Ô” của nhóm sinh viên ngành công nghệ thực phẩm đã trồng thử nghiệm trên diện tích 200m2 và đang phát triển ổn định, vừa cung cấp nguồn thực phẩm sạch và góp phần cải thiện môi trường nước.
Từ năm 2019, ĐH Đông Á sẽ dành 1 tỷ đồng phát triển Quỹ hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học và sáng tạo
|
Trước đó, Đại học Đông Á cũng đã nghiên cứu và thực hiện sản xuất thí điểm nấm linh chi Ganoderma lucidum trên nguyên liệu bã mía tại TP. Đà Nẵng. Sản phẩm được gởi đến Bộ Y tế - Viện Dược liệu Việt Nam để phân tích xét nghiệm và hàm lượng kháng ung thư terpenoid hoàn toàn giống nấm linh chi tự nhiên. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã xác định rõ hiệu quả kinh tế của mô hình trồng nấm trên bã mía - mô hình đã tận dụng được nguồn phế liệu tại địa phương để tạo ra sản phẩm nấm có chất lượng và đảm bảo an toàn để phục vụ cộng đồng.