Vừa qua, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) đã có văn bản gửi Bộ TT-TT đề nghị không cấp phép cho Facebook phát sóng Ngoại hạng Anh (Premier League) khi không đảm bảo yêu cầu về Luật Cạnh tranh. Cụ thể, VNPayTV yêu cầu kiểm duyệt, biên tập, biên dịch nội dung Việt hóa.
VNPayTV cho rằng theo quy định hiện hành, một cơ quan được phát sóng các chương trình truyền hình phải được xem là một cơ quan báo chí. Do đó, theo Hiệp hội, Facebook cũng phải có các chương trình bình luận tiếng Việt đi kèm theo quy định của Luật Báo chí.
Theo VNPayTV, việc Facebook độc quyền phát sóng giải ngoại hạng Anh vào Việt Nam dẫn đến vi phạm Luật Cạnh tranh cũng như vi phạm các quy định về quản lý nội dung chương trình truyền hình theo Luật Báo chí.
Trao đổi riêng với VietTimes bên lề Hội thảo Bảo hộ quyền của tổ chức phát sóng trong môi trường số diễn ra mới đây, ông Nguyễn Quang Đồng – Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) – Hội Truyền thông số Việt Nam đánh giá, đề nghị này của VNPayTV thiếu cơ sở pháp lý.
Theo đề xuất của VNPayTV, Facebook đang được xem như một dạng báo chí - truyền hình, nên phải có biên tập nội dung, dịch sang tiếng Việt. Tuy nhiên, Viện trưởng IPS lật lại vấn đề: Cần làm rõ là thực sự Facebook có phải một dạng truyền hình hay không?
“Tôi cho rằng không hẳn. Về mặt pháp lý, hiện tại chưa có quy định pháp lý cụ thể về việc này. Tuy nhiên, tôi cho rằng, xu hướng phát sóng trên các môi trường số như Youtube hay Facebook là một xu hướng mới và ngày càng phổ biến”, ông Đồng nhận định.
Dẫn ví dụ về tiền lệ, trong kì Sea Games 2017, Singapore cũng đã phát sóng cho cả khu vực Đông Nam Á bằng tiếng Anh, ông Đồng thẳng thắn cho rằng những chương trình như vậy sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng vì họ được tiếp cận một kênh thông tin mới. Hơn nữa, xu hướng giới trẻ hiện nay những người nhạy bén với công nghệ, họ ưa thích sử dụng các nền tảng công nghệ nhiều hơn, họ xem trên YouTube, Facebook, trên các website nhiều hơn. Đồng thời, khả năng ngôn ngữ của họ rất tốt.
“Do đó, nếu có thêm một kênh lựa chọn thì tại sao chúng ta phải chặn? Nếu người dùng muốn nghe bình luận trực tiếp bằng tiếng Anh, tại sao bắt họ phải nghe bình luận tiếng Việt (trên Facebook – PV), trong khi chúng ta đã có một hệ thống các kênh truyền hình truyền thống có các bình luận tiếng Việt rồi?” – ông Đồng phản biện.
Về khía cạnh độc quyền, ông Nguyễn Quang Đồng cho rằng đây không có dấu hiệu độc quyền, vì Facebook không ép người dùng phải lựa chọn sản phẩm của họ. Độc quyền chỉ diễn ra khi nhà cung cấp chỉ cung cấp một nội dung duy nhất và người dùng không còn lựa chọn nào khác. Trong khi đó, quyền lựa chọn phụ thuộc vào người tiêu dùng: Họ có thể xem trên các kênh truyền thống, hoặc trên các nền tảng mới, bằng ngôn ngữ này hoặc ngôn ngữ khác.
Hơn thế nữa, các dịch vụ của Facebook khi phát sóng ở Việt Nam thì sẽ tạo ảnh hưởng lan tỏa. Không chỉ đơn thuần doanh thu quảng cáo thuộc về Facebook mà việc này cũng đồng thời tạo lợi nhuận cho doanh nghiệp, hộ gia đình, cho những người kinh doanh trên MXH này tại Việt Nam.
“Một đồng chui vào túi ông Facebook thì cũng sẽ tạo nhiều đồng khác về doanh thu, lợi nhuận cho người dùng Việt Nam. Tôi cho rằng đó là xu hướng các cơ quan quản lý cần tính đến. Bản thân nhà đài cũng cần tính đến xu thế đó bằng cách phối hợp với Facebook để khai thác các gói nội dung trên đó, không chỉ là nội dung trận đấu phát sóng trực tiếp mà kèm với các chương trình bình luận. Đó vẫn là thế mạnh của các nhà đài Việt Nam”, Viện trưởng IPS nói.
Cho đến thời điểm này, Facebook chưa công bố bất cứ thông tin chính thức nào liên quan đến việc phát sóng Ngoại hạng Anh tại Việt Nam từ tháng 8/2019. |
Kiến nghị không cấp phép cho Facebook phát sóng Ngoại hạng Anh của VNPayTV được đưa ra sau khi báo chí quốc tế đưa tin Facebook đã đạt thỏa thuận phát sóng trực tiếp Premier League trên nền tảng mạng xã hội của mình tại châu Á, bao gồm cả Việt Nam, Thái Lan... Theo đó, từ mùa giải 2019-2020, người dùng mạng xã hội có thể xem trực tuyến các trận đấu bóng đá Premier League trên Internet. Để đạt được thỏa thuận này, Facebook được cho đã chi tới 264 triệu USD và đánh bại các nhà cung cấp truyền hình hàng đầu tại châu Á như BeIN Sport hay Fox Sport Asia. Mạng xã hội này cũng được phép phát sóng toàn bộ 380 trận đấu của mùa giải và bản quyền phát sóng Premier League kéo dài trong ba mùa bóng.
Hiện Facebook có khoảng 60 triệu người dùng ở Việt Nam, với doanh thu quảng cáo đạt 235 triệu USD mỗi năm. Ở Thái Lan, MXH này đang đàm phán với True Sport để tổ chức bình luận giải đấu bằng tiếng Thái. Nhiều khả năng, họ cũng sẽ hợp tác với một đài truyền hình của Việt Nam để thực hiện bình luận bằng tiếng Việt.
Tuy nhiên cho đến thời điểm này, Facebook chưa công bố bất cứ thông tin chính thức nào liên quan đến việc phát sóng Ngoại hạng Anh tại Việt Nam từ tháng 8/2019.