Một công ty khởi nghiệp đang muốn upload não người lên máy chủ

VietTimes -- Bạn có tin rằng sau khi con người chết đi, mọi trí nhớ trong não vẫn được lưu lại một cách đầy đủ? Startup Nectome đang nghiên cứu công nghệ upload não lên máy chủ giúp não của con người trở nên bất tử. 
Công nghệ sẽ giúp não người trở nên bất tử (Ảnh Internet)
Công nghệ sẽ giúp não người trở nên bất tử (Ảnh Internet)

Một công ty khởi nghiệp cho biết họ có thể phát minh ra một công nghệ giúp làm bất tử não người bằng cách tải nội dung bộ nhớ của não lên đám mây.

Công ty này có tên là Nectome. Họ đang nghiên cứu về một phương pháp có tính đột phá của tương lai – phương pháp bảo quản bằng cryo được ổn định bằng anđehit (ASC) – phương pháp mà họ cho là sẽ mã hóa trí nhớ của con người bằng cách bảo quản các kết nối thần kinh trong não, giúp não sống được hàng trăm năm.

“Nhiệm vụ của chúng tôi là bảo quản não của người đủ tốt để duy trì tất cả trí nhớ của não không hề suy giảm: từ chương tâm đắc trong cuốn sách bạn yêu thích cho đến cảm giác không khí lạnh mùa đông, vị một miếng bánh táo mà bạn cắn hay sự vui vẻ khi ăn tối với bạn bè và gia đình”, công ty này viết trên trang web của mình.

Tuy bản thân công nghệ này nghe có vẻ phi thực tế, nhưng quá trình để đạt được nó như một ác mộng. Ứng viên tiềm năng được lựa chọn thực hiện phương pháp này sẽ phải bị tiêm hóa chất bảo quản để đảm bảo chắc chắn dẫn đến cái chết.

Tuy nhiên, điều làm tăng nguy cơ cao nhất dẫn đến thất bại của quá trình này đó là để các nhà khoa học mã hóa bộ não của con người, bắt buộc phải “thủy tinh hóa” não và để làm được như vậy, não phải được lấy ra khỏi cơ thể của ứng viên ngay tại thời điểm họ chết, tờ Người bảo vệ cho biết.

Nhờ công nghệ, dù cơ thể đã chết, nhưng bộ não chúng ta vẫn sẽ sống và được cập nhật ý thức liên tục (Ảnh Internet)

Để đảm bảo chắc chắn là mình sẽ không vi phạm bất cứ quy định nào liên quan đến luật tự tử có hỗ trợ nếu đưa quy trình này ra thị trường, công ty Nectome đã tham vấn rất nhiều luật sư am hiểu về các bộ luật như là luật End of Life Option Act của California.

Tuy nhiên, thậm chí nếu như công nghệ này được cho là hợp pháp, thì họ vẫn gặp một phải thách thức đó là phải chứng minh công nghệ này thực sự hiệu quả và không phải là một trò lừa bịp. Hiện nay, chưa có đủ nghiên cứu chứng tỏ rằng trí nhớ của con người vẫn tiếp tục tồn tại sau khi chết. Do đó, có rất nhiều vấn đề về mặt sinh học hiện các chuyên gia đang tranh cãi – như là vấn đề ý thức thực sự gồm những gì.

“Những người phủ nhận khả năng lưu trữ được ý thức của não người sau khi họ chết sẽ xem ASC đơn thuần là một phương pháp ướp xác chất lượng cao và là cách bảo quản thi thể trong phòng lạnh – hoàn toàn là một sự lãng phí thời gian và công sức”, tổ chức Brain Preservation Foundation (BPF) cho biết trong một bài viết liên quan đến công nghệ này, tờ Newsweek trích dẫn.

“Ở một khía cạnh khác, những người cho rằng con người sẽ thực sự phát triển được công nghệ lưu trữ ý thức thích coi ASC như là cơ hội tốt nhất của họ để được sống sót và vươn đến thế giới tương lai. Có thể phải mất hàng thập kỷ hay thậm chí là hàng thế kỷ để phát triển được công nghệ lưu trữ ý thức nếu có thể”.

BPF cũng đã trao tặng công ty Nectome 80.000 USD vì lần đầu tiên trong lịch sử họ đã thành công trong việc bảo quản não của một con lợn. Để rõ hơn, thì bộ não của chú lợn này không phải được công ty bảo quản theo cách để nó có thể phục hồi trong tương lai. Thay vào đó, hệ kết nối thần kinh trong não của con vật này được bảo quản theo cách mà nó có thể sẽ được mã hóa số trong tương lai khi điều kiện cho phép.

Mặc dù công ty này sẽ còn phải mất nhiều năm nữa mới có thể phát triển được một phiên bản công nghệ như vậy trước khi được sử dụng rộng rãi, nhưng hiện tại họ đã nhận được một danh sách 25 người đợi được sử dụng phương pháp này, những ứng viên đó đã phải trả 10.000 USD để đăng ký. “Tôi hy vọng mọi ý thức trong não bộ của mình sẽ được lưu trữ lên dữ liệu đám mây”, Sam Atman, chủ tịch một công ty khởi nghiệp có tên Y Combinator, người đã chịu chi tiền để được chờ đợi sử dụng phương pháp này nói.

Nectome hy vọng rằng họ có thể hoàn thành được mô hình lưu trữ dữ liệu số của “mạng thần kinh sinh học” vào khoảng năm 2024.