Mì cốc Jinro Ramen bị Đài Loan thu hồi vì chứa chất cấm: Của hãng nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Jinro Ramen được một số sàn thương mại điện tử giới thiệu là sản phẩm của HiteJinro - nhà sản xuất rượu soju lớn nhất thế giới.

Như VietTimes đã đưa tin, ngày 26/7/2022, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (FDA) đã kiểm tra và thực hiện thu hồi, tiêu hủy lô hàng “mì cốc Jinro Ramen – hương vị bò Hàn Quốc 62gr” được nhập khẩu từ Việt Nam bởi Simple Mart Retail Co., với tổng trọng lượng 1.116 kg.

Sản phẩm “mì cốc Jinro Ramen – hương vị bò Hàn Quốc 62g” vi phạm tiêu chuẩn. (Ảnh: FDA Đài Loan)

Sản phẩm “mì cốc Jinro Ramen – hương vị bò Hàn Quốc 62g” vi phạm tiêu chuẩn. (Ảnh: FDA Đài Loan)

Cơ quan này cho biết, gói gia vị trong sản phẩm “mì cốc Jinro Ramen – hương vị bò Hàn Quốc 62g” có dư lượng thuốc trừ sâu ethylene oxide khoảng 63,729 phần triệu (ppm), mà không được công bố trong thành phần kiểm duyệt.

Cũng theo FDA, nhà sản xuất/nhà xuất khẩu lô hàng này là Công ty TNHH Ottogi Việt Nam (Ottogi Việt Nam) – Chi nhánh Bắc Ninh.

Theo tìm hiểu của VietTimes, Ottogi Việt Nam là doanh nghiệp FDI Hàn Quốc, được thành lập từ tháng 11/2007, đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 2, phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương.

Trên địa chỉ website ottogivn.com, tự nhận là của Ottogi Việt Nam, đơn vị này cho biết đang sản xuất loạt sản phẩm trong lĩnh vực thực phẩm như tương cà, giấm, mì gói, mì ly và nhiều loại xốt, gia vị nấu ăn khác.

Tuy nhiên, danh sách các sản phẩm mà Ottogi Việt Nam sản xuất không đề cập tới mì cốc Jinro Ramen. Như vậy, Ottogi Việt Nam khả năng chỉ đóng vai trò là nhà xuất khẩu sản phẩm này sang Đài Loan, còn nhà sản xuất là một đơn vị khác.

Mì cốc Jinro Ramen được bán trên cửa hàng trực tuyến Ozon của Nga

Mì cốc Jinro Ramen được bán trên cửa hàng trực tuyến Ozon của Nga

Tìm hiểu của VietTimes cho thấy, sàn thương mại điện tử Riich.me của Campuchia đang bày bán sản phẩm mì cốc Jinro Ramen với giá 0,8 USD/hộp. Ở một website khác, nhà bán lẻ trực tuyến Ozon của Nga bán sản phẩm này với giá 7,36 USD/4 hộp.

Đáng chú ý, cả hai trang bán hàng đều giới thiệu mì cốc Jinro Ramen do HiteJinro – một doanh nghiệp Hàn Quốc có hơn 50 năm kinh nghiệm trong ngành thực phẩm – sản xuất. Thông tin này càng xác đáng hơn khi “Jinro” cũng nằm trong tên gọi của doanh nghiệp này.


HiteJinro – “ông trùm” đồ uống có cồn Hàn Quốc

HiteJinro ban đầu có tên Jinro, tiền thân là một nhà máy chưng cất ở Hàn Quốc, được thành lập từ năm 1924. Đây là nhà sản xuất rượu soju hàng đầu thế giới, chiếm hơn một nửa doanh số bán hàng nội địa trong lĩnh vực nước giải khát.

Năm 2006, Jinro được Hite – công ty bia nổi tiếng tại Hàn Quốc được thành lập vào năm 1933 – mua lại, rồi sau đó đổi tên thành HiteJinro và được chi phối bởi Hite Holdings Co., Ltd với tỷ lệ sở hữu 50,86%.

Tại Việt Nam, HiteJinro hoạt động thông qua pháp nhân Công ty TNHH HiteJinro Việt Nam, được thành lập vào tháng 12/2015, trụ sở chính đặt tại tầng 31, tòa nhà Handico, Khu đô thị mới Mễ Trì Hạ, Phạm Hùng, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

HiteJinro Việt Nam có vốn điều lệ ban đầu 8,8 tỉ đồng, gồm 2 thành viên góp vốn là Công ty Jinro Inc., (75%) và Công ty TNHH Các giải pháp kinh doanh Á Châu (25%).

Đến tháng 5/2017, HiteJinro Co., Ltd (Hàn Quốc) trực tiếp đứng tên là chủ doanh nghiệp, sở hữu 100% vốn HiteJinro Việt Nam. Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Cho Seong Gyun (SN 1972).

HiteJinro cho biết sản phẩm của họ đã có mặt tại hơn 65 quốc gia, nổi bật nhất là rượu Jinro Soju, rượu Jinro 24, Max Beer, rượu gạo Meakguli…

Năm 2021, HiteJinro ghi nhận doanh thu đạt 2.202,9 tỉ won (tương đương 38.735 tỉ đồng), giảm 2,3% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 71,77 tỉ won (tương đương 1.262 tỉ đồng), giảm 17,1% so với năm 2020.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của HiteJinro lần lượt đạt 1.231,5 tỉ won (tương đương 21.654 tỉ đồng) và 76,66 tỉ won (tương đương 1.348 tỉ đồng), tăng 11,9% và 45,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tại ngày 30/6/2022, tổng tài sản của HiteJinro đạt 3.426,1 tỉ won (tương đương 60.239 tỉ đồng), giảm 5,6% so với đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền là 462,1 tỉ won, tương đương 8.125,5 tỉ đồng.

Ở phía bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của HiteJinro là 2.314 tỉ won (tương đương 40.686 tỉ đồng), chiếm 67,5% tổng nguồn vốn. Lợi nhuận lũy kế chưa phân phối là 227,3 tỉ won, tương đương gần 4.000 tỉ đồng./.