Meta chia sẻ mã nguồn chatbot AI, các chuyên gia cho rằng đó là "một tiền lệ nguy hiểm"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Meta đã cho đi "viên ngọc" AI của mình trong cuộc chạy đua công nghệ khốc liệt khi quyết định phân phối hệ thống LLaMA dưới dạng phần mềm nguồn mở để bất kỳ ai cũng có thể xây dựng chatbot của riêng mình.

Ảnh: The New York Times
Ảnh: The New York Times

Meta - công ty sở hữu Facebook, Instagram và WhatsApp - đã tạo ra một nền tảng AI được gọi là LLaMA, để phát triển các chatbot trực tuyến. Nhưng thay vì giữ công nghệ cho riêng mình, Meta đã phát hành công khai mã nguồn nền tảng này.

“Nền tảng chiến thắng sẽ là nền tảng mở”, Yann LeCun, giám đốc AI của Meta, cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

LLaMA là hệ thống được gọi là mô hình ngôn ngữ lớn với khả năng phân tích lượng một lượng lớn văn bản và hình ảnh từ nhiều nguồn dữ liệu khác nhau. ChatGPT và Bard của Google cũng được xây dựng dựa trên các hệ thống như vậy.

Meta đã phát hành LLaMA một cách công khai, cho phép các học giả, nhà nghiên cứu của chính phủ và những người dùng khác tải xuống và sử dụng nó để xây dựng một chatbot của riêng họ.

Cuộc đua công nghệ AI dần nóng lên trên khắp Thung lũng Silicon. Meta đang nổi bật so với các đối thủ của mình bằng cách áp dụng một phương pháp tiếp cận công nghệ mới. Được thúc đẩy bởi người sáng lập và giám đốc điều hành, Mark Zuckerberg, Meta tin rằng điều thông minh nhất nên làm là chia sẻ nền tảng AI như một cách để lan rộng ảnh hưởng của họ và tiến nhanh hơn tới tương lai.

Động thái này trái ngược hoàn toàn với hành động của Google và OpenAI, hai công ty dẫn đầu trong cuộc chạy đua AI. Lo lắng rằng các công cụ như chatbot sẽ được sử dụng để truyền bá thông tin sai lệch, ngôn từ kích động thù địch và nội dung độc hại khác, những công ty này đang ngày càng trở nên bí mật về các phương pháp và phần mềm hỗ trợ các sản phẩm xoay quanh AI.

Google, OpenAI và những người khác đã chỉ trích Meta, cho rằng cách tiếp cận nguồn mở không kiểm soát là quá nguy hiểm. Sự gia tăng nhanh chóng của AI trong những tháng gần đây đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về những rủi ro của công nghệ này, bao gồm cả việc nó có thể đảo lộn thị trường việc làm như thế nào nếu không được triển khai đúng cách. Trong vòng vài ngày kể từ khi LLaMA được phát hành, hệ thống đã bị rò rỉ trên 4chan, bảng tin trực tuyến nổi tiếng với việc truyền bá thông tin sai lệch và gây hiểu lầm.

“Chúng tôi muốn suy nghĩ kỹ hơn về việc cung cấp thông tin chi tiết hoặc mã nguồn mở” của A.I. Zoubin Ghahramani, Phó Chủ tịch nghiên cứu của Google.

Một số nhà nghiên cứu tại Google cũng đã tự hỏi với cách tiếp cận mới này của Facebook có khiến họ mất lợi thế cạnh tranh không? Trong một bản ghi nhớ vào tháng này trên ấn phẩm trực tuyến Semianalysis.com, một kỹ sư của Google đã cảnh báo các đồng nghiệp rằng sự trỗi dậy của các phần mềm nguồn mở như LLaMA có thể khiến Google và OpenAI mất vị trí dẫn đầu về AI.

Tuy nhiên, Meta cho biết họ thấy không có lý do gì để giữ AI cho riêng mình. Tiến sĩ LeCun cho biết, việc giữ bí mật ngày càng tăng tại Google, OpenAI là một “sai lầm lớn”, đây là một “hành động thực sự tồi tệ đối với những gì đang xảy ra”. Ông lập luận rằng người tiêu dùng và chính phủ sẽ từ chối chấp nhận AI trừ khi những công nghệ này không bị kiểm soát bởi các các công ty như Google và Meta.

“Bạn có muốn mọi hệ thống AI đều nằm dưới sự kiểm soát của một vài công ty hùng mạnh của Mỹ?”, LeCun chia sẻ.

Cách tiếp cận mã nguồn mở của Meta không phải mới. Trong lịch sử ngành công nghệ đã tràn ngập các cuộc chiến giữa nguồn mở và hệ thống độc quyền. Mới đây nhất, chính Google cũng đã mở hệ điều hành di động Android để giành lấy sự thống trị của Apple trong lĩnh vực điện thoại thông minh.

Nhiều công ty đã chia sẻ công khai công nghệ AI trong quá khứ. Tuy nhiên, chiến thuật của họ đang thay đổi vì cuộc đua xung quanh AI ngày một khốc liệt. Sự thay đổi đó bắt đầu vào năm ngoái khi OpenAI phát hành ChatGPT. Thành công rực rỡ của chatbot đã khiến người tiêu dùng kinh ngạc và ngay lập tức một cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực Chatbot đã diễn ra. Các gã khổng lồ đổ hàng núi tiền vào dịch vụ mới này, Google đang nhanh chóng kết hợp AI vào các sản phẩm của mình, trong khi Microsoft đã đầu tư 13 tỉ USD vào OpenAI.

Trong khi Google, Microsoft và OpenAI dường như đang dành toàn bộ nguồn lực vào AI, thì Meta cũng đã đầu tư vào công nghệ này trong gần một thập kỷ qua. Gã khổng lồ mạng xã hội đã chi hàng tỉ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết để hiện thực hóa chatbot và “AI thế hệ mới”.

Trong những tháng gần đây, Meta đã làm việc ngày đêm để đào tạo AI, nghiên cứu và phát triển chúng thành các sản phẩm mới. Ông Zuckerberg đang tập trung vào việc biến công ty thành một doanh nghiệp AI, tổ chức các cuộc họp hàng tuần về chủ đề này với nhóm điều hành và các nhà lãnh đạo sản phẩm của mình.

Tuần trước, trong một cam kết với AI, Meta cho biết họ đã thiết kế một con chip máy tính mới và cải tiến một siêu máy tính mới dành riêng cho việc xây dựng công nghệ tương lai này. Gã khổng lồ truyền thông này cũng đang thiết kế một trung tâm dữ liệu máy tính mới với mục đào tạo ra những AI tân tiến hơn.

“Chúng tôi đang xây dựng cơ sở hạ tầng tiên tiến cho AI", Ông Zuckerberg chia sẻ

Một tiền lệ nguy hiểm?

Meta đã đi xa hơn nhiều các công nghệ AI với mã nguồn mở. Dự án này cho phép người dùng tải xuống một phiên bản LLaMA sau khi nó đã được đào tạo thông qua một lượng lớn văn bản kỹ thuật số được chọn lọc từ internet. Các nhà nghiên cứu gọi đây là "giải phóng trọng số" đề cập đến các giá trị toán học cụ thể mà hệ thống đã học được khi phân tích dữ liệu.

Điều này rất quan trọng vì việc phân tích tất cả dữ liệu này thường yêu cầu hàng trăm con chip máy tính chuyên dụng và hàng chục triệu USD chi phí, nguồn tài nguyên mà hầu hết các công ty không có. Với phương thức tiếp cận này của Meta, những công ty nhỏ hơn cũng có thể triển khai phần mềm một cách nhanh chóng, dễ dàng và rẻ tiền. Họ chỉ cần chi tiêu một phần nhỏ so với chi phí khổng lồ để tạo ra phần mềm mạnh mẽ như vậy.

Do đó, nhiều người trong ngành công nghệ tin rằng Meta đã tạo ra một tiền lệ nguy hiểm.

Tại Đại học Stanford, các nhà nghiên cứu đã sử dụng công nghệ mới của Meta để xây dựng hệ thống AI đã được cung cấp công khai trên internet. Một nhà nghiên cứu của Stanford tên là Moussa Doumbouya đã sớm nhận ra vấn đề của hệ thống này khi nó liên tục tạo ra những câu trả lời sai sự thật, phân biệt chủng tộc, giới tính.

Trong một cuộc trò chuyện riêng giữa các nhà nghiên cứu, ông Doumbouya cho biết việc phân phối công nghệ này cho công chúng sẽ giống như “một quả lựu đạn có sẵn cho mọi người trong cửa hàng tạp hóa”.

Được biết, Stanford đã nhanh chóng loại bỏ hệ thống AI của mình khỏi Internet. Theo đó, dự án này được thiết kế để cung cấp cho các nhà nghiên cứu công nghệ “nắm bắt hành vi của AI". Tatsunori Hashimoto, giáo sư Stanford, người đứng đầu dự án, cho biết. “Chúng tôi đã buộc phải gỡ bản demo xuống bởi những lo ngại ngày càng leo thang về khả năng sử dụng sai mục đích ngoài môi trường nghiên cứu”.

Đối với Meta, kế hoạch khiến nhiều người có thể tiếp cận với công nghệ này sẽ tạo ra một sân chơi bình đẳng nơi người người, nhà nhà đều có thể cạnh tranh với OpenAI, Microsoft và Google. Nếu mọi nhà phát triển phần mềm trên thế giới xây dựng dịch vụ dựa trên công cụ của Meta, thì đây sẽ là một cuộc đổi mới tiếp theo của ngành công nghệ.

Tiến sĩ LeCun cũng chỉ ra những lý do tại sao Meta cam kết cung cấp mã nguồn mở cho công nghệ AI. Ông cho biết sự phát triển của Internet dành cho người tiêu dùng là kết quả của các tiêu chuẩn chung, giúp xây dựng mạng chia sẻ kiến thức nhanh nhất, rộng rãi nhất mà thế giới từng thấy.

Ông nói: “Tiến độ phát triển sẽ nhanh hơn đáng kể khi tận dụng mã nguồn mở. Bạn sẽ có một hệ sinh thái sôi động hơn, nơi mọi người có thể đóng góp”.

Theo The New York Times