Chỉ trong vòng không đầy một tuần, thị trường PC đón nhận 2 tin tức vô cùng mâu thuẫn. Theo 2 thống kê độc lập của Gartner và IDC, doanh số xuất xưởng của thị trường PC toàn cầu trong năm vừa qua đã tiếp tục giảm khiến cho thị trường này chạm mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Sau đó chỉ hơn một tuần, Jon Peddie Research đưa ra số liệu cho biết lần đầu tiên trong lịch sử, doanh số phần cứng PC chơi game đã chạm ngưỡng 30 tỷ USD. Đặc biệt nhất, nhóm phần cứng cao cấp đem lại doanh thu tới 13 tỷ USD, tức là 43% trong tổng số 30 tỷ USD được các nhà sản xuất phần cứng PC game thu về trong năm vừa qua.
Thực tế, các con số khả quan của phân khúc phần cứng PC game không phải là chuyện bất ngờ. Điều đáng ngạc nhiên là ở chỗ theo dự đoán trước đây của Jon Peddie, mảng thị trường này sẽ phải đợi tới năm 2018 mới chạm được ngưỡng 30 tỷ USD.
Razer Project Valkyrie.
Các nhà sản xuất phần cứng PC game đang không bỏ lỡ cơ hội lớn này. "Cựu vương" PC một thời là HP sau nhiều năm hờ hững với game thủtrong năm qua bỗng dưng ra mắt một dòng sản phẩm tập trung vào game thủ dưới tên gọi "Omen", một cái tên "kêu" không kém gì "Predator" của Acer hay "Blade" của Razer. Inspiron của Dell sau nhiều năm được gọi chung chung là "laptop giải trí" nay được tái định hướng để tập trung vào nhóm game thủ tầm trung. Trong vòng 2 năm gần đây và cả tại CES 2017 vừa diễn ra, họ liên tiếp ra mắt những chiếc máy chơi game kỳ dị, từ laptop tích hợp bàn phím cơ cho đến laptop 3 màn hình.
Thực chất, nếu như trong nhiều năm trước đây phần lớn các nhà sản xuất PC đều muốn tạo ra các "bản sao" của MacBook thì đến những năm gần đây, "mỏng nhẹ" không còn là trọng tâm của họ nữa. Đi cùng với xu thế đó là một hiện tượng không khó đoán: doanh số MacBook đã sụt giảm trong vòng nhiều tháng liên tiếp. Có thể nói rằng, MacBook là hiện thân của thị trường PC ảm đạm năm 2016.
Sự tương phản của thị trường PC nói chung và phân khúc PC chơi game nói riêng nằm ở chỗ PC chơi game là những cỗ máy giải trí đặc biệt, có thể đáp ứng những nhu cầu mà máy tính "bình thường" không thể đáp ứng được. Trong bối cảnh các nhà phát triển game không còn ngần ngại chạy đua đồ họa (và cũng không quá ghẻ lạnh PC như trước đây), những chiếc PC đang dần dần trở thành mỏ vàng của các nhà sản xuất phần cứng. Một cộng đồng game thủ sẽ luôn bất chấp giá cả để sở hữu những trải nghiệm game choáng ngợp nhất có thể.
Nhu cầu 4K và VR là cú thúc mạnh mẽ để thị trường PC vươn lên trong năm 2016.
Bạn có thể thấy một kịch bản tương tự sắp sửa lặp lại với smartphone.
Sau nhiều năm phát triển, thực chất smartphone ngày nay đang đạt đến điểm hội tụ cực kỳ nhàm chán. Điều này có nghĩa rằng, nếu bạn xét tới nhu cầu của phần đông người dùng, sự khác biệt giữa iPhone và Android, giữa smartphone cao cấp và smartphone tầm trung thực chất lại là không mấy ý nghĩa. Phần đông mọi người đều dùng smartphone để nghe gọi OTT, chụp ảnh, "lướt" mạng xã hội, check mail... Bất kỳ ai, dù có cuồng Android đến đâu đi chăng nữa, nếu bị ép dùng iPhone làm chiếc smartphone duy nhất của mình chắc chắn vẫn có thể "sống sót" được.
Ở phía ngược lại, phần cứng smartphone cũng đang dần hướng tới một tiêu chuẩn nhất định. Kích cỡ màn hình thường rơi vào khoảng 5 – 6 inch; camera đã đủ đẹp cho Facebook và Instagram. Cảm biến vân tay, loa kép, màn hình nhận lực nhấn ngày càng xuất hiện nhiều. Thậm chí, chúng ta còn có thể dự đoán rằng sang năm sau cổng tai nghe 3.5 sẽ bị loại bỏ khỏi nhiều mẫu smartphone cao cấp.
Nói cách khác, chiếc smartphone ngày nay bắt đầu giống với chiếc laptop của 5 năm trước. Lúc đó, nhiều người nhận ra rằng nhu cầu của họ thực chất chỉ dừng ở "lướt web văn phòng bình thường". Chiếc laptop cũng ngày một bền bỉ hơn, nhu cầu mua mới ngày một chững lại. Ngay cả chiếc laptop chuẩn mực nhất dành cho những người dùng có nhu cầu "bình thường" là MacBook cũng chỉ vững bước được thêm vài năm rồi đến năm nay bắt đầu suy thoái, nhường chỗ cho PC chơi game trở thành ngôi sao của một thị trường ảm đạm.
Hướng đi dành cho smartphone nói riêng và di động nói chung như vậy đã được vạch ra. Một khi người dùng đã cảm thấy nhàm chán với phần đông sản phẩm "bình thường", các nhà sản xuất cần tạo ra những trải nghiệm mới, đặc biệt hơn, chuyên biệt hơn. Một chiếc iPhone hay Galaxy S từ năm này sang năm khác chỉ có thêm một vài cải tiến không cần thiếtvề camera và xung nhịp chip chắc chắn sẽ không thể đưa smartphone thoát khỏi tình cảnh trì trệ đang bắt đầu diễn ra ngày một rõ rệt hơn.
Cũng giống như PC, giờ là lúc người dùng bắt đầu thèm muốn các trải nghiệm giải trí "kỳ dị" ở các mức giá đắt đỏ trên smartphone.
Con số 5 triệu mẫu Gear VR đến tay người dùng là một minh chứng quan trọng cho thấy thị trường smartphone có thể nên chuyển hình theo hướng "kỳ dị hóa" của PC.
Nhiều tên tuổi phần cứng lớn đã bắt đầu nhận ra xu thế này. Đáng kể nhất phải là Samsung, gã khổng lồ smartphone hiện đang nhăm nhe đem VR phổ cập lên chiếc điện thoại. NVIDIA, vốn đã phải từ bỏ smartphone từ lâu, bỗng dưng ra mắt liên tiếp nhiều mẫu máy chơi game di động có đồ họa mạnh mẽ. Nintendo sau khi gục ngã trước Sony và Microsoft trong cuộc chiến console nay bỗng có bước tiến mạnh mẽ vào thị trường di động với Switch, một cỗ máy chơi game thực thụ có thể vừa chơi game di động, vừa chơi game tại gia.
5 năm trước, chẳng có ai nghĩ rằng những chiếc máy như vậy sẽ thành công. Nhưng cũng 5 năm trước, chẳng có ai nghĩ rằng HP sẽ nghiêm túc theo đuổi game thủ, rằng có một công ty nào đó sẽ tích hợp bàn phím cơ hoặc 3 màn hình vào laptop. Không ai từng tưởng tượng ra rằng PC chơi game cao cấp lại là cứu cánh của một thị trường máy tính liên tiếp leo dốc.
Liệu di động có sớm theo bước PC? Hãy chờ xem.
Theo Trí thức trẻ