Thông tin từ tờ Tuổi Trẻ Online, ngày 14/5, luật sư Trần Hồng Phong đã gửi đơn và giao nộp chứng cứ ngoại phạm của Hồ Duy Hải đến Chủ tịch nước. Từ hồ sơ vụ án, cho thấy có dấu hiệu hung thủ giết 2 nạn nhân ở Bưu điện Cầu Voi thuận tay trái.
Luật sư Trần Hồng Phong (người hỗ trợ pháp lý cho gia đình Hồ Duy Hải) cho hay, nghiên cứu biên bản khám nghiệm tử thi nạn nhân cho thấy việc mô tả các vết thương trên thi thể nạn nhân: "Cổ có vết cắt, tạo thành vết thương hở sắc gọn vùng cổ phía trước (trên sụn giáp) nằm ngang, há miệng rộng 5cm, dài 9cm, sâu đến xương cột sống cổ, hướng từ trái sang phải (biên bản khám nghiệm tử thi nạn nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng ngày 14/1/2008).
"Vùng cổ trước có vết cắt, tạo thành vết thương hở há miệng 5cm, bờ mép sắc gọn, nằm ngang trên sụn giáp, dài 9cm, sâu đến xương cột sống cổ, đường cắt có hướng từ trái sang phải" làm đứt hầu hết các cơ quan vùng cổ" (bản giám định pháp y số 21/PY.08 đối với tử thi Nguyễn Thị Ánh Hồng ngày 17/1/2008).
Đối với nạn nhân Nguyễn Thị Thu Vân thì vết cắt hướng từ phải qua trái.
Luật sư Trần Hồng Phong cho biết, nghiên cứu biên bản khám nghiệm tử thi, biên bản giám định pháp y và nghiên cứu các kiến thức khoa học về pháp y khác, cho thấy nếu hung thủ "mặt đối mặt" với nạn nhân để ra tay giết người thì hung thủ sẽ thuận tay trái. Còn nếu hung thủ thuận tay phải thì hung thủ phải đứng phía sau nạn nhân để thực hiện hành vi giết người.
Ông Phong cho biết lời khai, thực nghiệm hiện trường, kết luận điều tra, cáo trạng và 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm đều ghi nhận Hồ Duy Hải đã thực hiện hành vi giết người bằng việc cầm dao tay phải, mặt đối mặt với nạn nhân Hồng. Hải khai đã quật ngã chị Hồng xuống đất và tay trái túm tóc nạn nhân, tay phải cầm dao cứa cổ.
Ông Phong khẳng định điều này là mâu thuẫn với cơ chế hình thành vết thương do kết quả giám định pháp y thể hiện. Nếu đúng hung thủ thuận tay trái thì hung thủ không phải là Hồ Duy Hải vì Hải thuận tay phải. Nếu hung thủ là Hải thì lời khai về việc thực hiện hành vi là không phù hợp với hình ảnh thực tế.
Luật sư Trần Hồng Phong cung cấp thông tin cho báo chí. Ảnh: Tuổi Trẻ
|
Ngoài ra, ông Phong cũng tiếp tục cung cấp thêm các bằng chứng khác liên quan đến việc "ngoại phạm" của Hồ Duy Hải và khẳng định vụ án còn nhiều câu hỏi chưa được làm rõ, do vậy cần phải xem xét lại một cách đầy đủ.
Theo thông tin từ tờ Thanh Niên Online, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đã gửi kiến nghị lên Chủ tịch Quốc hội đề nghị xem xét lại vụ án Hồ Duy Hải.
Ông Lê Thanh Vân cho biết ông nhận thấy việc tổ chức phiên tòa giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải “có nhiều dấu hiệu không phù hợp với pháp luật”.
Đại biểu Vân đề nghị có 2 hình thức giám sát. Một là giám sát tối cao của Quốc hội (QH), bằng cách tổ chức một phiên chất vấn và trả lời chất vấn riêng của QH đối với Chánh án TAND tối cao. Hai là, có thể lựa chọn theo trình tự tố tụng đặc biệt, căn cứ vào điều 404 của bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Ủy ban Thường vụ QH yêu cầu Hội đồng thẩm phán (HĐTP) TAND tối cao xem xét lại bản án đã tuyên, khi thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng tại phiên tòa, hoặc phát hiện những tình tiết mới mà Hội đồng Thẩm phán chưa biết.
Ông Lê Thanh Vân nhấn mạnh thêm đây là vấn đề xã hội rất quan tâm, xem xét lại vụ án là việc làm bảo vệ sự tuân thủ nghiêm minh pháp luật, trừng trị tội phạm đúng người, đúng tội, nhưng phải tránh oan sai. Đây là một kỳ vọng xã hội đang mong mỏi.