"Lời tiên tri" của Jack Ma thành sự thật? Mô hình bán lẻ mới đang loại bỏ thương mại điện tử

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Khi một số lượng lớn các cửa hàng thương mại điện tử đang gặp khó khăn, một mô hình mua sắm mới lại phát triển rầm rộ ở Trung Quốc, đó là kết hợp cả trực tuyến và ngoại tuyến.
Mô hình bán lẻ mới kết hợp trực tuyến và ngoại tuyến. Ảnh: ChinaDaily
Mô hình bán lẻ mới kết hợp trực tuyến và ngoại tuyến. Ảnh: ChinaDaily

Trong thời đại Internet ngày nay, các phương thức mua sắm được cập nhật liên tục. Phương thức mua sắm chính ban đầu ở Trung Quốc chỉ là các cửa hàng vật lý, nhưng sau đó sự nổi lên của Jack Ma và Taobao đã thay đổi mọi thứ. Nền tảng thương mại điện tử trở thành phương thức mua sắm mới.

Nhưng với sự phát triển không ngừng của thời đại, thương mại điện tử dần có dấu hiệu đi xuống, đặc biệt là hai năm trở lại đây. Trong đại dịch Covid-19, thương mại điện tử bị ảnh hưởng bởi sự trì trệ của hậu cần. Tuy nhiên, một ngành mới nổi không những không chịu tác động của đại dịch mà còn phát triển mạnh hơn, thậm chí đạt mức cao kỷ lục - đó là mô hình bán lẻ mới.

Mô hình bán lẻ mới là gì?

Jack Ma. Ảnh: NetEase
Jack Ma. Ảnh: NetEase

Thực tế, ngay từ Hội nghị Aliyunqi 2016, Jack Ma đã mạnh dạn "tiên đoán" về mô hình phát triển kinh tế trong tương lai: thương mại điện tử thuần túy một ngày nào đó sẽ gặp phải nút thắt cổ chai, và mô hình bán lẻ mới sẽ thay thế thương mại điện tử như một phương thức mua sắm ưa thích của đại chúng. Tuy nhiên, phải đến khi mô hình bán lẻ mới trỗi dậy trong những năm gần đây thì mọi người mới công nhận Jack Ma lại một lần nữa "tiên đoán" thành công.

Vậy mô hình bán lẻ mới có nghĩa là gì? Câu trả lời mà Alibaba đưa ra là sự hợp nhất của bán lẻ truyền thống và thương mại điện tử hay là sự kết hợp giữa bán lẻ ngoại tuyến và trực tuyến. Hema Xiansheng là ví dụ điển hình nhất. Mô hình này giúp việc mua mọi thứ theo cách thức thuận tiện nhất, dù tại cửa hàng hay mua trực tuyến, dù giao hàng tận nhà hay lấy tại một điểm cửa hàng nào đó.

Kịch bản của Hema là một khách hàng đến cửa hàng, mua một trái cam qua ứng dụng và ăn thử nó tại cửa hàng. Sau đó người này quyết định đặt giao hàng tận nhà ngay lúc đó hoặc thời gian sau. Trong tương lai, khách hàng này sẽ tin tưởng cam tại Hema có chất lượng cao và chẳng ngần ngại mua trực tuyến.

Tính đến năm 2020, Hema Xiansheng đã mở hơn 250 cửa hàng ngoại tuyến trên khắp Trung Quốc. Hema XianSheng đứng thứ 6 trong 100 siêu thị hàng đầu ở Trung Quốc vào năm 2019. Gần 60% doanh thu của Hema Xiansheng đến từ trực tuyến, có thể nói đây là ví dụ tốt nhất của mô hình bán lẻ mới.

Tại sao thương mại điện tử gặp phải nút thắt cổ chai?

Jack Ma tại một chửa hàng Hema Xiansheng. Ảnh: NetEase
Jack Ma tại một chửa hàng Hema Xiansheng. Ảnh: NetEase

Nếu nguồn doanh thu chính của Hema Xiansheng đến từ trực tuyến thì tại sao nền tảng thương mại điện tử lại dần giảm sút? Trên thực tế, có hai lý do chính, thứ nhất là sự phổ biến của Internet. Tính đến tháng 12/2020, số lượng người dùng Internet ở Trung Quốc đã lên tới 989 triệu người.

Điều này đồng nghĩa với việc lượng khách hàng của nền tảng thương mại điện tử đã trở nên bão hòa, muốn mở rộng khách hàng thì chỉ có thể mở ra thị trường nước ngoài. Nếu không có sự xuất hiện của nhóm khách hàng mới thì sự phát triển của thương mại điện tử sẽ trì trệ, thậm chí thụt lùi.

Mặt khác, trải nghiệm mua sắm thương mại điện tử thường khá tệ. Mặc dù loại hình và giá cả trên các nền tảng thương mại điện tử có những lợi thế nhất định, nhưng với sự tiến bộ của thời đại, người ta chú trọng đến chất lượng hàng hóa hơn là giá cả hàng hóa. Trong khi đó, mua sắm trực tuyến chỉ cho phép khách hàng xem hình ảnh hoặc video, làm mất đi trải nghiệm thực. Đặc biệt là nền tảng thương mại điện tử có các thương gia tốt xấu lẫn lộn, điều này làm giảm trải nghiệm người dùng rất nhiều.

Do đó, khách hàng chủ yếu mua giày, quần áo và mũ trên nền tảng thương mại điện tử, trong khi các sản phẩm điện tử như điện thoại di động và máy tính, họ thường chọn mua ngoại tuyến. Các sản phẩm tươi như rau và trái cây thậm chí không được coi là thương mại điện tử. Tuy nhiên, sự kết hợp của các cửa hàng trải nghiệm ngoại tuyến và mua sắm trực tuyến qua ứng dụng trong mô hình bán lẻ mới cho phép người tiêu dùng vừa có trải nghiệm trực quan vừa tận hưởng mua sắm thuận tiện. Việc các công ty thương mại điện tử gặp khó khăn là điều dễ hiểu.

Mô hình bán lẻ mới có tiềm năng phát triển lớn

Với sự ra đời của kỷ nguyên dữ liệu lớn (Big Data), hình thức tiêu dùng trực tuyến và trải nghiệm ngoại tuyến dành riêng cho mô hình bán lẻ mới đang trên đà phát triển hơn nữa. Dữ liệu lớn có thể giúp các công ty làm rõ thói quen và nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, đồng thời có thể phân bổ hàng hóa của cửa hàng một cách thông minh để đạt được sự tích hợp giữa sản xuất và bán hàng.

Mô hình bán lẻ mới có thể thực hiện tiếp thị nhanh chóng trên Internet, hướng người mua ngoại tuyến đến cửa hàng trực tuyến trên ứng dụng, tăng giá trị kinh doanh; đồng thời cho phép người tiêu dùng có thời gian trải nghiệm mua sắm thoải mái hơn.

Trên thực tế, ngoài Hema Xiansheng của Alibaba, nhiều công ty thương mại điện tử cũng tham gia vào mô hình mới như siêu thị bán đồ tươi sống của JD.com, Meituan… Điều này đủ chứng minh rằng mô hình bán lẻ mới, với tư cách là một mô hình mua sắm hoàn toàn mới, đã nhận được sự quan tâm và công nhận của các công ty lớn.

Theo thời gian, việc theo đuổi mua sắm của mọi người dần thay đổi từ giá cả sang chất lượng và ngày càng nhiều tầng lớp trung lưu sẵn sàng chi trả cho những sản phẩm chất lượng tốt hơn.

Hãy cùng nhìn lại "lời tiên tri" của Jack Ma - đây là tầm nhìn và tư duy của người giàu nhất Trung Quốc. Nhiều nhà phân tích và người trong ngành tin rằng mô hình bán lẻ mới chắc chắn sẽ tái hiện lại ánh hào quang của thương mại điện tử nhiều năm trước.

Theo NetEase