Cụ thể, ngày 7/6, tại hội nghị đánh giá công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT và BT giai đoạn 2011 -2015 do Bộ GTVT tổ chức, ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch HĐQT CTCP Tasco - phát biểu đầy... ấm ức: “Cứ nói nhà đầu tư ăn dày, nhưng trong hợp đồng BOT chỉ quy định 11-12% lãi trên vốn chủ sở hữu, lợi nhuận mà DN phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là 22%, trừ đi lãi đưa về là 8-9%, trong khi cam kết cổ đông là 12-15%, thì hỏi lợi nhuận đâu mà dư luận nói nhà đầu tư tranh nhau?”
“Cứ nói nhà đầu tư BOT như tội đồ, chúng tôi ái ngại và không có hưng phấn đầu tư nữa?" - ông Dũng “hờn dỗi” cho biết.
Nói là vậy, nhưng kết quả kinh doanh của Tasco dường như đang phản ánh trái ngược điều này. Cụ thể, theo giải trình với HNX, Tasco cho biết “Lợi nhuận sau thuế Thu nhập doanh nghiệp quý I/2016 đạt 84.829.852.811 đồng, tăng 1.392,64% so với cùng kỳ năm 2015, tương đương với tăng 79.146.655.378 đồng, nguyên nhân chủ yếu do: doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng 232,43%, đồng thời tốc độ tăng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ cao hơn so với tốc độ tăng của giá vốn hàng bán”
Đi sâu tìm hiểu BCTC của Tasco, càng khó hiểu với phát ngôn của ông Dũng tại đại hội của Bộ GTVT, bởi lợi nhuận mà các hợp đồng BOT mang về cho đơn vị này quả thật là mơ ước với nhiều công ty xây dựng hiện nay.
Riêng khoản doanh thu phí, Tasco đã “bỏ túi” 99 tỷ trong quý I/20156, tăng 2,44 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu chỉ nhẩm tính, mỗi ngày Tasco đã thu về hơn 1 tỷ đồng tiền phí từ các dự án.
Lưu ý là, về bản chất, các nhà đầu tư BOT hiện nay không chỉ “trông” vào nguồn thu từ các khoản thu phí. Mà đa phần lợi nhuận các công ty đem về là nhờ trực tiếp thi công dự án (thông qua phương thức chỉ định thầu).
Trao đối về vấn đề này với VietTimes, một chuyên gia kinh tế cho rằng, BOT trong lĩnh vực giao thông hiện nay đang tồn tại nhiều vấn đề nổi cộm, trong đó có việc chỉ định nhà đầu tư, chỉ định thầu. Thông tin dự án ở diện hẹp chỉ một số ít người biết, trong khi đúng ra phải đấu thầu công khai, nhà đầu tư nào đáp ứng được năng lực tài chính, giá thầu thấp, thời gian thu phí ngắn nhất sẽ được chọn”
“Thực tế, các nhà đầu tư BOT hiện nay đang mượn uy tín của nhà nước, dùng vốn vay của ngân hàng để thực hiện dự án và đem lợi nhuận cho công ty của mình”
Với tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” này, nếu chỉ căn cứ những con số - vốn cũng chỉ là bề nổi trên báo cáo tài chính - sẽ thật khó tin nếu NĐT như Tasco nói “hết hưng phấn” với BOT như vậy.
Tasco đang làm những dự án BOT nào?
- Tasco cho biết, Công ty đang thu phí tại hai trạm Tân Đệ và Mỹ Lộc* để hoàn vốn cho 2 dự án: dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10 (km 92+900-Km 98+400) đoạn từ cầu La Uyên đi cầu Tân Đệ - huyện Vũ Thư – tỉnh Thái Bình (BOT10), và dự án đầu tư xây dựng tuyến đường tránh thanh phố Nam Định từ thị trấn Mỹ Lộc đến Quốc lộ 10 (BOT21)
Đáng lưu ý, vốn để Tasco thực hiện dự án này đa phần là đi vay ngân hàng, cụ thể tại 2 dự án này Ngân hàng phát triển Việt Nam – CN Nam Định đã cho Tasco vay 3 món:
Món thứ nhất, số tiền tối đa 236 tỷ đồng thời hạn 15 năm, trả nợ gốc 13 năm, ân hạn 2 năm.
Món thứ 2, sô tiền vay tối đa 173 tỷ thời hạn 120 tháng, thời gian trả nợ gốc 114 tháng, ân hạn 6 tháng.
Món thứ 3, số tiền vay 255 tỷ, thời hạn 15 năm, thời gian ân hạn tối đa 36 tháng.
Đó là chưa tính tới số tiền 36 tỷ đồng vay BIDV Nam Định.
- Ngoài ra, Tasco cũng đã thực hiện dự án đầu tư xây dựng dự án cải tạo, nâng cấp đường 39B đoạn đường tránh thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương, và đoạn từ đường vào trung tâm điện lực Thái Bình từ cầu Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình theo hình thức BOT.
Riêng dự án này, Tasco này được BIDV Nam Định cho vạy 436 tỷ đồng với thời hạn 15 năm, thời gian ân hạn tối đa là 12 tháng. Cũng trong dự án BOT này, Tasco được Agribank Thái Bình cho vay 330 tỷ đồng.
- Một dự án BOT khác được Tasco đang triển khai là dự án Cải tạo nâng cấp QL10 đoạn từ cầu Quán Toan đến cầu Nghìn, thành phố Hải Phòng, theo hình thức hợp đồng BOT. Riêng dự án này, Vietcombank Hà Nội cho Tasco vay số tiền lên tới 2.334 tỷ đồng với thời gian 216 tháng.