Lời kêu gọi chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên, và lý do Bình Nhưỡng thử nghiệm tên lửa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên diễn ra ngay trong thời điểm chiến lược, khi mà Hàn Quốc đã hối thúc Mỹ ký một hiệp ước chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại triển lãm vũ khí tổ chức hôm 11/10 (Ảnh: KCNA)
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại triển lãm vũ khí tổ chức hôm 11/10 (Ảnh: KCNA)

Đây là thời điểm chín muồi để tuyên bố chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên? Trong trường hợp đó, thời điểm này là hoàn hảo để Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm về phía Biển Nhật Bản.

Ít nhất thì đó cũng được xem là suy tính của Bình Nhưỡng. Thực tế trong quá khứ đã cho thấy Triều Tiên là bậc thày trong trò chơi quyền lực ngoại giao-chiến lược-kinh tế mà mục đích là nhằm gây sự thiếu kết nối giữa Seoul, Washington và Tokyo.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hiện đang thúc đẩy một kế hoạch để chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên và các cuộc đàm phán để đi đến kết quả đó dự kiến sẽ diễn ra trong tuần này, trùng thời điểm các đặc phái viên của Nhật Bản và Mỹ tới thăm. Tuy nhiên, kế hoạch chấm dứt tình trạng chiến tranh của ông Moon lại ít gây được sự chú ý từ Washington, bởi Mỹ đang tìm kiếm những điều thực chất chứ không phải điều mang tính biểu tượng.

Bởi điều này mà Triều Tiên có đầy đủ lý do để làm tăng căng thẳng và buộc Washington phải chấp nhận đối thoại giữa hai miền Triều Tiên.

Thêm một lý do khác

Triều Tiên đã thử nghiệm một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) ở bờ biển phía Đông nước này về phía Biển Nhật Bản trong hôm 19/10; quân đội Hàn Quốc cho hay. Hiện vẫn chưa rõ tên lửa này là gì, chỉ biết nó bay được 450 km, được phóng từ một tàu ngầm thực sự hoặc một nền tảng hoạt động dưới mặt nước chuyên phục vụ các cuộc thử nghiệm như vậy.

Triều Tiên đã ngừng thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) – loại tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân tới lãnh thổ Mỹ - kể từ năm 2017. Tuy nhiên, họ lại tăng cường các vụ phóng có ít tính chất khiêu khích hơn.

Vụ phóng hôm thứ Ba vừa qua là vụ phóng thứ 8 trong hàng loạt các vụ thử nghiệm vũ khí, trong đó bao gồm nhiều vụ thử tên lửa đạn đạo tầm ngắm, tên lửa hành trình và tên lửa siêu thanh. SLBM giờ được thêm vào trong số đó.

Triều Tiên phô diễn các loại tên lửa trong một cuộc diễu binh ở Bình Nhưỡng (Ảnh: KCNA)

Triều Tiên phô diễn các loại tên lửa trong một cuộc diễu binh ở Bình Nhưỡng (Ảnh: KCNA)

Mặc dù không vụ thử nào trong số này có thể khiến Mỹ phẫn nộ theo cách mà họ phản ứng trước một vụ thử hạt nhân hay ICBM, nhưng đủ để khiến cả thế giới đứng dậy và quan sát xem các bên có phản ứng thế nào.

Giới chuyên gia tin rằng các vụ thử của Triều Tiên có mục đích kép: để thử nghiệm công nghệ quân sự của họ, và để gửi đi những tín hiệu chính trị. Và trong vụ thử mới nhất, thời điểm thực hiện lại dường như rất mâu thuẫn.

Tại Washington trong hôm đầu tuần này, các đặc phái viên về hạt nhân của Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ - lần lượt là các ông Noh Kyu-duk, Takehiro Funakoshi và Sung Kim – đã có các cuộc gặp ba bên để cố gắng vạch ra một chiến lược đối phó với Triều Tiên.

Tuyên bố kết thúc chiến tranh cũng được đưa ra trong các cuộc thảo luận đó, và ông Sung Kim nói rằng ông sẽ tới Seoul để tiếp tục các cuộc đàm phán về tuyên bố kết thúc chiến tranh vào cuối tuần này.

Điều này cho thấy vụ phóng tên lửa hôm 19/10 không phải một sự kiện trùng hợp. Triều Tiên trước đó cũng thử nghiệm tên lửa ngay trước ngày 13/9, thời điểm tổ chức cuộc họp giữa 3 đặc phái viên này.

Đằng sau lời kêu gọi chấm dứt chiến tranh

Ông Noh, đại diện phía Hàn Quốc, sẽ phải gánh một nhiệm vụ rất khó khăn. Sếp của ông, Tổng thống Moon Jae-in, vốn ưu tiên việc nối lại đàm phán với Triều Tiên kể từ khi nhậm chức vào năm 2017, sẽ kết thúc nhiệm kỳ của mình vào tháng 5/2022. Mục tiêu tăng tình hữu nghị giữa hai miền Nam Bắc của ông bởi vậy cũng trở nên bất trắc.

Sau khi có những tín hiệu đầy hứa hẹn vào năm 2018, mối quan hệ tốt đẹp giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đã “bốc hơi” sau khi không thể đạt thỏa thuận trong hội nghị thượng đỉnh tổ chức tại Hà Nội năm 2019.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội năm 2019 (Ảnh: KCNA)

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội năm 2019 (Ảnh: KCNA)

Do chính sách về Triều Tiên của Hàn Quốc liên hệ mật thiết với chính sách Triều Tiên của người đồng minh quyền lực (Mỹ) nên quan hệ liên Triều cũng từ đó trở nên lạnh nhạt.

Và trong một nỗ lực điều chỉnh quan hệ liên Triều trở lại đúng hướng, Tổng thống Moon, trong bài phát biểu trước Đại hội đồng LHQ ngày 21/9 vừa qua, đã kêu gọi chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên. Cuộc chiến này kết thúc chỉ với một lệnh ngừng bắn, chứ không phải một hiệp ước hòa bình.

“Ông ấy đang nghĩ về di sản của mình, bởi vậy Nhà Xanh đang cố gắng đạt được một vài cột mốc trong khoảng thời gian ít ỏi còn lại” – Daniel Pinkston, giảng viên quan hệ quốc tế tại ĐH Troy, nhận định – “Những người ủng hộ tuyên bố kết thúc chiến tranh tin rằng điều này sẽ củng cố cho viễn cảnh Triều Tiên hòa bình ở Đông Bắc Á, và cuối cùng là sự hội nhập kinh tế và chính trị.”

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden, người cũng phát biểu tại Đại hội đồng LHQ, lại đòi hỏi “những cam kết thực chất” từ phía Triều Tiên. Điều này đã phơi bày sự thiếu liên kết chính sách giữa Washington và Seoul trong vấn đề Triều Tiên.

Hàn Quốc – đương nhiên sẽ phải tập trung vào các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên – tin rằng việc tuyên bố chấm dứt chiến tranh sẽ là một di sản mang tính biểu tượng và sẽ thôi thúc chính quyền tiếp theo phải đi theo hướng tiếp cận đó. Điều này tạo nên sự tiếp nối, từ đó xây dựng niềm tin và đối thoại liên Triều.

Trong khi đó, Washington lại phải tính toán hàng loạt câu hỏi hóc búa khác về chính sách ngoại giao và ít tập trung hơn vào những điều chỉ mang tính biểu tượng như vậy. Thay vào đó, họ muốn các vòng đối thoại thực chất về giải giáp hạt nhân.

Và đó là khoảng trống mà ông Noh sẽ phải bù đắp.

Tổng thống Moon Jae-in muốn tuyên bố chấm dứt chiến tranh trở thành một di sản của ông (Ảnh: AFP)

Tổng thống Moon Jae-in muốn tuyên bố chấm dứt chiến tranh trở thành một di sản của ông (Ảnh: AFP)

Về điều này, Triều Tiên – hồi đầu tháng này đã nối lại đường dây liên lạc với Hàn Quốc và gọi bài phát biểu của ông Moon tại LHQ là “đáng ngưỡng mộ” – có thể giúp đỡ ông Noh.

“Tất cả chúng ta đều biết Triều Tiên không quá hứng thú với việc chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên, họ hứng thú hơn với việc chấm dứt cái gọi là chính sách thù địch của Mỹ - chấm dứt các cuộc tập trận chung, đòn trừng phạt…” – ông Choi Jin-wook, đến từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Văn hóa, nói với Asia Times – “Chính Hàn Quốc – chứ không phải Trung Quốc, Triều Tiên hay Mỹ - mới mong muốn kết thúc cuộc chiến này, nhưng chìa khóa lại nằm trong tay Mỹ, bởi vậy mà Triều Tiên muốn làm tăng căng thẳng với Mỹ”.

Nếu như để giảm căng thẳng mà Mỹ “bật đèn xanh” cho Hàn Quốc tổ chức các cuộc đối thoại kết thúc chiến tranh, Triều Tiên có thể nhận được một dạng viện trợ kinh tế từ Seoul mà Washington không thể trao được; ông Choi giải thích.

Tại sao kết thúc chiến tranh?

Trước hết, một thỏa thuận nhằm kết thúc Chiến tranh Triều Tiên một cách chính thức nhìn không khác gì một trái ngọt đang chờ được hái.

Một thỏa thuận như vậy không gây nguy hại gì cho bất cứ bên nào, trong khi lại thúc đẩy ngoại giao. Và nó có thể trở thành một chiến thắng dễ dàng, giúp khởi động tiến trình tạo dựng lòng tin quan trọng, từ đó dẫn tới các cuộc thảo luận thực chất và tiếp xúc trong tương lai.

Tuy nhiên, những người phản đối cho rằng việc chấm dứt chiến tranh sẽ không tạo được ảnh hưởng gì tới sự hiện diện của binh sĩ Mỹ tại Hàn Quốc. Nó cũng không thể thay đổi các điều khoản trong hiệp ước phòng thủ chung giữa Seoul và Washington.

Giới chuyên gia tỏ ra khá thận trọng. Ông Pinkston nói rằng một hiệp ước hòa bình sẽ không thể xóa được mục tiêu chính của Triều Tiên – mục tiêu đã khiến nước này tấn công miền Nam vào năm 1950.

“Theo quan điểm của tôi, một hiệp ước hòa bình cần phải đồng nghĩa với việc từ bỏ và hủy bỏ Cách mạng Triều Tiên, bởi vậy chúng ta cần phải thấy được một tuyên bố bằng chữ về điều đó, và cả tuyên bố trên truyền thông” – ông nói.

Ông Pinkston cho rằng điều này đồng nghĩa với việc chấm dứt “vấn đề cốt lõi” của Bình Nhưỡng, cho rằng những người thúc đẩy hiệp ước hòa bình này có thể đã phớt lờ hoặc không nhận thức được về điều đó. Thiếu đi hành động về vấn đề cốt lõi này, một hiệp ước hòa bình chỉ là điều viển vông, ông nói.