Loại bỏ cơ chế xin - cho trong cấp phép khai thác tuyến vận tải hành khách cố định

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hệ thống dịch vụ công lĩnh vực đường bộ là bước tiến dài trong việc công khai, minh bạch, giảm thời gian, chi phí, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đăng ký khai thác tuyến vận tải hành khách cố định
Các doanh nghiệp vận tải đánh giá việc đăng ký khai thác tuyến vận tải trực tuyến là bước cải cách thủ tục hành chính quan trọng.
Các doanh nghiệp vận tải đánh giá việc đăng ký khai thác tuyến vận tải trực tuyến là bước cải cách thủ tục hành chính quan trọng.

Loại bỏ cơ chế xin – cho

Hợp tác xã Giao thông vận tải Yên Thế (179 Hoàng Hoa Thám, thị trấn Phồn Xương, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) hoạt động vận tải hàng hoá, vận tải hành khách, chuyên chạy các tuyến: Hà Nội - Bắc Giang, Bố Hạ - Gia Lâm, Mỹ Đình - Cầu Hồ, Yên Nghĩa... Hợp tác xã hiện đang sử dụng cả 3 dịch vụ trên Hệ thống dịch vụ công vận tải lĩnh vực đường bộ: Cấp, đổi giấy phép kinh doanh vận tải; Cấp, đổi biển hiệu phù hiệu xe ô tô và Đăng ký khai thác tuyến vận tải cố định.

Đại diện Hợp tác xã Giao thông vận tải Yên Thế - chị Vũ Thị Thảo cho biết, trước khi sử dụng hệ thống, để chuẩn bị đủ thành phần hồ sơ rất vất vả vì phải nộp kèm thông tin giám sát hành trình của từng xe và tất cả hợp đồng liên quan, khi có hệ thống thì các thông tin này có sẵn nên doanh nghiệp chỉ cần nộp đơn và các thủ tục pháp lý khác và đợi 3 ngày là có kết quả.

“Ngoài chuyện không tốn kém tiền bạc, ngay trong quá trình xử lý hồ sơ, chúng tôi biết được hồ sơ đã xử lý đến bước nào, nếu hồ sơ bị trả thì biết được là sai sót ở đâu, chậm ở đâu; trong khi trước đây thì nếu có sai sót thì chúng tôi nhận về cả tập hồ sơ và không biết sai ở đâu để mà sửa. Khi ấy, chúng tôi hoang mang vô cùng” – chị Thảo nói.

Ngoài ra, trước khi đăng ký khai thác tuyến, doanh nghiệp còn có thông tin chi tiết về việc tuyến này còn lưu lượng hay không. Các thông tin quan trọng khác cũng được công bố chi tiết nên doanh nghiệp có cơ sở để đăng ký.

Thực tế, sau hơn 5 năm đưa vào triển khai chính thức (từ ngày 1/1/2017), Hệ thống dịch vụ công lĩnh vực đường bộ (tại địa chỉ https://qlvt.mt.gov.vn) đã khẳng định được hiệu quả, góp phần mang đến sự thuận lợi cho cả người dân và doanh nghiệp.

Đơn cử như với việc đăng ký khai thác tuyến vận tải, nếu như trước đây thông tin đăng ký tuyến là chưa được công khai, việc thực hiện khó khăn và mất thời gian thì sau khi Hệ thống đưa vào triển khai, danh mục mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định - biểu đồ chạy xe theo tuyến được công bố, đơn vị kinh doanh vận tải căn cứ vào đó để lựa chọn giờ xuất bến, đăng ký khai thác tuyến tại những thời điểm chưa có đơn vị khai thác.

Các đơn vị kinh doanh vận tải căn cứ vào biểu đồ để đăng ký tuyến

Các đơn vị kinh doanh vận tải căn cứ vào biểu đồ để đăng ký tuyến

Trong khi đó, theo phương thức truyền thống, đơn vị kinh doanh vận tải khá vất vả để để thực hiện thủ tục hành chính cấp phép lĩnh vực đường bộ vì ngoài việc phải chuẩn bị nhiều thành phần hồ sơ thì còn phải đi lại nhiều lần gây mất thời gian và tốn kém, lãng phí. Khi chuyển đổi sang phương thức trực tuyến, người dân có thể thực hiện tại bất cứ đâu có máy tính kết nối internet, ngoài ra kết quả thực hiện thủ tục hành chính ở các thủ tục có thể tái sử dụng trong lần sau. Đồng thời cho phép doanh nghiệp hình thành các dữ liệu của đơn vị như: thông tin xe kinh doanh vận tải, dữ liệu tuyến đơn vị khai thác, dữ liệu xử phạt vi phạm hành chính…

Ông Khúc Hữu Thanh Hải - Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải và thương mại Đất Cảng (Hải Phòng) cho rằng, việc cấp đổi giấy phép kinh doanh vận tải; cấp, đổi biển hiệu phù hiệu xe ô tô; đăng ký khai thác tuyến vận tải trực tuyến là bước cải cách thủ tục hành chính quan trọng, giúp doanh nghiệp giảm thiểu thủ tục hành chính, không mất thời gian đi lại.

“Quan trọng hơn, việc này giúp doanh nghiệp phát huy hiệu quả đồng vốn đầu tư khi không phải chờ đợi. Đặc biệt, giúp loại bỏ cơ chế ‘xin – cho’ cấp phép vận tải do doanh nghiệp không phải tiếp xúc trực tiếp với đơn vị quản lý” - ông Hải nói.

Cơ quan quản lý giải quyết thủ tục nhanh chóng, chính xác

Trao đổi với VietTimes, ông Phùng Văn Trọng - Phó Giám đốcTrung tâm CNTT - Bộ Giao thông Vận tải cho biết, ngoài lợi ích mang lại cho doanh nghiệp thì các cơ quan quản lý nhà nước cũng được hưởng lợi khi cung cấp các dịch vụ công trực tuyến: Việc tiếp nhận hồ sơ hoàn toàn trực tuyến và việc xử lý thủ tục hành chính, thẩm định cấp phép hoàn toàn điện tử, đồng thời việc kết nối các CSDL, như CSDL đăng ký doanh nghiệp của Bộ KHĐT, CSDL giám sát hành trình, CSDL camera, CSDL đăng kiểm phương tiện,… giúp cơ quan quản lý giải quyết thủ tục nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm thời gian.

Bộ Giao thông vận tải tham dự Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam (Vietnam Digital Awards - VDA) 2022 ở hạng mục 3 - Cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc với giải pháp Hệ thống dịch vụ công lĩnh vực đường bộ.

Đây là Giải thưởng thường niên, do Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, VietTimes chủ trì tổ chức thực hiện nhằm tôn vinh các tổ chức, cá nhân có sự đổi mới, đóng góp xuất sắc trong việc phát triển hoặc ứng dụng công nghệ số nhằm hiện thực hoá khát vọng Chuyển đổi số của Việt Nam.

Dự kiến Lễ trao giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2022 sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 10 tới./.

Ngoài ra, việc hình thành các dữ liệu tập trung trong quản lý vận tải đường bộ, bao gồm các dữ liệu: doanh nghiệp kinh doanh vận tải, phương tiện kinh doanh vận tải, tuyến vận tải hành khách cố định, hợp đồng vận tải, người điều hành vận tải, dữ liệu giấy phép vận tải… giúp cơ quan quản lý có số liệu phục vụ công tác quản lý, điều hành lĩnh vực vận tải đường bộ.

Theo thống kê, hiện nay Hệ thống đã tiếp nhận 1.110.785 hồ sơ trực tuyến, đạt trên tỷ lệ trên 80% tổng số hồ sơ đã tiếp nhận cả trực tuyến và trực tiếp. Tính đến tháng 8/2022, Hệ thống đang quản lý thông tin của trên 1,8 triệu phương tiện hoạt động vận tải, 27,6 nghìn đơn vị kinh doanh vận tải, đã cấp gần 60 nghìn giấy phép kinh doanh vận tải, trên 1,1 triệu biển hiệu, phù hiệu xe ô tô.

Việc triển khai Hệ thống dịch vụ công lĩnh vực đường bộ là một bước trong quá trình chuyển đổi số ngành Giao thông Vận tải, góp phần đổi mới công tác quản lý hoạt động vận tải và quản lý tuyến vận tải hành khách cố định của Bộ Giao thông vận tải và các Sở Giao thông vận tải.

“Việc này cũng đổi mới công tác giải quyết thủ tục hành chính theo hướng nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, thực hiện công khai, minh bạch, giảm thời gian, chi phí và tạo sự thuận lợi cho đơn vị kinh doanh vận tải tham gia khai thác tuyến vận tải. Đồng thời, việc này cũng phù hợp với Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới” - ông Phùng Văn Trọng nói thêm.

Cổng Dịch vụ công Bộ Giao thông Vận tải cung cấp 289 dịch vụ công trực tuyến (gồm 25 dịch vụ mức độ 3 và 264 dịch vụ mức độ 4). Trung bình hàng năm giải quyết gần 500 nghìn hồ sơ trực tuyến với gần 150 nghìn doanh nghiệp, công dân tham gia. Theo đánh giá Par Index 2021, Bộ Giao thông Vận tải là 1 trong 3 Bộ đứng đầu về chỉ số Ứng dụng CNTT và Cung cấp dịch vụ công trên tổng số 18 Bộ, ngành./.