“Lo lắng khi Trung Quốc phá giá Nhân dân tệ là hơi thừa”

Nhiều ý kiến lo ngại xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng khi Nhân dân tệ phá giá, theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, lo ngại này tuy có lý nhưng hơi thừa. Vì Việt Nam là nền kinh tế gia công, chưa có công nghiệp phụ trợ đúng nghĩa nên khi sản xuất hầu như phải nhập khẩu.
“Lo lắng khi Trung Quốc phá giá Nhân dân tệ là hơi thừa”
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh
Gần đây khi Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ, nhiều chuyên giatỏ ra lo lắng, lo hàng Trung Quốc giá rẻ hơn sẽ tràn vào Việt Nam và hàngxuất khẩucủa Việt Nam sẽ không cạnh tranh được với hàng nước này.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, thì lo lắng đó dường như là “hơi thừa”.

Ông Trinh lý giải, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc 60% là nguyên vật liệu, trên 34% cho máy móc thiết bị và chỉ khoảng gần 6% cho tiêu dùng cuối cùng. Như vậy việc giá hàng nhập khẩu nguyên vật liệu giảm sẽ có lợi cho Việt Nam.

Kinh tế Việt Nam là nền kinh tế gia công, chưa có công nghiệp phụ trợ đúng nghĩa nên khi sản xuất hầu như phải nhập khẩu. Nếu không nhập khẩu sản phẩm từ Trung Quốc thì cũng phải nhập từ nước khác nếu không muốn sản xuất ngưng trệ.

Nhiều ý kiến lo ngại xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi việc Trung Quốc phá giá Nhân dân tệ, còn theo ông Trinh, lo ngại này dù có lý nhưng không cần thiết.

Cụ thể, 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là của khu vực FDI, hàng nông sản chỉ chiếm 10-12% tổng kim ngạch xuất khẩu trong đó xuất sang Châu Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ 5-7%, chỉ khoảng vài phần trăm xuất sang Trung Quốc.

“Tất nhiên vài phần trăm thì cũng là sản phẩm do mồ hôi và sức lực của người nông dân Việt Nam nhưng để sản phẩm của họ có thể cạnh tranh không chỉ là vấn đề tỷ giá”, ông Trinh nhấn mạnh.

Ngoài ra, giá trị xuất khẩu hay nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc sẽ tăng lên hoặc giảm đi còn phụ thuộc vào cơ cấu của xuất nhập khẩu theo nước và theo hàng hóa

Nền sản xuất của Việt Nam dựa vào nhập khẩu nguyên vật liệu và máy móc thiết bị, theo tính toán cho thấy xuất khẩu của Việt Nam ngày càng ít lan tỏa đến giá trị gia tăng mà chỉ lan tỏa đến nhập khẩu.

Như vậy, theo tính toán của vị chuyên gia này, khi VNĐ mất giá 3% sẽ khiến chi phí trung gian chung của nền kinh tế tăng lên do giá trị nhập khẩu tăng lên và chỉ số giá sản xuất (PPI) ngay chu kỳ sản xuất đầu tiên tăng lên 0,65 điểm % và chu kỳ sản xuất tiếp theo chỉ số giá tăng này tăng lên 0,75% tổng ảnh hưởng 1,1 điểm % và GDP có thể giảm 2% - 2,27.

Ông Trinh cũng cho biết, trong vài năm gần đây tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư trên GDP của Việt Nam gần như tương đương nhau.

“Nếu NHNN tiếp tục phá giá VNĐ có thể dẫn đến sự hoang mang của người gửi tiền tiết kiệm, khi người dân rút tiền tiết kiệm để trú ẩn vào kênh USD và vàng thì tiết kiệm không thành vốn mà chỉ là tiền tệ, lúc đó sẽ kéo nền kinh tế suy trầm...”, ông Trinh nhận định.

Cũng theo ông Trinh, không nên quá lo ngại do hàng Trung Quốc rẻ mà người tiêu dùng chấp nhận, chẳng phải từ trước đến nay hàng Trung Quốc vẫn rẻ đấy sao? Người tiêu dùng Việt Nam không lấy chuẩn mực rẻ là tất cả!

“Sản xuất ở Việt Nam chủ yếu làm gia công, vậy tại sao các chuyên gia chỉ chăm chăm lo xuất khẩu trong khi chính tiêu dùng trong nước mới lan tỏa đến phía cung và giá trị gia tăng nhiều nhất? Trong trường hợp cấu trúc chi phí của sản phẩm xuất khẩu như hiện nay thì việc phá giá VNĐ lại làm lợi cho Trung Quốc”, ông Trinh nói.

Theo Mạnh Nguyễn (Bizlive)